- Thông tin trên được đưa ra tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với Đại sứ Đan Mạch, bà Charlotte Laursen, ngày 27/10/2015
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh tiếp bà Charlotte Laursen, Đại sứ Đan Mạch
Phát biểu tại buổi tiếp, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết Việt Nam và Đan Mạch có mối quan hệ hợp tác tốt đẹp. Mức cam kết viện trợ của Đan Mạch trung bình hàng năm trong thời gian qua đạt khoảng 64 triệu USD/năm. Viện trợ không hoàn lại của Đan Mạch đã góp phần đáng kể vào quá trình giảm nghèo ở nhiều vùng miền, đặc biệt là khu vực nông thôn ở Việt Nam. Nhìn chung 70% dự án viện trợ không hoàn lại đạt mức giải ngân cao. Các dự án viện trợ của Đan Mạch chủ yếu tập trung ở các thành phố, thị trấn lớn và khu vực nông thôn thuộc vùng Đồng bằng Bắc, Bắc Trung bộ, còn ở phía Nam và khu vực miền núi chưa có nhiều. Gần đây, Đan Mạch đã tăng cường hỗ trợ cho các tỉnh vùng cao nguyên và miền núi phía Bắc.
Bộ trưởng cho rằng, Chương trình tín dụng hỗn hợp của Đan Mạch dành cho Việt Nam (nay đổi tên là Chương trình Tài chính doanh nghiệp Danida) đã góp phần đáng kể trong việc cải thiện kết cấu hạ tầng ở nhiều địa phương của Việt Nam. Những lĩnh vực được hỗ trợ tín dụng tương đối đa dạng (phát thanh truyền hình, thủy sản, cấp nước và vệ sinh môi trường...). Đến nay đã có 18 dự án của Đan Mạch đã và đang tiến hành rút vốn với tổng vốn cam kết là 90,97 triệu USD và tổng vốn rút là 80,78 triệu USD. Từ Hiệp định hạn mức tín dụng năm 1999 đến nay, việc trả nợ của Chính phủ Việt Nam cho các bên cho vay của Đan Mạch được thực hiện đầy đủ và đúng hạn.
Bà Charlotte Laursen cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian tiếp đón. Bà cho biết những năm gần đây, viện trợ của Đan Mạch chủ yếu theo phương thức hòa đồng ngân sách hoặc tài trợ trực tiếp/đồng tài trợ cho những dự án, chương trình lớn, như dự án “Hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2011-2015”, dự án “Hỗ trợ khu vực doanh nghiệp, giai đoạn 2011-2014”, Chương trình Quản trị công và Cải cách hành chính, giai đoạn 2012-2015... Ngoài ra còn có một số dự án tăng cường năng lực quy mô nhỏ thuộc lĩnh vực môi trường, cải cách thể chế, công nghệ thông tin. Đến nay đã có 130 doanh nghiệp của Đan Mạch đang hoạt động ở Việt Nam.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cảm ơn bà Charlotte Laursen. Thời gian tới, Bộ trưởng mong muốn có sự phối hợp chặt chẽ giữa Đại sứ quán Đan Mạch và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hơn nữa. Đặc biệt, phía Đan Mạch hỗ trợ Việt Nam vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, giáo dục, thực phẩm, nông nghiệp và y tế. Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng bày tỏ kỳ vọng khi FTA Việt Nam - EU được ký kết, quy mô và hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam - Đan Mạch, bao gồm tất cả các lĩnh vực thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển…, sẽ được mở rộng và đẩy mạnh hơn.
Việt Nam đã ký với Đan Mạch 03 Hiệp định khung về tín dụng hỗn hợp (vào năm 1995, 1999 và 2002), trong đó mỗi Hiệp định đều có giá trị tín dụng là 40 triệu USD. Trên cơ sở 03 Hiệp định khung, Việt Nam đã ký với các tổ chức tín dụng của Đan Mạch 03 Hiệp định hạn mức tín dụng. Để tạo điều kiện cho Việt Nam sử dụng tín dụng của Đan Mạch, tháng 4/2007 Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Hợp tác Phát triển Đan Mạch đã tiếp tục ký Hiệp định khung về tín dụng hỗn hợp với điều kiện ưu đãi hơn (bỏ quy định ràng buộc về điều kiện xuất xứ hàng hóa) và không hạn chế tổng mức tín dụng trong từng giai đoạn trước đây. Ngày 19/09/2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Hợp tác Phát triển Đan Mạch ký Hiệp định khung mới thay thế Hiệp định khung đã ký năm 2007. Việc ký kết Hiệp định khung mới nhằm đổi tên công cụ hỗ trợ (trước đây gọi là “Tín dụng hỗn hợp Đan Mạch”, nay đổi thành “Công cụ tài chính doanh nghiệp Danida”) và gia hạn việc sử dụng vốn vay ưu đãi cho Việt Nam đến 31/12/2018. Với Hiệp định khung này, Đan Mạch sẽ ưu tiên cấp tín dụng cho các dự án thuộc lĩnh vực như: tăng trưởng xanh, giáo dục, thực phẩm, nông nghiệp và y tế, chống biến đổi khí hậu. |
Bình luận