Điểm đầu vào ngành sư phạm rất thấp

Khi câu chuyện hy hữu về thí sinh đạt 30 điểm vẫn trượt đại học ngành công an, quân đội chưa hết đắng, thì một số trường đại học, cao đẳng lại công bố điểm trúng tuyển ngành đào tạo sư phạm chỉ loanh quanh 9-10 điểm/3 môn đã khiến dư luận xã hội bàng hoàng.

Mặc dù trong những năm gần đây, điểm chuẩn vào các trường sư phạm có xu hướng giảm dần. Tuy nhiên, mức điểm trúng tuyển thấp như mùa thi năm nay là “báo động đỏ” đối với ngành đào tạo sư phạm.

Bởi lẽ, mặt bằng điểm Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 năm nay khá cao, điểm chuẩn nhiều ngành tăng kỷ lục, thì ngành sư phạm lại đi ngược xu thế chung đó. Điều này cho thấy, chất lượng đầu vào ngành sư phạm đang thưc sự “lao dốc” và ngành sư phạm đang “rớt giá” thảm hại.

Đơn cử, tại Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm trúng tuyển các ngành: Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ văn là 9 điểm với phương thức sử dụng kết quả thi quốc gia. Như vậy, chỉ với 3 điểm/môn thi thí sinh đã có “một suất” vào học tại trường sư phạm, trở thành những thầy giáo, cô giáo trong tương lai.

Trường Cao đẳng Sư phạm Bắc Ninh đưa ra mức điểm trúng tuyển các ngành: Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ văn là 9 điểm

Cùng chung với tình tráng đó, trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai cũng lấy điểm trúng tuyển là 9,5 điểm; trường Cao đảng Sư phạm Hà Nam, Cao đẳng Sư phạm Hải Dương có điểm chuẩn của tất cả ngành học là 10 điểm.

Đáng chú ý, tình trạng này không chỉ xảy ra ở các trường cao đẳng, vì không hiếm các trường đại học cũng đang lấy điểm trúng tuyển bằng điểm sàn đại học hoặc nhỉnh hơn chút ít. Đặc biệt, đối với 7 trường đại học sư phạm được Bộ Giáo dục và Đào tạo “đặt hàng” xây dựng các chương trình đào tạo giáo viên mới, phục vụ cho công cuộc cải cách giáo dục, như: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; Đại học Sư phạm Thái Nguyên; Đại học Sư phạm Huế; Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh; Đại học Sư phạm Hà Nội 2; Đại học Sư phạm Vinh; Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thì có hai trường là Đại học Sư phạm Hà Nội và Sư phạm TP. Hồ Chí Minh có điểm chuẩn 2017 tạm ổn.

Cụ thể, đối với Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm nay ngành Sư phạm Toán dạy bằng tiếng Anh có điểm chuẩn cao nhất là 27,75 điểm. Mức điểm chuẩn thấp nhất của trường năm 2017 là 17 điểm đối với ngành Giáo dục Công dân và Giáo dục Quốc phòng - An ninh. Tương tự, tại trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh năm nay điểm chuẩn cao nhất là ngành sư phạm Toán với 26,25 điểm, ngành thấp nhất là sư phạm tiếng Nga với 17,75 điểm.

Như vậy, nếu so với mặt bằng điểm chuẩn trong nhóm ngành sư phạm, điểm chuẩn của 2 cơ sở đào tạo uy tín nhất cả nước là tương đối ổn. Tuy nhiên, nếu so với điểm chuẩn của một số ngành khác, như: công an, quân đội, y dược, kinh tế thì khối sư phạm vẫn có chuẩn đầu vào thấp hơn rất nhiều.

Theo TS. Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Đại học Sư phạm Hà Nội: với kinh nghiệm nhiều năm đứng lớp cho thấy, sự khác biệt rõ giữa những sinh viên có điểm đầu vào cao và điểm đầu vào thấp. Những em được điểm thấp thường bị thiếu hụt lượng kiến thức phổ thông. Vì lượng kiến thức cần bổ sung quá nhiều, sinh viên có điểm đầu vào thấp sẽ rất vất vả để theo kịp các bạn khác.

Còn lại, các trường sư phạm tại các địa phương đa phần đều lấy điểm chuẩn bằng hoặc nhích hơn một chút so với điểm sàn của Bộ Giáo dục và Đào tạo là 15,5 điểm. Cụ thể như Trường Đại học Hà Tĩnh lấy điểm chuẩn là 15,5 cho tất cả ngành học (trừ sư phạm mầm non).

Lối ra cho ngành đào tạo sư phạm?

Trước thực trạng này, chiều 16/08, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chủ trì cuộc làm việc với hiệu trưởng các cơ sở đào tạo sư phạm trong cả nước. Tại đây, nhiều giải pháp quyết liệt đã được đưa ra nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm trong thời gian tới.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, từ năm 2018 sẽ có ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên. Bộ trưởng cho rằng, cần phải có các giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm, trong đó có chất lượng đầu vào.

