Công tác quy hoạch năm 2022: Thách thức và cơ hội
Dự kiến, hệ thống quy hoạch quốc gia sẽ cơ bản được trình thẩm định, phê duyệt và ban hành trong năm 2022

Theo Nghị quyết số 119/NQ-CP, ngày 27/09/2021 của Chính phủ về các nhiệm vụ và giải pháp để nâng cao chất lượng và đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030, hệ thống quy hoạch quốc gia sẽ cơ bản được trình thẩm định, phê duyệt và ban hành trong năm 2022, bao gồm 3 quy hoạch quốc gia, 39 quy hoạch ngành quốc gia, 6 quy hoạch vùng, 63 quy hoạch tỉnh và các quy hoạch đô thị, nông thôn. Sau khi hoàn thành, hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ 2011-2020, trước khi Luật được ban hành.

Đây là cơ hội lớn, đồng thời cũng là thách thức rất lớn, để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước và từng địa phương một cách bài bản, khoa học; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới; phát huy có hiệu quả các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, thực hiện chuyển đổi mô hình phát triển và cơ cấu lại nền kinh tế.

CÔNG TÁC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT CÁC QUY HOẠCH THUỘC HỆ THỐNG QUY HOẠCH QUỐC GIA THỜI KỲ 2021-2030

Thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 05/02/2018 của Chính phủ về triển khai Luật Quy hoạch, theo quy định của Luật Quy hoạch, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã tổ chức triển khai lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, đạt được một số kết quả, cụ thể như sau:

Đối với các quy hoạch cấp quốc gia

Về Quy hoạch tổng thể quốc gia: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình và được Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, hiện đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch, phấn đấu trình Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 6/2022, trình Quốc hội xem xét, phê duyệt tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Hiện nay, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các bộ, ngành xây dựng báo cáo “Quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, định hướng phát triển và định hướng sắp xếp, phân bổ không gian trên địa bàn quốc gia” để trình xin ý kiến Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII trong tháng 4 và tháng 5/2022.

Về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia và Quy hoạch không gian biển quốc gia: Đến nay, Quy hoạch sử dụng đất quốc gia đã được Quốc hội Khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 2 tại Nghị quyết số 39/2021/QH15, ngày 13/11/2021. Thực hiện Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14, ngày 16/08/2019 về Giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 22/NQ-CP, ngày 24/7/2020 phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hiện nay, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện việc lập quy hoạch không gian biển quốc gia theo đúng tiến độ và sẽ hoàn thành đúng thời hạn và trình Quốc hội xem xét, thông qua trong năm 2022 theo tiến độ quy định tại Nghị quyết số 119/NQ-CP

Về các quy hoạch ngành quốc gia: Thực hiện Quyết định 995/QĐ-TTg, ngày 09/08/2018 của Thủ tướng Chính phủ về Giao nhiệm vụ cho các bộ tổ chức lập quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bộ đã tổ chức lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 37/38[1] nhiệm vụ lập quy hoạch ngành quốc gia. Trên cơ sở đó, các bộ đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Đến nay, có 4 quy hoạch ngành quốc gia đã được phê duyệt[2] và 14/38 quy hoạch ngành quốc gia[3] đã lập xong, lấy ý kiến, trình thẩm định (trong đó có 03 quy hoạch[4] đã được tổ chức thẩm định xong; 1 quy hoạch[5] đang trình thẩm định).

Sau khi hoàn thành, hệ thống quy hoạch quốc gia được lập theo Luật Quy hoạch và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thời kỳ 2021-2030 sẽ thay thế cho 19.285 quy hoạch các loại phải lập cho thời kỳ 2011-2020, trước khi Luật được ban hành.

Đối với quy hoạch vùng

Về Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua tại phiên họp của Hội đồng thẩm định ngày 25 tháng 11 năm 2021; dự kiến Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt trong tháng 01/2022.

