Giải ngân vốn đầu tư công tháng 10/2024 ước đạt 68,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ
10 tháng, vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 70,1% kế hoạch
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 10/2024 ước đạt 68,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: vốn Trung ương quản lý đạt 12,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,9%; vốn địa phương quản lý đạt 56,1 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2%.
Tính chung 10 tháng năm 2024, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 495,9 nghìn tỷ đồng, bằng 64,3% kế hoạch năm và tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 bằng 66,5% và tăng 24,6%).
Cụ thể: Vốn đầu tư thực hiện do Trung ương quản lý ước đạt 87,2 nghìn tỷ đồng, bằng 70,1% kế hoạch năm và giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Bộ Giao thông vận tải đạt 54,2 nghìn tỷ đồng, giảm 15,5%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 7,6 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8%; Bộ Y tế đạt 995,5 tỷ đồng, tăng 43,4%; Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt 874,4 tỷ đồng, tăng 9,0%; Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 546,1 tỷ đồng, giảm 43,5%; Bộ Công Thương đạt 526,5 tỷ đồng, tăng 20,6%.
Vốn đầu tư thực hiện do địa phương quản lý ước đạt 408,7 nghìn tỷ đồng, bằng 63,2% kế hoạch năm và tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt gần 274,0 nghìn tỷ đồng, bằng 60,0% và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2023; Vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 115,9 nghìn tỷ đồng, bằng 68,9% và tăng 4,8%; Vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 18,8 nghìn tỷ đồng, bằng 85,8% và tăng 4,7%.
Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước mười tháng năm 2024 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau:
Hình: Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước của một số địa phương
Bộ Kế hoạch và Đầu kiến nghị phát động phong trào 120 ngày đêm phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95%
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đến hết tháng 10/2024 của cả nước ước đạt 47,43% kế hoạch và đạt 52,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, chưa đạt kỳ vọng đặt ra.
Bên cạnh các địa phương, bộ, ngành còn lúng túng trong triển khai giải ngân vốn đầu tư công, đã có những địa phương, bộ, ngành triển khai giải ngân tốt.
Đáng chú ý, có 15/44 bộ, cơ quan Trung ương và 41/63 địa phương đã nỗ lực phấn đấu, đạt tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công ước 10 tháng năm 2024 đạt trên mức trung bình của cả nước. Tiêu biểu một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân cao gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Giao thông vận tải, Đài Truyền hình Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Long An, Hòa Bình, Tiền Giang, Thanh Hóa…
Để thúc giải ngân đầu tư công, hiện nay, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan tham mưu nhiều chính sách phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài ra, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc kiện toàn các tổ công tác được Thủ tướng thành lập trước đây như là 5 tổ công tác của các Phó Thủ tướng, 26 tổ công tác của các Bộ trưởng, trên tinh thần kiện toàn các tổ công tác để có sự chỉ đạo mới, với phong cách mới để đem lại sự quyết liệt hơn trong giải ngân vốn đầu tư công.
“Học hỏi kinh nghiệm từ triển khai dự án đường dây 500 kV mạch 3 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, Bộ Kế hoạch và Đầu kiến nghị phát động phong trào trong cả nước 120 ngày đêm phấn đấu thực hiện giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 95% theo mục tiêu đã đề ra”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu kiến nghị./.
Bình luận