CPI tăng 3,53%, Chính phủ kiểm soát lạm phát thành công
CPI năm 2017 tăng 3,53%
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, CPI tháng 12/2017 tăng 0,21% so với tháng trước.
CPI bình quân năm 2017 tăng 3,53% so với bình quân năm 2016, dưới mục tiêu Quốc hội đề ra. CPI tháng 12/2017 tăng 2,6% so với tháng 12/2016, bình quân mỗi tháng tăng 0,21%.
2017 là một năm thành công trong công tác điều hành giá của Chính phủ
Theo phân tích của cơ quan thống kê, CPI bình quân năm 2017 tăng do một số nguyên nhân chủ yếu sau:
- Các địa phương điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC và Thông tư số 02/2017/TT-BYT. Tính đến ngày 20/12/2017 đã có 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với người không có thẻ bảo hiểm y tế làm cho CPI tháng 12 tăng khoảng 1,35% so với tháng 12/2016; CPI bình quân năm 2017 tăng 2,04% so với năm 2016.
- Thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP làm chỉ số giá nhóm giáo dục tháng 12/2017 tăng 7,29% so với tháng 12/2016, tác động làm CPI tháng 12/2017 tăng 0,41% so với cuối năm 2016, CPI bình quân năm 2017 tăng khoảng 0,5% so với năm 2016.
- Việc tăng lương tối thiếu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp từ ngày 1/1/2017 và mức lương cơ sở áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang từ ngày 1/7/2017 làm giá bình quân một số loại dịch vụ như sửa chữa đồ dùng gia đình, bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước, dịch vụ thuê người giúp việc gia đình năm 2017 tăng từ 3%-8% so với năm 2016.
- Ngoài ra còn một số yếu tố về thị trường, nhu cầu du lịch tăng, một số địa phương bị ảnh hưởng thiên tai, thời tiết bất lợi cũng làm CPI năm nay tăng so với năm 2016.
Bên cạnh đó, có một số yếu tố góp phần kiềm chế tốc độ tăng CPI năm 2017, trong đó chỉ số giá nhóm thực phẩm bình quân năm giảm 2,6% so với năm 2016 (chủ yếu giảm ở nhóm thịt tươi sống); các cấp, các ngành tích cực triển khai các biện pháp bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên Đán; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý bình ổn giá tại một số địa phương.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước Việt
Lạm phát cơ bản tháng 12/2017 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,29% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2017 tăng 1,41% so với bình quân năm 2016.
Kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế
Tại phiên họp cuối năm đánh giá về công tác điều hành giá năm 2017, đề ra phương hướng, kịch bản và giải pháp kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm 2018 theo Nghị quyết của Quốc hội vào ngày 27/12, tất cả lãnh đạo các bộ, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo đều đánh giá tiếp nối thành công về kiểm soát lạm phát của năm 2016, Chính phủ, các bộ tiếp tục có thêm một năm điều hành giá thành công, bảo đảm 2 mục tiêu: kiểm soát lạm phát theo mục tiêu và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng: “Năm nay là năm thứ 2, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước bảo đảm kiểm soát chuỗi lạm phát mục tiêu và lạm phát thực tế sát với chỉ tiêu của Quốc hội”.
Theo đó, năm 2016, lạm phát là 4,75%, bảo đảm chỉ tiêu dưới 5% và năm 2017 là 3,53% - dưới mức 4%.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đánh giá: “Năm 2017 là năm có bước đột biến trong chỉ đạo điều hành về giá, thể hiện ở các mặt: Kịch bản điều hành giá sát với diễn biến thị trường, xác định được từng mặt hàng thiết yếu và liên hệ tới sự thay đổi giá của các mặt hàng khác, sự phối hợp với các bộ ngành liên quan trong Ban Chỉ đạo rất tốt”.
Ông Đỗ Thắng Hải cũng nêu một loạt ví dụ để chứng minh cho nhận định của mình: “Về giá điện, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu ngay từ đầu năm là khi các chỉ số giá các mặt khác trong tầm kiểm soát mới điều chỉnh giá điện và làm rõ thời điểm nào mới điều chỉnh, đồng thời đánh giá từng chi tiết nhỏ liên quan tới giá điện. Chúng ta đã chuẩn bị “hết nhẽ” cho điều chỉnh vào đầu tháng 12 vừa qua và làm tốt cả công tác truyền thông để an lòng thị trường”.
