Đang nghiên cứu sửa 2 nghị định liên quan đến điều hành các Chương trình mục tiêu Quốc gia
Tại Phiên họp thứ 23, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội là làm rõ vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí trong thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.
Đề cập về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội Phạm Thúy Chinh cho biết, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới chậm ở nhiều khâu: Phê duyệt các chương trình thành phần; ban hành quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương; tiến độ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2022 của các địa phương; giao dự toán chi tiết nguồn kinh phí sự nghiệp...
Với những bất cập trên, theo bà Chinh, đề nghị Chính phủ cần khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc phân bổ, giao vốn đầu tư; tổ chức thi công, bàn giao đưa vào sử dụng, thanh toán, quyết toán đúng tiến độ các công trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, các dự án quan trọng quốc gia và 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, qua giám sát, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, ngày 19/04/2022 quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các thông tư vướng 339 vấn đề từ các địa phương. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 71/CĐ-TTg, ngày 23/02/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025, giao cho các bộ, ngành trả lời, giải quyết, hướng dẫn; đồng thời cùng lúc sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP và các thông tư, các tiêu chuẩn chế độ, định mức thì đến nay đã được triển khai tới đâu?
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang nghiên cứu sửa 2 nghị định liên quan đến điều hành các Chương trình mục tiêu Quốc gia |
Làm rõ hơn về nội dung trên, Thứ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết, tiếp thu ý kiến của Đoàn giám sát của Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp về các Chương trình mục tiêu Quốc gia. Theo đó, Bộ đang nghiên cứu sửa đổi 2 nghị định liên quan đến điều hành các Chương trình mục tiêu Quốc gia, gồm: (i) Ngày 26/4/2023, Bộ đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP, trong đó có sửa đổi 18 điều và trong chiều ngày 11/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng họp để sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 27/2022/NĐ-CP; (ii) Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét, nhưng Chính phủ yêu cầu Bộ thống nhất một số vấn đề. Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện những yêu cầu của Chính phủ để trong tháng 5/2023, Bộ sẽ trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 57/2018/NĐ-CP…
Cũng giải trình về các Chương trình mục tiêu Quốc gia, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, do nhiều nguyên nhân, việc giải ngân vốn của Chương trình tại các địa phương rất chậm. Do đó, đề xuất phân bổ vốn về cho các địa phương, sau đó sẽ giám sát việc chi tiêu ngân sách.
Để thúc đẩy triển khai các Chương trình mục tiêu Quốc gia, tại Công điện số 71/CĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương; có văn bản trả lời, hướng dẫn, diễn giải cụ thể và đồng gửi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để các địa phương tham khảo, triển khai thực hiện bảo đảm thời hạn được giao; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền. Các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng quy định hiện hành và tiến độ được giao; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra cùng cấp để công tác kiểm tra, giám sát phải thực chất, hiệu quả và đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện.../.
Bình luận