Do vậy, thời gian tới đào tạo phải gắn với nhu cầu sử dụng, ngành nào dư thừa dứt khoát phải dừng đào tạo, không để xảy ra tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ như thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, những ngành đang đào tạo nhưng không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng, không đảm bảo chuẩn đầu ra theo quy định cũng sẽ kiên quyết cho dừng.

PGS.TS Nguyễn Quang Huy, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2 ủng hộ việc Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định điểm sàn riêng đối với các trường sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.

Song, ông Huy lưu ý, khi quy định cần tính đến quy mô và đặc thù của từng bậc học, ngành học. Chẳng hạn như ngành giáo dục mầm non đòi hỏi giáo viên phải có những phẩm chất đặc biệt như yêu trẻ, có năng khiếu về âm nhạc, hội họa, múa hát, kể chuyện…Do đó, đối với thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường sư phạm nên sử dụng kết quả thi THPT quốc gia; đồng thời cũng tính đến việc sử dụng học bạ bậc trung học phổ thông.

Còn theo GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm nay, những trường đại học sư phạm truyền thống, có uy tín, chất lượng đào tạo vẫn lấy điểm chuẩn từ 18 điểm trở lên. Những trường sư phạm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng vẫn có điểm chuẩn ở tốp cao.

Tuy nhiên, phần còn lại là tại các trường đại học sư phạm ở địa phương và các trường cao đẳng sư phạm. Một số trường đại học sư phạm lấy điểm chuẩn chỉ bằng với mức điểm sàn là 15,5 điểm. Đặc biệt, có trường cao đẳng sư phạm lấy điểm chuẩn dưới mức điểm sàn, có trường lấy tổng số điểm 3 môn chỉ có 9 điểm.

Lý giải về điều này, ông Minh cho rằng, trong thực tế chỉ tiêu của các trường sư phạm đi kèm theo tài chính. Do đó, nhiều trường xem việc tuyển đủ chỉ tiêu là một việc quan trọng để đảm bảo hoạt động của trường. Tuy nhiên, nếu để đảm bảo kinh phí hoạt động, các trường sư phạm có thể sắp xếp công việc phù hợp, như: thay vì đào tạo các ngành mới thì nên tập trung nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên hiện tại để thực hiện đổi mới. Lúc đó, vấn đề chỉ tiêu sẽ không còn quá quan trọng với các trường.

Tìm lời giải bài toán tìm đầu ra cho ngành sư phạm là việc cần phải giải quyết cấp bách

GS.TS Nguyễn Văn Minh cũng chỉ ra, để đảm bảo chất lượng đào tạo sư phạm, cần sớm có các giải pháp đồng bộ từ cấp vĩ mô cho tới các bộ ngành, địa phương; đừng để tình trạng các thầy cô giáo làm việc không mong muốn mà buộc phải hoạt động, buộc phải tồn tại. Đây là bài toán cần phải giải quyết cấp bách.

Tại cuộc làm việc, đa phần các trường cho rằng, việc thí sinh “không mặn mà” với ngành sư phạm có thể do quy mô giáo dục đào tạo đã đi vào ổn định, số lượng trường sư phạm hiện nay đã vượt quá yêu cầu thực tế. Do đó, các thí sinh lo ngại sau khi ra trường không có việc làm vì thông tin dư thừa giáo viên cục bộ ở một số địa phương.

Chưa kể, chính sách đối với giáo viên hiện nay chưa tốt, như: việc vào “biên chế” khó khăn, thu nhập thấp, áp lực lớn, nhiều nơi lớp học quá đông nên giáo viên rất vất vả mà không được đãi ngộ xứng đáng. Chính vì thế, ngành sư phạm khó cạnh tranh với các ngành khác, khó tạo ra động lực cho những người đang có ý định theo đuổi nghề giáo.

Đặc biệt, PGS.TS Nguyễn Thị Tính, Phó Hiệu trưởng Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) chỉ ra: sở dĩ các trường công an, quân đội đều được đảm bảo đầu ra. Nếu các sinh viên sư phạm ra trường xin được việc làm ngay, thì sư phạm vẫn là một ngành “hot”. Muốn làm được, các trường sư phạm, Bộ Giáo dục và Đào tạo cố gắng thôi chưa đủ, mà cần những chính sách hỗ trợ của Chính phủ trong việc giải quyết đầu ra cho các sinh viên sư phạm.

Cũng tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ yêu cầu, Cục Quản lý chất lượng đẩy mạnh kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng của các ngành đào tạo sư phạm đã mở, nếu không đủ điều kiện thì không được tuyển sinh; những ngành đủ điểu kiện, các địa phương còn nhu cầu tuyển dụng, cần ưu tiên đầu tư để nâng cao chất lượng.

Đẩy mạnh kiểm định chất lượng các trường và chương trình đào tạo; đẩy nhanh việc quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm. Theo đó, các trường có chất lượng cao, có uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, các trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của các trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội có những chính sách đãi ngộ tốt hơn, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và tạo sức hấp dẫn người học đối với ngành sư phạm./.