Đánh giá Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI
Toàn cảnh cuộc họp
Chiều ngày 7/12, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cuộc họp cấp cao Ủy ban hỗn hợp đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản giai đoạn VI đã diễn ra với sự phối hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (thuộc Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản - Keidanren).
Đạt được kết quả tích cực
Sáng kiến này với thời gian thực hiện 16 tháng, từ tháng 8/2016 đến tháng 12/2017. Sau 16 tháng triển khai, về cơ bản, hai bên đã thực hiện tốt Kế hoạch hành động giai đoạn VI. Cho đến nay, 28 cuộc đối thoại chính sách giữa các cơ quan có liên quan của Việt Nam với phía Nhật Bản đã được tổ chức nhằm trao đổi, thảo luận về nội dung Kế hoạch hành động. Các kiến nghị chính sách của Nhật Bản đã được các cán bộ liên ngành tiếp thu và ghi nhân, tiếp tục nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyển xem xét, hoàn thiện luật pháp, chính sách, cũng như việc tổ chức thực thi.
Phát biểu tại buổi đánh giá, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng, cuộc họp lần này là “những trao đổi thẳng thắn giữa hai bên nội dung liên quan đến quá trình triển khai Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản trong giai đoạn VI trong thời gian qua, cũng như những nguyên tắc hợp tác giữa hai nước giai đoạn tới, đặc biệt là định hướng triển khai Sáng kiến Việt Nam – Nhật Bản gia đoạn VII”.
Sau phát biểu của Bộ trưởng, đồng Chủ tịch Ủy ban Kinh tế Việt Nam – Nhật Bản Kuniharu Nakamura chia sẻ: “hiện nay, có khoảng 1.600 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam. Để tăng cường hơn nữa hợp tác kinh tế giữa hai nước, việc hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh là điều không thể thiếu". Ông Kuniharu Nakamura cho rằng, sáng kiến Việt Nam – Nhật Bản góp phần to lớn vào việc giải quyết từng vấn đề và trên cơ sở đó, loại bỏ những chướng ngại trong xúc tiến kinh doanh Việt Nam – Nhật Bản. Đồng thời, qua các giai đoạn của sáng kiến này, các vần đề cũng được hai bên đi sâu hơn để thảo luận.
Vẫn còn hạng mục chậm tiến độ
Trong 32 hạng mục, có 19 hạng mục đã triển khai tốt và đúng tiến độ, 7 hạng mục đang triển khai nhưng chậm tiến độ. 7 hạng mục chậm tiến độ liên quan đến các nhóm vấn đề về lao động; những quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và pháp luật khác liên quan đến đầu tư, kinh doanh; ngành phân phối dược phẩm.
Một trong những nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do phía Nhật Bản cần thêm thời gian để cung cấp tài liệu và thu thập đủ thông tin để gửi tới các cơ quan phía Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số nội dung liên quan đến việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hoặc những vấn đề mang tính chủ trương đòi hỏi thêm thời gian để xử lý hoặc tiếp tục nghiên cứu.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho biết: “phía Nhật Bản yêu cầu điều chỉnh lại những quy định liên quan đến tiền lương tối thiểu trong Bộ luật Lao động”.
Về vấn đề lao động, từ tháng 7/2016, Luật an toàn, vệ sinh lao động có hiệu lực nhưng trong luật vẫn còn những quy định thiếu tính hợp lý và không phù hợp với tình trạng vận hành của doanh nghiệp, vì vậy tạo nên yếu tố bất an đối với doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang đầu tư ở Việt Nam. Bộ luật Lao động đang được xem xét sửa đổi cần đưa ra các giải pháp cụ thể để xử lý các vấn đề còn tồn tại.
Về vấn đề vận tải, phía Việt Nam đã chia sẻ với phía Nhật Bản về tình hình xử lý hồ sơ xin cấp phép đầu tư 100% vốn đầu tư nước ngoài và tình hình hành động.
Về vấn đề phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, hai bên nhất trí cần phải đưa ra các “chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa”: hỗ trợ vốn để mở rộng đầu tư, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nhân lưc, liên kết các doanh nghiệp, triển lãm./.
Bình luận