Nỗ lực lớn của Quốc hội, Chính phủ

Sáng nay (ngày 30/5), Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành, theo Văn phòng Quốc hội.

Ông Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09/2021/QH15, ngày 25/7/2021 về Chương trình giám sát tối cao năm 2022 và Nghị quyết số 19/2021/QH15, ngày 27/7/2021 thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”, nhằm đánh giá toàn diện, khách quan việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, để từ đó đề xuất giải pháp xử lý tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, góp phần hoàn thiện thể chế về quy hoạch.

Công tác quy hoạch được ví như người công binh mở đường…
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành (ảnh: Quốc hội)

“Xây dựng và ban hành Luật Quy hoạch là sự nỗ lực, cố gắng lớn của Quốc hội, Chính phủ trong việc thể chế hóa Nghị quyết 13-NQ/TW, ngày 16/01/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI. Sau khi Luật Quy hoạch được thông qua, Quốc hội đã ban hành 7 luật; Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 1 pháp lệnh; Chính phủ đã ban hành 43 nghị định; các bộ, ngành ban hành 96 thông tư hướng dẫn. Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức 3 hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch…”, ông Thanh cho hay.

Đoàn Giám sát nhìn nhận, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã được triển khai tích cực, đạt được kết quả bước đầu, tiến độ được đẩy nhanh trong thời gian gần đây, nhất là sau khi Quốc hội quyết định giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này. Số lượng quy hoạch đã giảm từ 3.654 quy hoạch thời kỳ trước khi Luật quy hoạch có hiệu lực xuống còn 111 quy hoạch, giảm 3.543 quy hoạch (giảm 97%).

Công tác quy hoạch được ví như người công binh mở đường…
Đại biểu Quốc hội Trần Việt Anh (Hà Nội)

Luật Quy hoạch năm 2017 được đánh giá là công cụ quản lý rất tiến bộ với 8 loại hình, gồm 111 quy hoạch, với mục tiêu đề ra là thống nhất các quy hoạch theo tầng, bậc để quản lý đồng bộ...

Không chỉ giảm về số lượng, quan trọng hơn, hệ thống quy hoạch quốc gia với 111 quy hoạch, thay thế cho trên 3.600 quy hoạch trước đây, đã thiết lập một hệ thống quy hoạch thống nhất, giản lược, có tầng bậc, tích hợp, dễ theo dõi và thực hiện, qua đó tập trung hiệu quả các nguồn lực khan hiếm của đất nước vào các mục tiêu phát triển, không gian phát triển mới, giá trị mới và động lực phát triển mới của quốc gia, vùng và địa phương.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch cơ bản đã hoàn thành; kinh phí lập quy hoạch đã được quan tâm bố trí. Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất cấp huyện…

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác lập quy hoạch trong thời gian tới, Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch và một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch.

Theo đó, cho phép Chính phủ và các cơ quan liên quan được thực hiện các nội dung Luật Quy hoạch và các luật hiện hành chưa quy định hoặc đã quy định nhưng bất cập, vướng mắc, thì được thực hiện khác với các Luật này để đẩy nhanh tiến độ lập, phê duyệt các quy hoạch cho đến khi Luật Quy hoạch được sửa đổi và có hiệu lực thi hành; đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan khẩn trương rà soát, xây dựng và ban hành theo thẩm quyền các quy định về điều kiện, quy chuẩn kỹ thuật, chuyên ngành; rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật về công tác quy hoạch còn mâu thuẫn, chồng chéo để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc...

Đại biểu Quốc hội nói gì?

Thảo luận về nội dung Báo cáo của Đoàn giám sát, Đại biểu Quốc hội Lý Thị Lan (Hà Giang) đề xuất, nội dung quy hoạch tỉnh cần tập trung định hướng tích hợp phát triển kinh tế - xã hội, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực cho các lĩnh vực kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh...

Công tác quy hoạch được ví như người công binh mở đường…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) đề xuất lập quy hoạch đô thị cần căn cứ trên hiện trạng và yêu cầu phát triển của thành phố, quy hoạch sử dụng đất khi lập cần dựa trên cơ sở quy hoạch đô thị để đảm bảo sự đồng bộ (ảnh: Quốc hội)

“Việc đảm bảo kinh phí cho công tác lập quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất còn nhiều khó khăn, chưa có hướng dẫn cụ thể về các nội dung chi, cũng như thẩm quyền thực hiện thu, chi kinh phí thẩm định…”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Lệ (TP. Hồ Chí Minh) nhìn nhận.

Bà Lệ đề xuất các bộ, ngành Trung ương hướng dẫn nội dung mang tính chất khung của quy hoạch cấp trên để quy hoạch cấp dưới, quy hoạch cấp tỉnh tuân thủ, đồng thời có hướng dẫn xây dựng nội dung tích hợp trong quy hoạch tỉnh để các địa phương triển khai thực hiện đúng hướng, hạn chế việc chỉnh sửa nhiều lần trong quá trình lấy ý kiến thẩm định, ý kiến các bộ, ngành đối với quy hoạch.

Một đại biểu Quốc hội khác cũng thuộc đoàn TP. Hồ Chí Minh là ông Trần Anh Tuấn nhìn nhận, việc ra đời của Luật quy hoạch năm 2017 đã đặt ra nền tảng pháp lý quan trọng cho sự phát triển quy hoạch, phát triển kinh tế- xã hội của đất nước. Luật đã quy định rất cụ thể các nội dung mang tính chiến lược phát triển kinh tế tỉnh, vùng, quốc gia, đặc biệt là việc tích hợp phát triển mang tính đa ngành, liên ngành.

Ông Tuấn đề xuất, trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch trong thời gian tới, chúng ta cần lưu ý việc cân đối nguồn lực trong triển khai các dự án đầu tư; cần có quy định phân cấp cho địa phương được quyền quyết định bổ sung nguồn lực và danh mục dự án đầu tư mới mang tính cấp bách đó trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, mà không làm gia tăng bội chi ngân sách của địa phương. Khi thống nhất về thời gian và tầm nhìn quy hoạch cùng cấp, thì việc tiến hành triển khai quy hoạch, điều chỉnh các quy hoạch sau này sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

Công tác lập quy hoạch tổng thể quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, công tác lập quy hoạch tổng thể quốc gia đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung, của từng ngành, từng vùng, từng địa phương nói riêng. Công tác quy hoạch được ví như là một người công binh mở đường, nếu mở đường thắng lợi, thì cuộc chiến sẽ thắng lợi, còn nếu chúng ta làm không tốt sẽ dẫn đến sự thất bại, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước.

Công tác quy hoạch được ví như người công binh mở đường…
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tổng quát của xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực (ảnh: Quốc hội)
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ hội bố trí, sắp xếp lại không gian phát triển của quốc gia để đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao..

Cũng theo Bộ trưởng, một trong những quan điểm quan trọng về phát triển và tổ chức không gian phát triển đất nước khi lập quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 là phát triển quốc gia như một thể thống nhất, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.

“Mục tiêu tổng quát của xây dựng quy hoạch tổng thể quốc gia là kiến tạo một mô hình phân bổ không gian phát triển quốc gia hiệu quả, bền vững, hình thành được các vùng kinh tế động lực, các trung tâm kinh tế, đô thị chiến lược, mạng lưới kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, kết nối giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn, tạo điều kiện cho tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy thực hiện mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2050 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết./.