Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 5 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 6 nhóm hàng giảm giá.

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 02/2023 tăng 4,31%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 9 nhóm tăng giá và 2 nhóm giảm giá. So với tháng 12/2022, CPI tháng Hai tăng 0,97%, trong đó có 9 nhóm hàng tăng giá và 2 nhóm giảm giá.

Chỉ số giá tiêu dùng 2 tháng đầu năm 2023 tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022.

Lạm phát cơ bản tháng 02/2023 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 4,96% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 2 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản bình quân tăng 5,08% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,6%).

Lý do chủ yếu là do, từ tháng 7/2022 đến tháng 12/2022 giá xăng dầu liên tục giảm (thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản) là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng CPI.

CPI tháng 02/2023 tăng 0,45%
Năm 2023, Quốc hội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4,5%.

Tại Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội đặt chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4,5%. Với năm 2023 - năm bản lề quan trọng để thực hiện mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, thì đây là quyết tâm cao của Quốc hội, tuy nhiên việc thực hiện mục tiêu CPI của năm 2023 sẽ không dễ dàng.

Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, năm 2023, dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, lạm phát cao tiếp tục kéo dài và khả năng suy thoái kinh tế ngày càng rõ nét hơn, nhất là tại các nền kinh tế lớn, làm gia tăng rủi ro bất ổn về chính trị, xã hội tại một số quốc gia.

Cùng với đó, cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước trên thế giới vẫn đang diễn ra căng thẳng; thị trường tài chính, tiền tệ của các nước đang phát triển đối mặt với nhiều rủi ro; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán... tiếp tục là các vấn đề cần quan tâm.

Trong khi đó, kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá.

Cùng với đó là áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua cũng sẽ đặt ra các thách thức cho công tác quản lý, điều hành giá ngay từ đầu năm. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả.

Vì vậy, để đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm 2023 là không đơn giản. Cụ thể, GDP toàn cầu năm 2023 dự báo suy giảm, chỉ tăng 2,5% (thấp hơn cả mức 3,2% của năm 2022). Các nền kinh tế là đối tác chính của Việt Nam (Hoa Kỳ, EU, Nhật...) có nguy cơ rơi và suy thoái. Không những vậy, nước ta sẽ gặp ảnh hưởng bất lợi đến xuất khẩu và vốn FDI. Đây là 2 yếu tố quan trọng đóng góp - vào tăng trưởng GDP của Việt Nam

Ở chiều ngược lại, hiện nay nền tảng kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã tương đối ổn định (nợ công thấp, thâm hụt ngân sách thấp, tỷ giá tương đối ổn định, xuất siêu liên tục nhiều năm...) tạo tiền đề ổn định kinh tế vĩ mô năm 2023. Trong đó, lạm phát thấp dưới 4% trong 7 năm qua (2015 - 2022) sẽ là tiền đề tốt để duy trì CPI dưới 4,5% trong năm 2023./.