CPI cả nước tháng 10 tăng 0,49%
CPI đang giảm tốc
Việc CPI tháng 10/2013 giảm tốc, có thể nói, phần lớn là do không còn sự tăng giá đột biến của nhóm hàng giáo dục như tháng trước. Tháng 9/2013, nhóm hàng này tăng giá tới 9,38%, trong khi tháng này, chỉ còn tăng 0,53%.
Trong khi đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống vẫn tiếp tục đà tăng, với mức tăng giá trong tháng 10 là 0,86%; trong đó thực phẩm tăng giá 1,04%, còn lương thực tăng 0,91%.
Lương thực, thực phẩm tăng giá sẽ tác động lớn tới CPI của cả nước. Thông thường, hai tháng cuối năm, giá lương thực, thực phẩm bao giờ cũng tăng cao hơn. Và điều này có thể ảnh hưởng đến CPI trong hai tháng cuối năm.
Với các nhóm hàng khác trong rổ hàng hóa tính CPI, nhóm thuốc và dịch vụ y tế chỉ tăng rất nhẹ là 0,1%. Trong khi đó, nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,12%; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,5%; nhóm giao thông giảm 0,27%…
Với kết quả này, lạm phát tính đến thời điểm hết tháng 10 đang ở mức 5,14%. Nếu hai tháng cuối năm, mỗi tháng CPI tăng 1%, thì lạm phát cả năm cũng sẽ chỉ ở quanh mức 7% – như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã dự báo. Mục tiêu kiềm chế lạm phát năm nay là hoàn toàn có thể đạt được.
CPI có thể thoát chu kỳ “2 cao, 1 thấp”
Theo Vụ Thống kê giá, Tổng Cục Thống kê, những tháng cuối năm 2013, tình hình thị trường có nhiều yếu tố tạo sức ép tăng tổng phương tiện thanh toán. Đó là việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách, các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh dự trữ chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết. Bên cạnh đó, giá một số hàng hóa trên thị trường thế giới có xu hướng tăng cùng với nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ sản xuất cuối năm tăng, tác động lên mặt bằng giá hàng hóa trong nước.
Tuy nhiên, do sức mua còn thấp, cùng với công tác điều hành thị trường của Chính phủ, các ngành, việc tiếp tục triển khai chương trình bình ổn thị trường của các địa phương… nên hàng hóa không có tăng giá đột biến. Giá một số hàng hóa thiết yếu như xăng dầu, gas có xu hướng ổn định hoặc giảm. Tỷ giá cơ bản ổn định, lãi suất được điều chỉnh giảm dần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay. Sản xuất tiếp tục tăng tốc trong những tháng cuối năm.
Đặc biệt, gần đây khi CPI có dấu hiệu cao lên, Chính phủ vẫn xác định nhất quán và kiên trì mục tiêu ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, không chạy theo tăng trưởng nhanh, thậm chí tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013 đã đưa ra mục tiêu tăng trưởng còn 5,3-5,4%.
Để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong điều kiện cân đối thu, chi ngân sách còn khó khăn, Nhà nước đã phát hành trái phiếu Chính phủ để tăng đầu tư cho kết cấu hạ tầng…
Tuy nhiên, chưa thể chủ quan, lơ là với lạm phát cao vào cuối năm nay và đầu năm sau, bởi vẫn còn có những yếu tố làm tăng CPI, khi tiền lương được điều chỉnh, nhu cầu đầu tư, tiêu dùng tới đây tăng, việc thực hiện lộ trình giá thị trường…
Đây là tín hiệu khả quan để có thể thực hiện được mục tiêu cả năm theo Nghị quyết của Quốc hội (dưới 8%), theo định hướng của Chính phủ trong kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2013 (7%). Nếu dự báo trên là đúng thì chu kỳ “2 năm tăng cao, 1 năm tăng thấp” trong 9 năm trước đó, nay đã không lặp lại./.
Bình luận