Về quy hoạch của các vùng còn lại, đã hoàn thành xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch và hoàn thiện theo quy định tại khoản 3, Điều 16, Luật Quy hoạch để trình Hội đồng thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng thời kỳ 2021-2030 tổ chức thẩm định[6]. Song song với quá trình xây dựng nhiệm vụ lập quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng quan điểm, mục tiêu phát triển của 5 vùng, gửi xin ý kiến các bộ, ngành, hoàn thiện gửi các địa phương nghiên cứu, tham khảo để trong quá trình lập quy hoạch tỉnh và tham gia ý kiến để hoàn thiện định hướng phát triển các vùng trong quá trình lập quy hoạch vùng.

Quy hoạch của 05 vùng dự kiến sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 12/2022 là đảm bảo tiến độ yêu cầu tại Nghị quyết số 119/NQ-CP.

Đối với quy hoạch tỉnh

Trên cơ sở nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, UBND các tỉnh, thành phố đang triển khai lập quy hoạch tỉnh; trong đó, đã có 2 quy hoạch tỉnh (Bắc Giang, Hà Tĩnh) đã được thẩm định và đang hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt; 3 quy hoạch tỉnh đã lập xong, trình thẩm định[7]; 7 quy hoạch tỉnh đã gửi xin ý kiến và đang hoàn thiện để trình thẩm định[8]. Dự kiến đến hết quý I/2022 sẽ có thêm nhiều quy hoạch tỉnh được lập xong và gửi xin ý kiến, trình thẩm định. Theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 119/NQ-CP, các quy hoạch tỉnh sẽ trình phê duyệt trước ngày 31/12/2022.

Đối với quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn

Hiện nay, các quy hoạch này đang được lập, thẩm định, phê duyệt đồng thời với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị, pháp luật về xây dựng và Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đánh giá chung

Trong thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Quy hoạch đã đạt được các kết quả chính như sau:

(1) Luật Quy hoạch và các văn bản hướng dẫn về triển khai lập quy hoạch cho thời kỳ 2021-2030 đã được các cấp có thẩm quyền ban hành cơ bản đầy đủ và đồng bộ để các bộ, ngành và địa phương triển khai công tác quy hoạch.

Công tác quy hoạch năm 2022: Thách thức và cơ hội
TS. Đinh Trọng Thắng - Vụ trưởng Vụ Quản lý quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính theo số lượng các quy hoạch đã được thẩm định và phê duyệt, mới chỉ khoảng 10% số lượng quy hoạch thuộc quy hoạch quốc gia được hoàn thành dự thảo, đang phê duyệt và ban hành. Như vậy, khối lượng công việc cần được hoàn thành trong năm 2022 là rất lớn.

(2) Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia đã đạt kết quả bước đầu quan trọng. Đến nay, đã có 1 quy hoạch quốc gia, 17/38 quy hoạch ngành quốc gia, 1/6 quy hoạch vùng, 14/63 quy hoạch tỉnh hoàn thành dự thảo quy hoạch, đang trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Dự kiến, các quy hoạch còn lại sẽ được hoàn thiện, phê duyệt và ban hành trong năm 2022.

(3) Các bộ, ngành, địa phương đã từng bước chuyển đổi hoạt động quản lý nhà nước phù hợp quy định của Luật Quy hoạch, theo hướng “Chính quyền là một tổng thể thống nhất”, tăng cường phối hợp, chia sẻ thông tin liên ngành, liên cấp trong hoạt động quản lý nhà nước, tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng với kiện kinh doanh được đơn giản hóa cho cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Từng bước bãi bỏ các quy hoạch về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ cụ thể, thay thế bằng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật chuyên ngành theo nguyên tắc minh bạch, công khai.

(4) Nội dung và chất lượng công tác quy hoạch được cải thiện đáng kể so với trước đây, việc áp dụng phương pháp tích hợp quy hoạch khắc phục được sự chồng chéo, xung đột giữa các quy hoạch riêng lẻ; nâng cao sự gắn kết liên ngành, liên vùng và gắn kết giữa chiến lược - quy hoạch - kế hoạch - đầu tư; mở ra các cơ hội, không gian phát triển mới, hình thành các ngành nghề đầu tư, kinh doanh mới; đảm bảo mục tiêu phát triển cân đối, hiệu quả, bền vững giữa các ngành, vùng lãnh thổ và cả nước. Những định hướng đột phát chính về tổ chức không gian đang được nghiên cứu và thảo luận tại Khung định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia bao gồm:

- Định hướng không gian phát triển quốc gia như một thể thống nhất, mở cửa, không bị chia cắt, không bị ràng buộc bởi địa giới hành chính nhằm nâng cao hiệu quả cạnh tranh toàn cầu của quốc gia, hạn chế các địa phương cạnh tranh không lành mạnh với nhau; qua đó, các nguồn lực đất nước được huy động và sử dụng một cách hiệu quả nhất vì lợi ích quốc gia.

