Đấu giá nhập khẩu mặt hàng đường giúp khắc phục tình trạng phân bổ “xin – cho”
Mập mờ hạn ngạch “xin – cho”
Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam phải cam kết loại bỏ các hàng rào về thuế, hàng rào phi thuế, trừ các biện pháp hạn ngạch thuế quan đối với 4 mặt hàng là: đường, trứng gia cầm, lá thuốc lá, muối. Từ đó đến nay, các mặt hàng này vẫn được duy trì một lượng hạn ngạch nhất định và mỗi năm tăng thêm 5%.
Đã có quy chế đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu mặt hàng đường
Trong những năm qua, việc phân giao hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường luôn tạo nhiều “sóng gió” khi Hiệp hội Mía đường Việt Nam và nhiều doanh nghiệp cho rằng, cơ chế phân giao nặng tính chất “xin - cho”. Cụ thể là: theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cơ chế phân giao này gây ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các doanh nghiệp mía đường trong nước, vì doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu đường sẽ được hưởng lợi lớn từ chênh lệch giá đường giữa trong và ngoài nước.
Hiệp hội Mía đường Việt
Trong năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý đề xuất cho đấu thầu lượng hạn ngạch này và giao Bộ Công Thương chủ trì.
Tuy nhiên, năm 2015 do chưa chuẩn bị đầy đủ thủ tục đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nên Bộ Công Thương vẫn tiếp tục thực hiện phân giao cho các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu. Theo đó, lượng hạn ngạch thuế quan đường nhập khẩu được công bố là 81.000 tấn (bằng mức tối thiểu theo cam kết WTO).
Tháng 09/2015, theo ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, để không ảnh hưởng đến sản xuất mía đường trong nước, Bộ Công Thương đã phân giao 45.000 tấn đường thô cho các nhà máy sử dụng làm nguyên liệu sản xuất, 36.000 tấn đường cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm. Đến hết năm 2015, các doanh nghiệp đã thực hiện nhập khẩu 80.000 tấn đường.
Đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã dự thảo thông tư hướng dẫn về việc đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016, dự thảo quyết định thành lập hội đồng thí điểm đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016. Cơ quan này cũng đã tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành, hiệp hội để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định việc đấu thầu toàn bộ lượng hạn ngạch thuế quan trong năm 2016 là 85.000 tấn.
Bước tiến mới để minh bạch, công khai
Sau một thời gian dài tồn tại bất cập nói trên, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định 3084/QĐ-HĐGHNNKĐ về Quy chế đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016. Theo đó, từ ngày 25/07/2016, cơ chế đấu giá thí điểm hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường đã chính thức thay cho cơ chế phân giao vẫn thực hiện như nhiều năm trước. Có thể coi đây là bước tiến mới để minh bạch, công khai, khắc phục tình trạng “xin - cho” của cách làm cũ.
Theo quy chế này, tài sản bán đấu giá là quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 85.000 tấn đường năm 2016 (HS 1701), gồm: Quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 40.000 tấn đường thô; quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu 45.000 tấn đường tinh luyện.
Việc tổ chức đầu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường năm 2016 bảo đảm nguyên tắc minh bạch, công khai, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các thương nhân tham gia đấu giá. Phiên đấu giá chỉ được tiến hành khi có từ 2 thương nhân trở lên đăng ký tham gia đấu giá.
Đối tượng được tham gia đấu giá là thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất và thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện. Thương nhân sử dụng đường thô để sản xuất đường tinh luyện chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu đường thô, thương nhân trực tiếp sử dụng đường làm nguyên liệu sản xuất chỉ được đăng ký đấu giá quyền sử dụng hạn ngạch nhập khẩu đường tinh luyện.
Thương nhân được quyền tham gia đấu giá thông qua phiếu bỏ giá quy định tại Điều 9 quy chế này. Mỗi thương nhân có thể bỏ giá với mức đăng ký bằng hoặc khác nhau cho 1 đơn giá và số lượng đăng ký tối đa không vượt quá 20.000 tấn. Mỗi đơn giá có số lượng đăng ký là 1.000 tấn đường.
Cũng theo quy chế này, thương nhân đấu giá phải nộp tiền đặt trước khi tham gia đấu giá. Số tiền đặt trước có giá trị tương đương với 10% giá trị của số lượng đường thương nhân đăng ký tham gia đấu giá được tính theo giá khởi điểm. Giá khởi điểm và bước giá do Hội đồng đấu giá quy định và công bố tại thông báo tổ chức đấu giá và niêm yết giá./.
Bình luận