Cần tránh lấy ý kiến hình thức

“Thực tế chỉ những dự án lớn như Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai… mới tổ chức lấy ý kiến nhân dân. Do đó, cần làm rõ việc lấy ý kiến nhân dân khác với việc lấy ý kiến đối tượng tác động theo quy trình trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật như thế nào…?”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt vấn đề tại Phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đang diễn ra, khi cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo quochoi.vn.

Dành 1,5 tháng để lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Việc lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi), theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cần xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng tác động trực tiếp

Về cách thức lấy ý kiến như thế nào để hiệu quả, tránh hình thức, Chủ tịch Quốc hội dẫn chứng nếu như chỉ đăng tải trên cổng thông tin điện tử, thì người dân liệu có thể thấy hết được vấn đề hay cần có báo cáo viên nêu những vấn đề vướng mắc, những tác động có thể có, cần có gợi ý cụ thể cho người dân nắm được? Việc lấy ý kiến nhân dân phải thực chất, thiết thực, hiệu quả…

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng và Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cũng đề nghị bổ sung yêu cầu trong việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân phải phải đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm và tránh hình thức, lãng phí.

“Các cơ quan của Quốc hội không thể thụ động đợi báo cáo từ phía Chính phủ hay cơ quan chủ trì soạn thảo gửi về, mà cần có sự chủ động tham gia cùng với phát huy vai trò giám sát…”, Chủ tịch Quốc hội gợi mở.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, cần phải rõ, cụ thể những nội dung, nhóm vấn đề lấy ý kiến phù hợp với đối tượng, địa bàn; đồng thời, hình thức, cách trình bày, cách thể hiện phải bảo đảm mạch lạc, dễ hiểu, linh hoạt và phù hợp với bối cảnh, đối tượng. Việc tiếp nhận ý kiến góp ý cũng phải có rất nhiều kênh, để bảo đảm trung thực, khách quan và phải có cơ chế phản hồi minh bạch.

Mục đích của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà là nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân và tạo sự đồng thuận trong việc xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi); nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức.

UBTVQH thống nhất lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo Luật

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, các thành viên UBTVQH và các cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết với các nội dung: Bổ sung yêu cầu đổi mới, tiết kiệm, hiệu quả, kịp thời, trung thực, đầy đủ, khách quan và công khai, minh bạch, tránh triển khai mang hình thức trong quá trình lấy ý kiến nhân dân…

Dành 1,5 tháng để lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải UBTVQH thống nhất lấy ý kiến nhân dân về các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân được dư luận xã hội quan tâm

UBTVQH thống nhất lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo luật và các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân được dư luận xã hội quan tâm. Đề nghị Chính phủ rà soát các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân để tập trung vào những nội dung cần thiết, phù hợp, những nội dung còn có nhiều ý kiến tham gia hoặc còn có nhiều ý kiến khác nhau.

“Lưu ý vấn đề phát huy vai trò của các cơ quan của Quốc hội, của các Đoàn đại biểu Quốc hội và trách nhiệm của các cơ quan Quốc hội trong việc tham gia tổng hợp ý kiến của nhân dân; bổ sung vai trò giám sát của các cơ quan của Quốc hội đối với quá trình tổng hợp để đảm bảo khách quan, trung thực, đầy đủ. UBTVQH thống nhất về thời gian lấy ý kiến nhân dân từ ngày 30/1/2023 đến hết ngày 15/3/2023...”, ông Hải nhấn mạnh.

Tại phiên họp, với 100% thành viên UBTVQH tham gia biểu quyết tán thành, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)./.