Nguyễn Quỳnh Lâm, Email: nqlam.21900004@bdu.edu.vn, Trường Đại học Bình Dương

Hà Nam Khánh Giao, Học viện Hàng không Việt Nam

Đỗ Đoan Trang, Trường Đại học Bình Dương

Đặng Văn Út, Trường Đại học Tài chính - Marketing

Tóm tắt

Dịch vụ lưu trú là một nội dung quan trọng trong chuỗi cung ứng du lịch tại một điểm đến, do đó, bản thân lĩnh vực lưu trú cũng hình thành chuỗi cung ứng riêng. Nghiên cứu về chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú của thị trường du lịch Việt Nam cho thấy, nguồn cung dịch vụ lưu trú vẫn chưa đủ để phục vụ cho lượng khách du lịch ngày càng tăng trong mùa cao điểm, nên mô hình dịch vụ lưu trú mới đã được hình thành và tác động của kỷ nguyên số đang thay đổi phương thức quản lý, cũng như gia tăng áp lực cạnh tranh trong chuỗi với nhau. Đặt trong bối cảnh này, nghiên cứu phân tích làm rõ thách thức và cơ hội đối với quản lý chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú tại điểm đến của thị trường du lịch Việt Nam và đề xuất các hàm ý quản trị cho các bên liên quan.

Từ khóa: chuỗi cung ứng, dịch vụ lưu trú, thị trường du lịch, chuỗi cung ứng du lịch, Việt Nam

Summary

Accommodation services are a crucial part of the tourism supply chain at a destination; therefore, the accommodation sector also forms its supply chain. Research on the accommodation service supply chain of the Vietnamese tourism market shows that the supply of accommodation services is still not enough to serve the increasing number of tourists during the peak season, so a new accommodation service model has formed, and the impact of the digital age is changing the management method, as well as increasing the competitive pressure within the chain. In this context, the study analyzes and clarifies the challenges and opportunities for managing the accommodation service supply chain at the destination of the Vietnamese tourism market and proposes management implications for stakeholders.

Keywords: supply chain, accommodation services, tourism market, Tourism supply chain management, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác cho nên sản phẩm cũng mang tính tổng hợp liên quan đến sản xuất của nhiều ngành khác nhau. Do những đặc trưng của du lịch gồm: (i) Sản phẩm của du lịch chủ yếu là dịch vụ, nên không tồn tại dưới dạng vật thể; (ii) Sản phẩm du lịch thường xa người tiêu dùng (du khách), nên muốn tiêu dùng sản phẩm du khách phải di chuyển đến nơi có sản phẩm du lịch, chứ không thể vận chuyển sản phẩm dịch vụ đến cho du khách; (iii) Việc sản xuất và tiêu dùng sản phẩm du lịch trùng nhau về mặt thời gian nên sản phẩm du lịch không thể để tồn kho như các hàng hóa thông thường; (iv) Sản phẩm du lịch được hình thành bởi nhiều lĩnh vực kết hợp lại mà thành, nên chuỗi giá trị du lịch là sự liên kết qua nhiều hoạt động để tạo nên sản phẩm du lịch và cũng nhờ đó hình thành nên giá trị (chuỗi giá trị của một công đoạn là một bộ phận hợp thành). Vì vậy, việc nghiên cứu quản lý chuỗi cung ứng là điều kiện cần thiết để tổ chức vận hành của ngành du lịch được hiệu quả và phát triển bền vững. Tuy nhiên, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp nên có sự đa dạng về đối tượng, do đó việc nghiên cứu chuỗi cung ứng du lịch cần thông qua các ngành đặc trưng có liên quan. Trong nghiên cứu này, lựa chọn cách phân tách ngành đặc trưng trong chuỗi cung ứng du lịch của Ngân hàng Phát triển châu Á gồm: (1) Ngành khách sạn - nhà hàng; (2) Ngành vận tải đường hàng không; (3) Ngành dịch vụ hỗ trợ, phụ trợ vận tải và hoạt động của đại lý lữ hành; (4) Ngành dịch vụ công cộng, xã hội và cá nhân. Theo đó, nghiên cứu xác định lĩnh vực dịch vụ lưu trú là bộ phận quan trọng của ngành du lịch và có khả năng mang lại các lợi nhuận to lớn (như: việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, các khoản thu ngoại tệ cho Chính phủ…), nên khi các đơn vị cung ứng dịch vụ lưu trú không hành động một cách bền vững, thì sẽ xảy ra hàng loạt các tác động tiêu cực. Vì vậy, nghiên cứu về quản lý chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú cho thấy những cơ hội và thách thức tại thị trường du lịch Việt Nam để đề xuất giải pháp quản trị hiện đại và hiệu quả là có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, đồng thời có tính ứng dụng cao.

