Hình: Sự mở rộng của con người trên toàn hành tinh được phân loại thành bốn làn sóng chính (xem chú thích; Hình 1 bổ sung). Các tuyến đường phân tán chính của con người được chỉ ra bằng mũi tên, và hình bóng cho thấy các ví dụ về hóa thạch (trước thời kỳ Holocene - 1500 CE) và sự tuyệt chủng chim được quan sát (1500 CE - Hiện tại). Bốn tuyến đường phân tán chính của con người là: 1) Di cư ra khỏi Châu Phi (Out of Africa), 2) Di cư vào thềm Sahul, hay Lục địa Úc (Migration into Sahul), 3) Sự mở rộng ra Polynesia, một phân vùng với trên 1000 đảo ở Châu Đại Dương (Polynesian expansion), và 4) Sự mở rộng sang Châu Mỹ thông qua Cầu đất liền Bering (Peopling of America across Beringia). Nguồn: https://www.nature.com/articles/s41467-023-43445-2/figures/1
Hình: Sự mở rộng của con người trên toàn hành tinh được phân loại thành bốn làn sóng chính (xem chú thích; Hình 1 bổ sung). Các tuyến đường phân tán chính của con người được chỉ ra bằng mũi tên, và hình bóng cho thấy các ví dụ về hóa thạch (trước thời kỳ Holocene - 1500 CE) và sự tuyệt chủng chim được quan sát (1500 CE - Hiện tại). Bốn tuyến đường phân tán chính của con người là: 1) Di cư ra khỏi Châu Phi (Out of Africa), 2) Di cư vào thềm Sahul, hay Lục địa Úc (Migration into Sahul), 3) Sự mở rộng ra Polynesia, một phân vùng với trên 1000 đảo ở Châu Đại Dương (Polynesian expansion), và 4) Sự mở rộng sang Châu Mỹ thông qua Cầu đất liền Bering (Peopling of America across Beringia). Nguồn: https://www.nature.com/articles/s41467-023-43445-2/figures/1

Sự sống của các loài chim là dấu hiệu sinh thái và khả năng nuôi dưỡng của môi trường với sự sống chung của Trái Đất. Tuyệt chủng là dấu hiệu đáng sợ nhất, nhưng ngày càng thấy dấu hiệu này rõ rệt hơn [2]. Nghiên cứu vừa nêu là một bằng chứng mới không thể bỏ qua. Tác giả V. M. Garrido đã làm rõ hơn các thông tin liên quan tới nghiên cứu này trên El Pais [3].

Kể từ khi bắt đầu mở rộng không gian sinh sống khắp nơi trên thế giới, con người đã gây ra nạn tuyệt chủng của hơn 1.430 loài chim. Như vậy, số loài đã bị tuyệt chủng chiếm tới 12% tổng số loài chim hiện tồn tại. Nghiên cứu tiết lộ quy mô thực sự kinh hoàng của các làn sóng tuyệt chủng do con người gây ra. Nguyên nhân chính không xa lạ: do phá rừng, săn bắn hàng loạt và sự di cư của các loài xâm lấn, và tác động tổng hợp tiêu cực lên đa dạng sinh học.

Vì hầu hết các loài chim tuyệt chủng đã được biết đến xảy ra trên các hòn đảo, các nhà nghiên cứu đã tận dụng hồ sơ hóa thạch để ước tính có bao nhiêu loài đã tuyệt chủng trên Fiji, Hawaii, New Zealand và các hòn đảo ở Tây Thái Bình Dương khác. Khoảng thời gian biến mất của 1.430 loài chim trên khắp thế giới tính từ kỷ Pleistocene muộn (bắt đầu từ cách đây 126.000 năm). Nhưng hầu hết số loài tuyệt chủng này biến mất trong 11.700 năm gần nhất.

Khoảng 55% trong số những loài tuyệt chủng này chưa được phát hiện cho đến nay. Dữ liệu trước đó tập trung vào các tuyệt chủng được ghi chép rõ ràng, có từ hơn 500 năm trước. Nhóm nghiên cứu — gồm các nhà khoa học đến từ Đại học Gothenburg (Thụy Điển), Trung tâm Nghiên cứu về Sinh thái Rừng và Ứng dụng ở Tây Ban Nha và các trường đại học khác ở Đức, Vương quốc Anh và Na Uy — tin rằng trước đây, giới sinh học chưa tính được đầy đủ quy mô của các làn sóng tuyệt chủng, vì các hóa thạch của chim khó bảo quản và kiến thức không đồng đều ở các khu vực khác nhau trên thế giới, một số loài có thể đã tuyệt chủng trước khi được ghi nhận. Do đó, các nhà nghiên cứu đã tích hợp các mô hình thống kê để suy ra con số dựa trên dữ liệu hiện có về hóa thạch.

