COVID-19 đẩy tiến trình chuyển đổi số trong hoạt động thương mại đi nhanh hơn!
TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã nhận định như vậy tại Hội thảo công bố báo cáo Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, chiều ngày 13/12.
Hội thảo do CIEM tổ chức trong khuôn khổ Chương trình Cải cách cách kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tài trợ.
TS. Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì Hội thảo |
Chuyển đổi số chậm khiến tác động của cải cách đối với thương mại dường như đang suy giảm
Trong 36 năm Đổi mới, tăng trưởng thương mại luôn gắn liền với những thành tựu quan trọng của Việt Nam về phát triển kinh tế-xã hội, thể hiện ở tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo…
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, mà trọng tâm là các FTA, đã mở đường cho Việt Nam cải thiện tiếp cận và đa dạng hóa các thị trường xuất nhập khẩu, đồng thời tạo thêm tác động lan tỏa đối với thu hút đầu tư nước ngoài, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay cả trong bối cảnh dịch COVID-19 kể từ năm 2020, việc tiếp tục thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, trọng tâm là các FTA thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA) đã mở rộng đáng kể không gian cho hoạt động thương mại của Việt Nam, qua đó giúp giảm bớt những hệ lụy tiêu cực của đại dịch đối với xuất nhập khẩu cũng như nền kinh tế Việt Nam. Kết quả này không chỉ giúp tạo tác động lan tỏa tích cực về thu nhập, việc làm, chuỗi cung ứng, mà còn thể hiện nỗ lực thử nghiệm, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.
“Chính ở đây, việc nắm bắt những xu hướng, thực tiễn tốt về chuyển đổi số trong thương mại sẽ góp phần tăng cường mức độ đổi mới sáng tạo và sức chống chịu của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trong hoạt động thương mại nói riêng”, TS. Trần Thị Hồng Minh cho biết.
Theo TS. Trần Thị Hồng Minh, thực tế gần hai năm chống chọi với đại dịch COVID-19 đã minh chứng tầm quan trọng thiết yếu của các phương thức sản xuất – kinh doanh dựa trên nền tảng số.
“Từ chỗ chuyển đổi số bước đầu có phần ngập ngừng với hi vọng quay lại cách làm cũ sau khi hết dịch COVID-19, chúng ta đã thay đổi tư duy theo hướng chuyển đổi số mạnh mẽ hơn. Ngay tại thời điểm, khi nói đến phục hồi và phát triển kinh tế, chúng ta cũng nói nhiều hơn đến chuyển đổi số, thậm chí là phục hồi số”, bà Minh cho hay.
Trên thực tế, Việt Nam đã có một số định hướng chính sách theo hướng thúc đẩy chuyển đổi số gắn với hoạt động thương mại. Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 645/QĐ-TTg, ngày 15/5/2020 phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025, và mới đây nhất là Quyết định số 1968/QĐ-TTg ngày 22/11/2021 phê duyệt Đề án Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030. Việt Nam cũng nhận thức được yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện các ngành, lĩnh vực đổi mới sáng tạo liên quan đến chuyển đổi số trong thương mại.
Dù vậy, theo bà Minh, tác động tạo thuận lợi của cải cách trong nước đối với hoạt động thương mại dường như đang suy giảm. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là do chuyển đổi số trong thương mại còn rất chậm, rời rạc, thiếu gắn kết, thiếu đồng đều và hài hòa.
Trong khi đó, tư duy chủ động cải cách liên quan đến chuyển đổi số trong thương mại chưa được thể hiện rõ nét, thay vào đó là việc nội luật hóa một cách thụ động đối với các cam kết liên quan trong FTA, thậm chí là chậm cụ thể hóa định hướng nội luật hóa một số cam kết liên quan trong các FTA.
Bảo đảm chuyển đổi số mạnh mẽ, thực chất hướng tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho thương mại
Cách mạng Công nghiệp 4.0 đã và đang có những diễn biến nhanh. Nhiều công nghệ có đột phá dựa trên nền tảng số hóa, tích hợp với các công nghệ thông minh. Nổi bật là kinh tế số với những chuyển biến lớn, có ảnh hưởng thực tế toàn diện, sâu sắc đối với phương thức tăng trưởng và phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới.
