Công nghiệp Việt Nam "chưa giàu đã già"
Quang cảnh Hội thảo |
Thành tựu nhiều nhưng thách thức không ít
Phát biểu tại Hội thảo, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, TS.
Nguyễn Văn Bình cho rằng, trong hơn 30 năm đổi mới, nhất là trong 10 năm trở lại đây, các chính sách chung và chính sách ngành trong lĩnh vực công nghiệp được ban hành trong thời gian quan đã có tác động tích cực đến sự phát triển của công nghiệp Việt Nam.
Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp và giá trị gia tăng công nghiệp tăng trưởng liên tục trong nhiều năm. Trong 10 năm (2006-2015), tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng 3,4 lần. Tỷ trọng GDP công nghiệp cũng duy trì ổn định khoảng 31%-32%/tổng GDP của cả nước. Tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp tăng nhanh hơn nhiều so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong giai đoạn 2006-2015, tăng trưởng sản xuất công nghiệp đạt bình quân 7,3%/năm.
Bình quân giai đoạn 1997-2014, tốc độ giá trị sản xuất công nghiệp của Việt Nam đạt 7,7%/năm, cao hơn nhiều so với bình quân trong cùng giai đoạn của thế giới (2,2%), Mỹ (1,9%), Nhật Bản (1,2%), Hàn Quốc (6,3%), cũng như các quốc gia trong khu vực, như: Thái Lan (3,6%), Maylaysia (4,0%), Indonesia (5,7%), Philipines (4,1%)...
Cùng với đó, lĩnh vực công nghiệp cũng có tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất cao nhất trong các ngành kinh tế quốc dân trong nhiều năm qua. Tăng trưởng giá trị công nghiệp trong 10 năm (2006-2015) bình quân 6,9%.
Sau gần 10 năm, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng 3,5 lần từ 43,165 tỷ USD năm 2007 lên 148,9 tỷ USD năm 2015. Cơ cấu xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chuyển biến tích cực, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng chủ yếu và tăng liên tục (năm 2007 chiếm 78%, năm 2015 tăng lên 97,3%)
“Phát triển công nghiệp trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân. Hiện nay, hiện nay khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và khu vực kinh tế tư nhân trong nước đóng góp ngày càng lớn vào đầu tư phát triển công nghiệp đất nước”, đồng chí Nguyễn Văn Bình nói.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Hội thảo |
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Văn Bình bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình phát triển công nghiệp đất nước cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập. Điển hình như: công nghiệp nước ta đang ở trình độ thấp, chủ yếu đang phát triển theo chiều rộng, nội lực còn yếu, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI còn hạn chế. Tăng trưởng công nghiệp chưa cao, thiếu bền vững.
Năng suất lao động công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn ở mức thấp, tốc độ tăng năng suất lao động chậm hơn tốc độ tăng bình quân chung của nền kinh tế (2,4%/năm so với 3,9%/năm). Nếu so với các quốc gia trong khu vực thì năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam thấp hơn nhiều (Malaysia, Thái Lan cao hơn gấp 6,4 lần, Philipines cao gấp 3,6 lần).
"Nước ta không tận dụng tốt lợi thế dân số vàng, đang đối diện với nguy cơ hậu công nghiệp hoá quá sớm. Việt Nam chưa có chính sách công nghiệp tổng thể, dài hạn. Thiếu các chính sách cụ thể, ưu tiên nguồn lực để theo đuổi nhất quán mục tiêu đề ra", đồng chí Nguyễn Văn Bình thẳng thắn chỉ rõ.
Đồng tình với những nhận định của đồng chí Nguyễn Văn Bình, Giáo sư Trần Văn Thọ, Trường Đại học Waseda, Nhật Bản cho rằng, ngành công nghiệp Việt Nam đang gặp một số bất cập, như:
(i) Công nghiệp Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào FDI, nhưng khu vực này không nối kết chặt chẽ với nền kinh tế quốc dân. Hiện nay, FDI chiếm tới 50% sản lượng công nghiệp và 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong một số mặt hàng, vai trò của FDI trong xuất khẩu còn cao hơn nữa. Chẳng hạn xuất khẩu điện thoại di động tùy thuộc 100% vào FDI...
(ii) Hàng công nghiệp sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam còn chủ yếu là lắp ráp, gia công, chậm chuyển dịch lên các giai đoạn cao trong chuỗi giá trị toàn cầu. Gần đây, linh kiện điện tử, linh kiện máy in, máy điện thoại di động bắt đầu sản xuất tại Việt Nam nhưng mới dừng lại ở những chủng loại, công đoạn có giá trị thấp và chủ yếu dùng lao động giản đơn.