Về giá xăng dầu, liên Bộ Tài chính, Công Thương tiếp tục phương thức điều hành nhất quán và sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn xăng dầu, phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay và trong giai đoạn trước mắt.
Năm 2017 cũng ghi nhận mặt hàng sữa trẻ em dưới 6 tuổi tương đối ổn định, được người tiêu dùng đồng thuận khi Bộ Công Thương bỏ trần giá, chuyển sang quản lý giá bán cuối cùng ra thị trường.
Còn Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết, thực hiện việc giảm phí BOT theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP, từ giữa năm 2017, nhiều trạm thu phí đã giảm mức thu. Mới đây, 45/51 trạm BOT đạt được thoả thuận quyết toán đã thực hiện giảm phí.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo nhận định công tác quản lý giá năm 2017 tiếp nối thành công 2016 sát với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra; các bộ, ngành chủ động, tích cực trong điều hành, phối hợp điều hành các mặt hàng thiết yếu.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng đánh giá cao vai trò của báo chí, truyền thông đã đưa tin kịp thời, khoa học về công tác điều hành giá, củng cố niềm tin của người dân, doanh nghiệp, công chúng đối với Chính phủ, các bộ, ngành, không tạo ra lạm phát kỳ vọng.
“Giá cả đi vào giai đoạn bình thường, ổn định theo xu hướng giảm hơn so với các năm trước nhiều”, Trưởng Ban Chỉ đạo nói.
Chính phủ đủ khả năng kiểm soát lạm phát năm 2018
Từ kịch bản giá và phân tích, nhận định của các bộ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo tin tưởng: “Chính phủ hoàn hoàn đủ khả năng kiểm soát lạm phát năm 2018 trong mức Quốc hội giao dưới 4%”.
Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính điều hành thu chi ngân sách chặt chẽ theo dự toán, nâng cao hiệu quả chi tiêu công, đầu tư công, đầu tư toàn xã hội.
Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chặt chẽ, linh hoạt theo diễn biến thị trường cả về lãi suất, tỷ giá, tín dụng theo mức lạm phát cơ bản tăng từ 1,6%-1,8%, tổng mức tín dụng tăng từ 17%-18%, bảo đảm cơ cấu tín dụng và chất lượng tín dụng để phòng ngừa những biến động tiền tệ.
Các bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm cung ứng hàng hoá trong thời điểm lễ, Tết, không chủ quan về giá thịt heo với trường hợp thiếu hụt nguồn cung vào quý II/2017.
Bộ Y tế tính toán thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh cho người không có thẻ bảo hiểm y tế tại 18 tỉnh còn lại, bảo đảm giá dịch vụ khám chữa bệnh được tính đủ các chi phí để thực hiện dịch vụ; tăng cường quản lý giá biệt dược, generic, giá thuốc bán lẻ, cùng với bảo hiểm xã hội thực hiện đấu thầu thuốc dùng cho bảo hiểm y tế để giảm giá thuốc từ 10%-15%.
Bộ Giao thông Vận tải đàm phán với các nhà đầu tư, ngân hàng điều chỉnh giá BOT đối với các trạm đã quyết toán, ưu tiên giảm phí hơn giảm thời gian thu phí, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Công Thương tăng cường kết nối logistics để giảm chi phí, gia tăng giá trị cho nền kinh tế.
Đối với giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ Công Thương tiếp tục quản lý theo Nghị định số 149 và Thông tư 08, UBND các tỉnh, các sở ngành tăng cường kiểm soát kê khai giá sữa tại khâu bán lẻ trong dịp lễ, Tết.
Bộ Công Thương cũng cần tiếp tục rà soát lại các điều kiện kinh doanh, bổ sung thực hiện thuế bình quân gia quyền để bổ sung cho Nghị định số 83 của Chính phủ để hoạt động kinh doanh xăng dầu tốt hơn trong năm 2018.
Về giá dịch vụ giáo dục, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo tính toán cơ chế để các trường đại học đăng ký mức độ tăng, thời điểm tăng giá học phí, phối hợp với các ngành khác phân bổ thời điểm tăng giá các loại dịch vụ, tránh tác động bất lợi.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục làm tốt công tác thông tin truyền thông cho báo chí. “Thủ tướng, Chính phủ cảm ơn báo chí vì sự chia sẻ, đưa tin chính xác khoa học, không hề tạo ra sức ép cho thị trường trong năm 2017, mong báo chí tiếp tục đồng hành với Chính phủ trong năm 2018”, Phó Thủ tướng nói./.
Bình luận