Việt Nam có thể học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số hỗ trợ thương mại nói riêng. Một số bài học kinh nghiệm nổi bật như chú trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách liên quan; có cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền trong thúc đẩy chuyển đổi số; tập trung vào những ngành, lĩnh vực có thể đột phá... |
“Bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kể từ năm 2020 – dù đã để lại nhiều tác động bất lợi đối với kinh tế thế giới nói chung và gián đoạn chuỗi cung ứng nói riêng – song không làm suy giảm động lực phát triển kinh tế số, mà thậm chí còn đẩy nhanh hơn tiến trình chuyển đổi số và quan hệ đối tác về kinh tế số. Theo đó, chuyển đổi số diễn ra nhanh trong hoạt động thương mại như là một xu hướng tất yếu”, bà Minh nhận định.
Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các hoạt động thương mại, gắn với nhiều lĩnh vực khác nhau như sở hữu trí tuệ, thuế hải quan, hạ tầng số, thanh toán không dùng tiền mặt và Fintech, logistics... Cách tiếp cận hoàn thiện khung pháp lý và chính sách khá linh hoạt, gắn liền với các cam kết trong các FTA thế hệ mới trong một số lĩnh vực, có cân nhắc góc độ ngành, không gian cho doanh nghiệp trong nước, hợp tác với các đối tác nước ngoài….
Việt Nam cũng đã có những chính sách hỗ trợ cho các lĩnh vực đổi mới sáng tạo nhằm hỗ trợ chuyển đổi số, dù hiệu quả thực tế còn khoảng cách so với yêu cầu đề ra. Đó là chưa kể một loạt các nhiệm vụ đang thực hiện liên quan đến chuẩn bị, xây dựng Luật Giao dịch điện tử và kinh tế số, Luật Chính phủ số, Luật Công nghiệp công nghệ số....
Vì thế, Việt Nam còn cần nhiều nỗ lực hoàn thiện chính sách hơn nữa để bảo đảm chuyển đổi số mạnh mẽ, thực chất hướng tới một hệ sinh thái hoàn chỉnh cho thương mại.
“Vấn đề càng cấp thiết hơn trong bối cảnh Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (như CPTPP, EVFTA)”, bà Minh nhận định.
Việt Nam cần những thực tiễn tốt để hoàn thiện hành lang pháp lý chuyển đổi số trong thương mại
Lưu ý rằng, với một số nền kinh tế, ngay cả các tiêu chuẩn đối với thương mại điện tử xuyên biên giới trong các FTA thế hệ mới - vốn đã được đánh giá là những tiêu chuẩn “hình mẫu” trong giai đoạn trước 2020 - dường như chưa đủ để bảo đảm phát triển thương mại một cách tin cậy, an toàn và bền vững trong bối cảnh chuyển đổi số.
Vì vậy, cần tập trung vào cả những xu hướng, thực tiễn tốt về chuyển đổi số và các hoạt động đổi mới sáng tạo hỗ trợ thương mại, từ đó kiến nghị các đề xuất cải thiện hành lang pháp lý liên quan, tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp và chuyển đổi số trong hoạt động thương mại nói riêng, gắn với việc thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới.
Thay mặt nhóm nghiên cứu của CIEM, ông Nguyễn Anh Dương Trưởng ban Nghiên cứu Tổng hợp (CIEM) cho biết, báo cáo “Thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại ở Việt Nam nhằm thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” tập trung vào: (i) Phân tích xu hướng và kinh nghiệm quốc tế về chuyển đổi số hỗ trợ thương mại (Hàn Quốc, Thụy Sỹ, Trung Quốc, EU, và Singapore); (ii) Rà soát khung pháp lý và tổ chức thực thi, các yêu cầu liên quan, nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại gắn với các cam kết về thương mại điện tử trong các FTA thế hệ mới; thực trạng phát triển một số lĩnh vực đổi mới sáng tạo phục vụ chuyển đổi số trong thương mại (Hạ tầng số - viễn thông, Fintech, và Logistics); và (iii) Các yêu cầu và lộ trình hoàn thiện khung pháp lý và tổ chức thực thi nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động thương mại.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có thể học hỏi được nhiều từ kinh nghiệm quốc tế trong quá trình chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số hỗ trợ thương mại nói riêng. Một số bài học kinh nghiệm nổi bật như chú trọng hoàn thiện thể chế, pháp luật, chính sách liên quan; có cơ quan chuyên trách, có thẩm quyền trong thúc đẩy chuyển đổi số; tập trung vào những ngành, lĩnh vực có thể đột phá; hạ tầng thông tin (cứng và mềm); tạo thuận lợi và hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp; xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh.