Nghiên cứu chỉ ra 3 làn sóng tuyệt chủng do con người gây ra lớn nhất trong lịch sử. Làn sóng tuyệt chủng mạnh nhất đã diễn ra vào thế kỷ 14, và liên quan đến sự xuất hiện đầu tiên của con người trên các hòn đảo trải dọc Thái Bình Dương (bao gồm cả quần đảo Hawaii). Theo nghiên cứu mới, tỷ lệ tuyệt chủng trong giai đoạn này cao hơn gấp 80 lần so với lệ tuyệt chủng tự nhiên. Một làn sóng tuyệt chủng khác đã xảy ra vào thế kỷ 9 trước Công nguyên, do sự xuất hiện của con người ở Tây Thái Bình Dương. Các nhà nghiên cứu ước tính rằng Thái Bình Dương chiếm 61% tổng số loài chim tuyệt chủng.

Làn sóng tuyệt chủng gần nhất diễn ra kể từ giữa thế kỷ 18. Kể từ đó, ngoài việc rừng bị chặt phá gia tăng và sự lan rộng của các loài xâm lấn, các loài chim đã phải đối mặt với các mối đe dọa do con người gây ra khác như biến đổi khí hậu, nông nghiệp mật độ cao và ô nhiễm. Làn sóng này dự kiến sẽ là lớn nhất, có thể có đến 700 loài chim biến mất trong vòng một vài thế kỷ.

Sự tuyệt chủng các loài chim đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho hệ sinh thái và tiến hóa, tới mức không thể vãn hồi.

Chim thực hiện các chức năng khác nhau như phân tán hạt cây rừng, thụ phấn hoa, hoặc tái chế chất dinh dưỡng từ xác động vật. Sự biến mất của một loài chim ảnh hưởng đến mỗi hệ sinh thái một cách khác nhau, nhưng kết cục là sự suy giảm sức sống thiên nhiên.

Do mức độ nghiêm trọng của tác động tiêu cực từ hoạt động của con người lên thiên nhiên và sự sống, hơn bao giờ hết giá trị nhân văn bắt buộc phải được gây dựng hướng tới thặng dư sinh thái [4]. Việc bảo tồn để hạn chế bớt hiện tượng suy biến đa dạng sinh học, cụ thể là tình hình nguy cấp của các loài chim trên toàn cầu, ngay cả nghệ thuật và văn chương cũng cần được huy động để tái xây dựng hệ giá trị văn hóa sống. Đó cũng là lý do giờ đây cả truyện ngụ ngôn cũng cần có tiếng nói rõ nét về môi trường sống [5].

*Ghi chú: bài đóng góp từ chương trình nghiên cứu môi sinh AISDL.

Tài liệu tham khảo

[1] Cooke, R. et al. (2023). Undiscovered bird extinctions obscure the true magnitude of human-driven extinction waves. Nature Communications, 14, 8116. https://doi.org/10.1038/s41467-023-43445-2

[2] Vuong, Q. H., & Nguyen, M. H. (2024). Kingfisher: Contemplating the connection between nature and humans through science, art, literature and live experiences. Pacific Conservation Biology. https://doi.org/10.1071/PC23044

[3] Garrido, V. M. (2023). Humans have driven more than 1,400 bird species to extinction, double what was previously thought. https://english.elpais.com/science-tech/2023-12-20/humans-have-driven-more-than-1400-bird-species-to-extinction-double-what-was-previously-thought.html

[4] Nguyen, M. H., & Jones, T. E. (2022). Building eco-surplus culture among urban residents as a novel strategy to improve finance for conservation in protected areas. Humanities and Social Sciences Communications, 9, 426. https://www.nature.com/articles/s41599-022-01441-9

[5] Vuong, Q. H. (2022). The Kingfisher Story Collection. https://www.amazon.com/dp/B0BG2NNHY6