Đã trình Quốc hội thông qua quy trình thủ tục luồng xanh với các dự án đặc thù
Tại diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 với chủ đề "Chung tay giải quyết các vấn đề pháp lý, góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp" ngày 9/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đã đến thời điểm phù hợp cho các quy trình, thủ tục dành cho các dự án đặc thù.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, đã đến thời điểm phù hợp cho các quy trình, thủ tục dành cho các dự án đặc thù. |
Sau khi Luật sửa đổi 4 luật được thông qua, số lượng các dự án được phân cấp sẽ tăng lên nhiều
Thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khẩn trương rà soát và trình Chính phủ đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật đầu tư theo phướng thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu nhằm xử lý các vướng mắc trong quá trình triển khai. Từ đó, góp phần tháo gỡ khó khăn điểm nghẽn trong hoạt động quy hoạch, đầu tư, sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Liên quan đến quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sửa đổi Luật Quy hoạch theo hướng xác định quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia; trong đó, quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn cũng là một loại quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Dự án luật mới cũng quy định quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có liên quan để bảo đảm sự thống nhất, thứ bậc của hệ thống quy hoạch.
Sửa đổi Luật Quy hoạch theo hướng quy định việc sử dụng cả nguồn vốn đầu tư công, nguồn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác cho hoạt động quy hoạch liên quan tới quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Việc điều chỉnh này nhằm bảo đảm sự linh hoạt trong việc sử dụng các nguồn kinh phí, phù hợp với đặc thù của từng trình tự, thủ tục, từ đó đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt và điều chỉnh các quy hoạch.
Liên quan đến Luật Đầu tư, Cục Quản lý Đầu tư đề xuất đẩy mạnh phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh. Theo đó, phân quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho UBND cấp tỉnh đối với dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp; dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng có quy mô vốn đầu tư từ 2.300 tỷ đồng trở xuống thuộc cảng biển đặc biệt.
Bên cạnh đó, bổ sung quy định mới tại Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt theo hướng chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm nhằm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư; tăng cường năng lực cạnh tranh của quốc gia trong việc thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao, các lĩnh vực đặc biệt khuyến khích đầu tư.
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý thuận lợi, đồng bộ, hiệu quả để thu hút đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng khuyến khích thực hiện phương thức PPP đối với tất cả các dự án thuộc lĩnh vực đầu tư công, trừ các dự án thuộc trường hợp nhà nước độc quyền theo quy định của pháp luật quản lý ngành, lĩnh vực hoặc dự án thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Dự thảo luật mới cũng bãi bỏ hạn mức về quy mô vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện dự án PPP và đơn giản hóa thủ tục, đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước đối với dự án PPP.
Đối với Luật Đấu thầu, mặc dù mới có hiệu lực được 8 tháng nhưng cũng đã phát sinh nhiều bất cập trong thực thi. Do đó, Dự án luật mới được điều chỉnh theo hướng cho phép chủ đầu tư phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc ký hợp đồng với nhà thầu trước khi dự án được phê duyệt hoặc điều ước quốc tế, thỏa thuận vay nước ngoài được ký kết nhằm góp phần tiết kiệm thời gian, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, gói thầu.
Bổ sung các gói thầu được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt, đồng thời phân cấp thẩm quyền quyết định áp dụng hình thức này nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, gói thầu có yêu cầu đặc thù về lựa chọn nhà thầu mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu khác được quy định tại luật này.
“Làm thế nào để doanh nghiệp, nhà đầu tư sớm gia nhập thị trường, đó là chủ trương xuyên suốt trong sửa đổi các luật này”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, ngay sau khi nhận được nhiều ý kiến băn khoăn về phức tạp, khó khăn trong quy trình thủ tục về đầu tư, kinh doanh.
Việc sửa đổi 4 luật trên, theo thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, tinh thần là tiếp tục phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư với dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, dự án xây dựng bến cảng, cảng có quy mô từ 2.300 tỷ đồng…
“Khi được Quốc hội thông qua, số lượng các dự án được phân cấp tăng lên nhiều và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương”, bà Ngọc chia sẻ.
Thủ tục luồng xanh cho dự án đặc thù sẽ được trình Quốc hội
Đặc biệt, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông tin về câu hỏi của các doanh nghiệp liên quan đến thủ tục đầu tư đặc biệt, dành cho nhóm dự án đặc thù mà một số nước trong khu vực đang thực hiện và được các nhà đầu tư quan tâm
.Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ, được Chính phủ chấp nhận và trình Quốc hội xem xét thông qua quy trình thủ tục đặc biệt, có thể gọi là luồng xanh, với các dự án đặc thù, trong dự thảo Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đấu thầu.
“Chúng tôi hoàn toàn đồng ý về ý kiến này, cũng đã nghiên cứu mô hình chấp thuận đầu tư của một số nước. Hầu hết các nước đều có thủ tục đặc thù với nhóm dự án đặc thù. Ở Việt Nam, việc xem xét các dự án quy mô lớn, có tác động lan tỏa lớn khá thận trọng, vì phải lường trước các tác động về vấn đề môi trường, xã hội… Tuy nhiên, đã đến lúc Chính phủ Việt Nam cũng cần có luồng xanh cho các dự án đặc thù”, Thứ trưởng Ngọc làm rõ khi trả lời các ý kiến của nhà đầu tư doanh nghiệp.
Cụ thể, các dự án thuộc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư thực hiện tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu chức năng trong khu kinh tế nơi đã được phê duyệt quy hoạch, các dự án đổi mới, sáng tạo, các lĩnh vực công nghệ cao, chip, bán dẫn… sẽ không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, không phải thực hiện thủ tục phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Dự án không có cấu phần xây dựng cũng không phải thực hiện các trình tự, thủ tục liên quan đến xây dựng.
“Quy trình, thủ tục được tiếp cận theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Theo đó, nhà đầu tư sẽ cam kết thực hiện các quy định của pháp luật, nếu vi phạm sẽ chịu phạt. Các bộ, ngành sẽ ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà đầu tư phải tuân thủ… Đây là ý tưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình và được Chính phủ chấp thuận, trình Quốc hội”, Thứ trưởng Ngọc cho biết.
"Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế" Tại diễn đàn "Kinh doanh và Pháp luật" năm 2024 đã có 117 ý kiến về những vấn đề pháp lý đặt ra đối với doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành đã có báo cáo rà soát về việc giải quyết các vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp đề cập. Với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực phát triển, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đã phối hợp triển khai nhiều giải pháp để giải quyết các vấn đề pháp lý cho doanh nghiệp, trọng tâm là những giải pháp thúc đẩy hoàn thiện thể chế pháp luật. Vừa qua, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua 04 Luật quan trọng về các lĩnh vực đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, đã đề xuất Quốc hội đẩy sớm thời điểm có hiệu lực của 04 đạo luật liên quan đến đất đai, bất động sản từ ngày 01/8/2024, nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển các hoạt động đầu tư, kinh doanh. Trong 9 tháng đầu năm 2024, Chính phủ đã tổ chức 09 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; Chính phủ đã ban hành 122 Nghị định, 215 Nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 1.129 Quyết định, 35 Chỉ thị, tổ chức 3 phiên họp Ban Chỉ đạo về rà soát, xử lý các vấn đề, vướng mắc pháp lý. Những việc làm cụ thể đó, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Tại kỳ họp thứ 8 sắp tới của Quốc hội, Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội các dự luật quan trọng theo tinh thần 1 luật sửa nhiều luật về thuế, chứng khoán, đầu tư… theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp tổ chức ngày 21/9/2024, đó là: "Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu". /. |
Bình luận