- Tiếp cận theo hướng tạo đột phá phát triển, không tuần tự, tăng cường áp dụng tư duy phát triển mới, như: xác định và tập trung nguồn lực, đầu tư đồng bộ các hành lang kinh tế trọng điểm và các vùng động lực tăng trưởng quốc gia, đi trước, có đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, ngân sách quốc gia; phát triển TP. Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính quốc tế; huy động các nguồn lực để xây dựng đường sắt tốc độ cao, xây dựng đô thị gắn với cảng hàng không cửa ngõ.

- Tập trung đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tăng cường khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải.

- Tổ chức không gian phát triển gắn với hình thành hệ thống đô thị quốc gia có năng lực cạnh tranh cao, phân bố hợp lý trên địa bàn cả nước và trên các vùng; tăng cường liên kết đô thị và nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng văn minh, hiện đại, sinh thái.

- Tổ chức không gian phát triển quốc gia dựa trên sự gắn kết khu vực nội địa với không gian biển, tham gia các hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực, phát triển kinh tế - xã hội các dải biên giới gắn với bảo vệ chủ quyền và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

CÁC KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC CỦA CÔNG TÁC QUY HOẠCH TRONG NĂM 2022

Mặc dù, bước đầu đã đạt được các kết quả quan trọng nêu trên, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, các luật, pháp lệnh liên quan đến quy hoạch và các văn bản hướng dẫn thi hành có một số vướng mắc, khó khăn, hạn chế chủ yếu sau:

Công tác quy hoạch năm 2022: Thách thức và cơ hội
Thời gian qua, đã tập trung đầu tư hình thành bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, tăng cường khả năng kết nối giữa các phương thức vận tải.

(1) Về tiến độ, lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 chưa đạt được yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 11/NQ-CP. Tính theo số lượng các quy hoạch đã được thẩm định và phê duyệt, mới chỉ khoảng 10% số lượng quy hoạch thuộc quy hoạch quốc gia được hoàn thành dự thảo, đang phê duyệt và ban hành. Như vậy, khối lượng công việc cần được hoàn thành trong năm 2022 là rất lớn.

(2) Việc triển khai lập quy hoạch theo phương pháp tích hợp với nội dung cơ bản là lập thống nhất một quy hoạch trên một địa bàn tỉnh, tiếp cận tổng hợp và phối hợp đồng bộ giữa các ngành, lĩnh vực tạo ra nhiều thách thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quy hoạch.

(3) Việc tổ chức lập các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia là nhiệm vụ mới, phức tạp và lần đầu tiên được triển khai đồng thời ở tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là quy hoạch cấp dưới được lập khi quy hoạch cấp trên chưa được ban hành, do việc thách thức thức là bảo đảm tính đồng bộ, hệ thống của các quy hoạch, để quy hoạch cấp dưới cụ thể hóa đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, định hướng, phương án phát triển và giải pháp của quy hoạch cấp trên.

(4) Diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030, các đơn vị tư vấn không tiếp cận được thực địa để khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch.

(5) Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia thống nhất cho công tác quy hoạch chưa được hoàn thiện.

KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP ĐẨY NHANH TIẾN ĐỘ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÔNG TÁC QUY HOẠCH TRONG NĂM 2022

Bám sát quan điểm chung là quyết tâm tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt, công bố và triển khai thực hiện các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và các quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành khác; bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa công tác chỉ đạo, phối hợp gắn với nhiệm vụ “vướng mắc ở cấp, ngành nào thì cấp, ngành đó chủ động, tích cực sửa đổi, hoàn thiện” đã được Quốc hội thông qua, góp phần tích cực trong việc cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Trong thời gian tới, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quy hoạch được kiến nghị như sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030

- Việc nhanh chóng lập và tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc phát triển của đất nước, từng ngành, từng vùng và từng địa phương trong giai đoạn tới, cần phải xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên của tất cả các cấp, các ngành. Các bộ và địa phương cần triển khai quyết liệt việc tổ chức lập các quy hoạch thời kỳ 2021-2030 thuộc thẩm quyền, trình phê duyệt trước 31/12/2022, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nếu không hoàn thành tiến độ lập quy hoạch; đồng thời, không trình phê duyệt điều chỉnh các quy hoạch thời kỳ 2011-2020 khi chưa thực sự cần thiết, để không ảnh hưởng tới quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

- Đẩy mạnh công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện. Tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tăng cường chia sẻ thông tin; xác định rõ hơn mục tiêu phát triển và định hướng phân bổ, sắp xếp không gian và phân bổ nguồn lực phát triển; tạo dựng môi trường kinh doanh công bằng, thông thoáng với điều kiện kinh doanh được đơn giản hóa cho cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Trong quá trình lập quy hoạch phải có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phù hợp với xu thế phát triển của thế giới; kết hợp hài hòa kinh nghiệm quốc tế với điều kiện thực tiễn của Việt Nam, giữa kiến thức, kinh nghiệm của cả cán bộ quản lý với năng lực của đơn vị tư vấn lập quy hoạch.

Thứ hai, khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan đến quy hoạch cho phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch

Các bộ có liên quan khác cần khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn còn chồng chéo, mâu thuẫn với Luật Quy hoạch để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc dừng thi hành nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức lập quy hoạch thời kỳ 2021-2030 liên quan đến đất đai, tài nguyên nước, điện lực, cụm công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng và phương án đổi mới sáng tạo trong nội dung quy hoạch tỉnh theo hướng không làm phát sinh thủ tục hành chính và đảm bảo sự đồng bộ của hệ thống pháp luật về quy hoạch, dễ triển khai thực hiện.

Thứ ba, tập trung nghiên cứu xây dựng, quản lý, khai thác hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch

Khẩn trương xây dựng Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch nhằm cung cấp thông tin đồng bộ, thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời phục vụ công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và thực hiện quy hoạch; đảm bảo công khai, minh bạch thông tin quy hoạch; nâng cao vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng và người dân khi tham gia các hoạt động giám sát, đánh giá và tổ chức thực hiện quy hoạch./.


[1] Bộ Công Thương đã có văn bản số 5145/BCT-CN, ngày 19/7/2019 báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin phép chưa lập Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng phóng xạ vì chưa có dữ liệu đánh giá tiềm năng quặng urani.

[2] Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia; Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia; quy hoạch tổng thể hệ phát triển hệ thống cảng biển quốc gia; Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa.

[3] Bộ Giao thông vận tải: 1 quy hoạch, Bộ Tài nguyên và Môi trường: 02 quy hoạch, Bộ Công Thương: 2 quy hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: 3 quy hoạch, Bộ Thông tin và Truyền thông: 1 quy hoạch, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội: 3 quy hoạch, Bộ Y tế: 1 quy hoạch.

[4] Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa; quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc và quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

[5] Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia.

[6]Tờ trình số 8238/TTr-BKHĐT, ngày 25/11/2021 về đề nghị thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tờ trình số 8330/TTr-BKHĐT, ngày 30/11/2021 về đề nghị thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tờ trình số 8620/TTr-BKHĐT, ngày 08/12/2021 về đề nghị thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tờ trình số 8652/TTr-BKHĐT, ngày 09/12/2021 về đề nghị thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Trung du và Miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tờ trình số 8759/TTr-BKHĐT, ngày 13/12/2021 về đề nghị thẩm định nhiệm vụ lập quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

[7] Tỉnh Quảng Bình, Lào Cai và Tuyên Quang.

[8] Tỉnh Thanh Hóa, Lai Châu, Ninh Thuận, Hà Giang, Hà Nam, Bắc Cạn và thành phố Đà Nẵng.