CHUỖI CUNG ỨNG DỊCH VỤ LƯU TRÚ VÀ VAI TRÒ CỦA NÓ ĐỐI VỚI NGÀNH DU LỊCH

Vị trí và vai trò của dịch vụ lưu trú đối với ngành du lịch

Lĩnh vực dịch vụ lưu trú bao gồm tất cả các hình thức về lưu trú, từ các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đến ký túc xá, nhà khách và thậm chí cả các cơ sở lưu trú tại nhà dân (homestay). Các cơ sở lưu trú có đặc trưng chung là chỗ ở trả tiền, thường được kết hợp với phục vụ ăn uống ở các mức độ khác nhau. Là một lĩnh vực quan trọng của ngành du lịch, cơ sở lưu trú giúp du khách có thể rời nơi ở thông thường của họ để đi thăm các địa điểm du lịch mới trong nhiều ngày và đêm, thay vì thực hiện các chuyến đi trong ngày đơn giản. Những lợi ích từ dịch vụ lưu trú qua đêm đối với các điểm đến là thời gian du khách ở lại điểm đến lâu hơn, do đó chi nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ. Điều này tạo thêm nhiều việc làm và gia tăng thu nhập, không chỉ cho các cơ sở lưu trú, mà cho cả các doanh nghiệp khác trong chuỗi cung ứng kết nối kinh doanh, như: các nhà cung cấp vận chuyển, nhà hàng, các điểm danh lam thắng cảnh và các cơ sở bán lẻ. Giá trị của lĩnh vực lưu trú gắn chặt với sức mạnh tổng thể của ngành du lịch tại điểm đến.

Xét về vị trí trong chuỗi cung ứng du lịch, thì cơ sở lưu trú đóng vai trò trung tâm, là điểm đến chính và nơi lưu trú của khách du lịch. Cơ sở lưu trú vừa là thành viên trong chuỗi cung ứng, nhưng bản thân nó cũng có chuỗi cung ứng riêng. Cơ sở lưu trú không chỉ cung cấp dịch vụ lưu trú, mà còn đóng vai trò kết nối, bổ sung và hỗ trợ cho các dịch vụ khác trong ngành du lịch. Trong du lịch, hoạt động cung ứng chủ yếu trong cơ sở lưu trú là những hoạt động cung cấp dịch vụ về lưu trú, ăn uống và những tiện ích đi kèm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng một cách hiệu quả nhất.

Chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú

Chuỗi cung ứng được hiểu là sự kết nối của tất cả các hoạt động, bắt đầu từ khâu sản xuất nguyên vật liệu thành sản phẩm hoàn chỉnh và kết thúc khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Theo đó, chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú (Hình) gồm nhà cung ứng đầu vào (nội, ngoại thất; Thức ăn, đồ uống; Sản phẩm tiêu phí trong khách sạn; Điện nước và năng lượng…) và quá trình cung ứng sản phẩm đến du khách (cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, hàng hóa, dịch vụ bổ sung khác…).

Hình: Mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú (khách sạn)

Quản lý chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú tại thị trường du lịch Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Nguồn: Xu và Gursoy (2015)

Từ mô hình chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú (khách sạn) cho thấy, có những đặc điểm của cả chuỗi cung ứng sản xuất và chuỗi cung ứng dịch vụ, nên việc quản lý chuỗi cung ứng khách sạn có 6 đặc điểm gồm: (1) Sản phẩm dịch vụ không thể lưu trữ và tồn kho; (2) Hình thức và sự tương tác của sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của khách hàng; (3) Sản phẩm dịch vụ có tính phức tạp nên chịu ảnh hưởng từ nhiều nhà cung cấp khác nhau; (4) Tính không chắc chắn của nhu cầu khách hàng (do tính cạnh tranh cao và tác động của yếu tố bên ngoài (thời tiết, mùa du lịch, điều kiện kinh tế, thiên tai…); (5) Sự kết hợp chặt chẽ không thể tách rời giữa sản xuất dịch vụ và khách hàng cuối cùng; (6) mô hình kinh doanh dựa trên việc bán các gói dịch vụ du lịch (khách hàng mua trọn gói hay mua riêng lẻ). Do đó, việc quản lý hệ thống chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú trong ngành du lịch sẽ cần xử lý rất nhiều các mối liên kết trực tiếp/trung gian tạo ra các sản phẩm/dịch vụ hoàn thiện đưa đến khách hàng.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TRONG QUẢN LÝ CHUỖI CUNG ỨNG LƯU TRÚ Ở THỊ TRƯỜNG DU LỊCH VIỆT NAM