Hướng tới giai đoạn tiếp theo, Việt Nam cần một lộ trình hiệu quả nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong thương mại, gắn với các nội dung theo thứ tự sau: (i) Bảo đảm an toàn, an ninh mạng; (ii) Hoàn thiện chính sách cạnh tranh; (iii) Cân nhắc kỹ lưỡng các quy định về thuế với nền tảng số gắn với hoạt động thương mại; (iv) Chính sách sở hữu trí tuệ; (v) Phát triển hạ tầng số; (vi) Phát triển một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; và (vii) Phát triển nguồn nhân lực, chuyên gia trực tiếp và hỗ trợ chuyển đổi số trong thương mại.
|
Chuyên gia này nhìn lại thực tiễn tại Việt Nam với sự lo ngại, vì nếu tính từ năm 2012, Việc Nam ra văn bản về xây dựng Chính phủ điện tử, thì sau 10 năm, “nhất là khi làn sóng Covid thứ 4 xuất hiện, sự lúng túng trong điều hành cùng sự cát cứ của các địa phương đã cho thấy, “chính phủ điện tử ở Việt Nam vẫn còn xa”, bà Chi Lan thẳng thắn.
Khẳng định rằng, Chính phủ phải là người dẫn dắt sự phát triển trong nhiều bối cảnh khác nhau, không chỉ trong bối cảnh Covid, bà Chi Lan chỉ ra rằng, dù mất thời gian khá lâu để có thể thấy rõ hơn về chuyển đổi số, nhưng điều đó rất quan trọng để Chính phủ có thể xây dựng được khung khổ pháp luật rõ ràng, minh bạch, dễ dàng thực hiện.
Bà Chi Lan cũng nhận định, không nên quá cầu toàn khi xây dựng chiến lược phát triển số. Theo bà, ở một lĩnh vực có sự phát triển nhanh kinh khủng như công nghệ số thì việc nghĩ quá xa, tầm quá rộng, thì là quá thành khó.
“Chỉ nên thiết kế những bước đi ngắn hạn, trung hạn, làm tiền đề cho phát triển sau nay hơn là đề ra những Chiến lược quá dài, tầm nhìn quá xa, trong khi cái gần, cái làm được trong tầm tay thì không làm”, vị chuyên gia này đề xuất.
Về việc xác định các ngành các lĩnh vực mang tính đột phá, bà nhận định hiện chúng ta đang kêu gọi khá chung chung. “Ngành nào cũng chuyển đổi số, địa phương nào cũng chuyển đổi số, trong khi ngành, địa phương lại có trình độ và năng lực khác nhau”, bà nói. Dẫn bài học kinh nghiệm của Hàn Quốc, bà Lan cho rằng, nên chọn những lĩnh vực mạnh để làm, sau đó lan tỏa, chứ không nên làm trên diện rộng, dàn trải, không đến nơi, đến chốn.
Về phát triển nguồn nhân lực, bà Lan cho rằng, cần phân rõ, tập trung phát triển lực lượng chuyên gia, thay vì chỉ tập trung đào tạo một đội ngũ lớn thực hiện chuyển đổi số.
“Trong hợp tác quốc tế, chúng ta gắn với các chiến lược chuyển đổi số trong khu vực, toàn cầu. Cần lưu ý 3 lĩnh vực: (i) Tận dụng sự hỗ trợ các đối tác quan trọng đã có kinh nghiệm trong chuyển đổi số; tận dụng các quy định trong các FTA thế hệ mới về chuyển đổi số để rút ngắn quá trình thực hiện, đỡ phải loay hoay; (ii) Tập trung thực hiện các yêu cầu chung nhất trong các FTA đã ký tại các chương về thương mại điện tử, nên lưu ý tới an ninh mạng; các vấn đề về bảo vệ thông tin cá nhân, các vấn đề về thuế, thanh toán… (iii) Tập trung vào một số lĩnh vực mà chính Việt Nam cần để phát triển trong tương lai”, bà Lan đề xuất./.
Bình luận