Cuối năm 2015 sẽ có 1.500 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới
Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 đã nhấn mạnh, Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số cán bộ và người dân, từ trông chờ, ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước, sang tự chủ thực hiện và đạt được nhiều kết quả quan trọng, được nhân dân đồng tình, ủng hộ và tham gia tích cực...
Đến nay có 1.298 xã đạt 19 tiêu chí (đạt 14,5%), dự kiến cuối năm đạt 1.500 xã (đạt 16%); số tiêu chí đạt chuẩn bình quân cả nước tăng từ 4,7 tiêu chí/xã năm 2010 lên 12,9 tiêu chí/xã năm 2015 (tăng 8,2 tiêu chí); 183 xã có khó khăn đã nỗ lực vươn lên (từ xuất phát điểm dưới 3 tiêu chí, nay đã đạt được 10 tiêu chí trở lên); đã có 11 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và có 8 huyện, thị xã đang đề nghị Ban Chỉ đạo Trung ương thẩm định, công nhận đạt chuẩn NTM năm 2015.
Trong quá trình triển khai thực hiện xây dựng nông thôn mới, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, kinh nghiệm tốt. Cụ thể có tới 22.000 mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiệu quả; thu nhập của người nông dân đạt 24,4 triệu đồng/năm (tăng lên 1,9 lần so với 2010, mục tiêu đề ra là tăng 1,5 lần); tỷ lệ hộ nghèo nông thôn đến hết 2015 là 8,2%, giảm bình quân 2% năm trong thời điểm kinh tế khó khăn.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ rõ, bên cạnh những kết quả rất quan trọng đã đạt được, việc thực hiện Chương trình trong thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, tiến độ triển khai nhìn chung còn chậm so với mục tiêu; nhận thức của một bộ phận cán bộ đảng viên và người dân về những nội dung thiết yếu của Chương trình chưa đầy đủ, việc quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền ở một số nơi chưa thường xuyên, sâu sát; các nội dung về phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường chưa được quan tâm đúng mức...
Vì thế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện đúng Nghị quyết số 100/2015/QH13 của Quốc hội đã đề ra: Đến năm 2020 khoảng 50% số xã trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; không còn xã dưới 5 tiêu chí, phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có ít nhất một huyện đạt chuẩn nông thôn mới.
Ban Chỉ đạo Trung ương và địa phương cần rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả; rà soát, xây dựng lại tiêu chí nông thôn mới ở mức cao hơn cho các xã, huyện ở các địa phương đã được công nhận đạt chuẩn nông mới giai đoạn 2010 - 2015; có các cơ chế, chính sách thích hợp và đủ mạnh để thực sự khuyến khích việc ứng dụng khoa học - công nghệ, huy động nguồn lực, thu hút doanh nghiệp, đào tạo nhân lực đầu tư vào địa bàn nông thôn, phát triển sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ; chú trọng công nghiệp chế biến nông sản và công nghiệp thu dụng nhiều lao động nhằm chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn.
Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý cần đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị về xây dựng nông thôn mới.
“Phải coi đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, bởi xây dựng nông thôn mới (với 19 tiêu chí) chính là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm huy động các nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới, Trung ương sẽ cố gắng huy động nguồn lực để cân đối, bố trí thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững; đồng thời các địa phương cũng phải tính toán cân đối ngân sách địa phương, lồng ghép thực hiện với nguồn vốn của các chương trình khác...; các ngành, các cấp thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp phù hợp với khả năng; huy động các nguồn lực từ xã hội, các doanh nghiệp đóng góp sức lực, của cải của mình vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới./.
Bình luận