Trong chuỗi cung ứng du lịch, vai trò của các doanh nghiệp kinh doanh cơ sở lưu trú ngày càng tăng trong mối liên kết kinh doanh du lịch. Hầu hết các cơ sở lưu trú đều đã thiết lập hệ thống tiếp thị trực tiếp tới khách du lịch, giảm sự phụ thuộc vào các doanh nghiệp lữ hành thông qua các kênh quảng bá, đặt chỗ trên mạng internet. Các cơ sở lưu trú đã chủ động tập trung vào việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách du lịch, chú trọng tới các đối tượng khách thường xuyên. Tuy nhiên, trong bối hội nhập ngày một sâu và rộng, khiến thị trường du lịch Việt Nam chịu áp lực cạnh tranh quốc tế lớn, cộng thêm hạ tầng du lịch của Việt Nam mới đang trong giai đoạn hoàn thiện, thì việc quản lý chuỗi cung ứng lưu trú ở thị trường du lịch Việt Nam phải đối diện với những cơ hội và thách thức để phát triển bền vững, có thể kể đến như:

Cơ hội trong quản lý chuỗi cung ứng lưu trú ở thị trường du lịch Việt Nam

Thứ nhất, sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường du lịch Việt Nam tạo ra cơ hội đầu tư phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú. Ngành du lịch Việt Nam được đánh giá là phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19, với nhiều điểm du lịch nổi tiếng và cảnh quan thiên nhiên đẹp mắt, thu hút một lượng lớn du khách quốc tế. Theo thống kê của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, năm 2023 tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 12,6 triệu lượt, khách du lịch nội địa đạt 108,2 triệu lượt, tổng thu từ khách du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2023 đạt 673,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,8% tổng mức và tăng 14,7% so với năm 2022. Năm 2024 trong 10 tháng đầu năm, tổng thu từ khách du lịch ước khoảng 690 nghìn tỷ đồng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước khoảng hơn 14,1 triệu lượt, tăng 41,3% so cùng kỳ năm trước (dự kiến đến hết năm 2024, ngành du lịch Việt Nam có thể đón được 17÷18 triệu lượt khách), lượng khách du lịch nội địa ước khoảng 100,5 triệu lượt. Sự gia tăng lượng du khách không chỉ tạo ra nhu cầu lớn về dịch vụ lưu trú mà còn mở rộng thị trường cho các nhà cung cấp nguyên vật liệu và dịch vụ liên quan trong chuỗi cung ứng du lịch có cơ hội phát triển. Các loại hình dịch vụ lưu trú có cơ hội để mở rộng quy mô, nâng cấp hạ tầng, cải thiện chất lượng dịch vụ, phát triển thương hiệu và tăng doanh thu.

Thứ hai, ngành du lịch Việt Nam tăng cường ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0 đã tạo ra cơ hội để chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú tiếp cận trực tiếp khách hàng và tối ưu hóa hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú. Nếu như các cơ sở lưu trú trước đây từng phụ thuộc vào truyền miệng và các đơn vị lữ hành, thì nhờ có ứng dụng công nghệ số các cơ sở lưu trú đã xây dựng các trang web, tạo kênh mạng xã hội để quảng bá về địa điểm lưu trú và sử dụng những ứng dụng, như: Airbnb và Agoda để tiếp cận khách hàng toàn cầu. Theo đó, công nghệ hiện đại cho phép các cơ sở lưu trú áp dụng các hệ thống quản lý tự động, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để dự báo nhu cầu và tối ưu hóa quy trình vận hành. Chẳng hạn, các hệ thống quản lý khách sạn (PMS) tích hợp có thể giúp theo dõi và quản lý các hoạt động từ đặt phòng, thanh toán đến quản lý nhân sự và dịch vụ khách hàng. Cùng với đó, các cơ sở lưu trú còn có thể liên kết với các đại lý du lịch trực tuyến (OTA), công ty lữ hành, nền tảng đặt phòng và trang web của chính cơ sở lưu trú để tiếp cận khách hàng mục tiêu. Điều này không chỉ giúp tăng cường hiệu quả hoạt động, mà còn cải thiện trải nghiệm khách hàng, từ đó tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn cho các cơ sở lưu trú. Đồng thời, cơ sở lưu trú còn có thể tận dụng các nền tảng công nghệ để tăng cường kết nối và chia sẻ thông tin với các đối tác; từ đó, cải thiện khả năng dự báo và phản ứng nhanh chóng với các biến động của thị trường.