“Công nghiệp Việt Nam chưa giàu đã già, chuyển qua hậu công nghiệp quá sớm. Các nước có nền công nghiệp phát triển, như: Hàn Quốc hay Nhật Bản thu nhập bình quân đầu người 30.000 USD/năm, thì công nghiệp mới bắt đầu chuyển sang giai đoạn hậu công nghiệp, trong khi Việt Nam thu nhập mới 3.000 USD đã chuyển sang giai đoạn này”, Giáo sư Trần Văn Thọ nói.
Một thách thức khác mà Giáo sư Trần Văn Thọ đề cập đó là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với điểm nổi bật là "lao động khuynh hướng giảm" và trên thực tế các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam bắt đầu giảm lao động từ 5-7 năm nay, thu hút lao động trên một đơn vị công nghiệp giảm. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới việc làm, do nước ta đang trong giai đoạn dân số vàng nhưng chất lượng lao động lại không cao.
Cần có tư duy mới trong xây dựng chính sách
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng như hiện nay, Việt Nam cần tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư, xác định rõ vai trò của các thành phần kinh tế trong phát triển công nghiệp để định hướng chính sách phát triển phù hợp.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, công nghiệp Việt Nam cần một hệ thống chính sách đồng bộ và hiệu quả. Thực tiễn cho thấy, chúng ta không thiếu chính sách, nhưng dường như ngoài một số ít chính sách có hiệu quả, có tác động thì còn nhiều chính sách được ban hành chưa kịp thời và ít tác dụng.
“Cần đổi mới tư duy khi xây dựng chính sách, thay vì chỉ tiếp cận theo hướng “đưa chính sách vào cuộc sống” thì cần kết hợp đồng bộ với “đưa cuộc sống vào chính sách”, tức là trên cơ sở các định hướng và mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn, xuất phát từ những đòi hỏi của cuộc sống để ban hành chính sách cho phù hợp”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải thẳng thắn cho biết.
Liên quan đến việc định hướng trong chính sách công nghiệp, TS. Vũ Thành Tự Anh, Trường đại học Fulbright Việt Nam cho rằng, vấn đề chính của chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam hiện nay không phải là nên hay không nên có chính sách công nghiệp ưu tiên mà là vấn đề có chính sách công nghiệp ưu tiên như thế nào.
Việt Nam không nên theo đuổi chính sách ưu tiên một số sản phẩm cá biệt như hiện nay, mà nên thực thi chính sách ưu tiên một số lĩnh vực năng lực phù hợp với mục tiêu và chiến lược phát triển dài hạn của đất nước.
Trong trường hợp Chính phủ không muốn sử dụng cách tiếp cận mới mà vẫn muốn đi theo cách tiếp cận lựa chọn ngành công nghiệp mục tiêu như hiện nay, thì việc lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu phải được thực hiện một cách thật bài bản, kỹ lưỡng và thận trọng.
Quá trình lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu cần dựa trên một số nguyên tắc. Đó là, ngành công nghiệp ưu tiên phải thuận theo lợi thế so sánh động của Việt Nam. Tuyệt đối không đưa vào danh mục các ngành công nghiệp ưu tiên một cách duy ý chí, đi ngược lại lợi thế so sánh của Việt Nam.
“Một hệ quả của nguyên tắc này là việc lựa chọn các ngành công nghiệp mục tiêu phải thực tế, dựa trên thực lực công nghệ của quốc gia và bối cảnh thị trường thế giới. Tiếp đến là ngành công nghiệp ưu tiên nên là các ngành tạo ra tác động lan tỏa tích cực đáng kể cho các ngành khác trong nền kinh tế; ngành công nghiệp ưu tiên phải là ngành đang có tốc độ tăng trưởng cao trên thị trường nội địa và/hoặc thế giới, vì điều này chứng tỏ ngành được ưu tiên là ngành có nhu cầu cao và do vậy có tiềm năng phát triển trong tương lai…”, TS. Vũ Thành Tự Anh nói.
Trong khi đó, Giáo sư Trần Văn Thọ cho rằng, Việt Nam chậm đưa ra các chính sách thích hợp và thiếu nỗ lực cải cách hệ thống quản lý hành chính, thiếu cán bộ quản lý có năng lực và trách nhiệm nên đã không thu hút được nhiều vốn đầu tư nước ngoài trong các ngành liên quan các loại máy móc.
“Chiến lược quan trọng để phát triển các ngành liên quan đến máy móc là phải phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ nhưng rất tiếc hiện nay các ngành này ở Việt Nam còn rất yếu. Việt Nam cần nghiên cứu và tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI chuyển dịch chất lượng sản phẩm lên cao hơn. Chính phủ nên đối thoại với các doanh nghiệp, tập đoàn… để biết họ cần chính sách gì để khuyến khích mở rộng và nâng cao diện sản xuất”, ông Thọ nêu quan điểm./.
Bình luận