Thứ ba, xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững đang ngày càng trở nên phổ biến đã tạo ra nhiều cơ hội cho các cơ sở lưu trú đầu tư vào các phương thức tổ chức các sản phẩm thân thiện với môi trường. Theo đó, các cơ sở lưu trú có thể tận dụng cơ hội này để áp dụng các biện pháp xanh, như: sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý rác thải hiệu quả, tiết kiệm nước và giảm thiểu sử dụng nhựa; nhờ đó, các cơ sở lưu trú không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, mà còn tạo dựng hình ảnh thương hiệu thân thiện và bền vững trong mắt khách hàng. Ngoài ra, việc xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững với các nhà cung cấp và đối tác vận chuyển giúp các cơ sở lưu trú đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng cao; đồng thời, còn giúp tối ưu hóa quy trình vận hành, giảm thiểu rủi ro và lãng phí, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh.

Thứ tư, áp lực từ cạnh tranh và yêu cầu của yếu tố thời đại đòi hỏi các cơ sở lưu trú phải nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ, nên đã tạo ra cơ hội đào tạo phát triển đội ngũ nhân viên có kỹ năng chuyên môn cao và thái độ phục vụ chuyên nghiệp. Theo đó, các cơ sở có thể đầu tư vào các chương trình đào tạo và phát triển nhân sự, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo dựng lòng tin với khách hàng. Tuy nhiên, chính việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao còn giúp các cơ sở lưu trú đối phó tốt hơn với các thách thức về biến động lao động và nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Thứ năm, cơ hội đến từ việc mở rộng thị trường và đa dạng hóa dịch vụ. Các cơ sở lưu trú có thể tận dụng sự phát triển của du lịch để mở rộng quy mô hoạt động, từ việc xây dựng thêm các chi nhánh mới đến việc cung cấp các dịch vụ đa dạng, như: tổ chức sự kiện, hội nghị và các hoạt động giải trí, bán các đặc sản có ở điểm đến… Việc đa dạng hóa dịch vụ không chỉ giúp các cơ sở lưu trú tối đa hóa doanh thu, mà còn tăng cường khả năng đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Thứ sáu, các chính sách và quy định của chính phủ cũng tạo ra nhiều cơ hội cho lĩnh vực kinh doanh lưu trú phát triển. Chính phủ Việt Nam đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển du lịch và cải thiện môi trường kinh doanh, từ việc đầu tư vào ở hạ tầng du lịch đến việc đơn giản hóa thủ tục hành chính; do đó, các cơ sở lưu trú có thể tận dụng các chính sách này để mở rộng hoạt động, nâng cấp cơ sở lưu trú và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Những thách thức đặt ra đối với quản lý chuỗi cung ứng lưu trú ở thị trường du lịch Việt Nam

Một là, sự hạn chế và thiếu đồng bộ của hệ thống hạ tầng đã tác động trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của chuỗi cung ứng lưu trú. Các điều kiện thuộc về hạ tầng kỹ thuật tại điểm đến, gồm: giao thông, điện, nước và hạ tầng công nghệ, có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất vận hành chuỗi cung ứng lưu trú.

Hai là, thách thức đến từ biến động về nguồn cung ứng nguyên vật liệu và lao động. Yếu tố mùa du lịch cao điểm đã kéo theo biến động giá cả và thiếu hụt lao động có thể gây ra nhiều khó khăn cho việc quản lý chuỗi cung ứng lưu trú. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí vận hành, mà còn ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ của cả chuỗi cung ứng du lịch.

Ba là, thách thức từ sự thiếu đồng bộ và kết nối giữa các bên trong chuỗi cung ứng du lịch. Một chuỗi cung ứng hiệu quả đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà cung cấp, nhà vận chuyển và cơ sở lưu trú, nhưng trong thực tế, sự thiếu kết nối và thông tin không đầy đủ giữa các bên đã dẫn đến chất lượng dịnh vụ không đảm bảo, chậm trễ và lãng phí nguồn lực.

Bốn là, thách thức đến từ chất lượng nguồn nhân lực không đồng đều và thiếu kỹ năng nghiệp vụ. Sự đa dạng của các loại hình cơ sở lưu trú bên cạnh tính đa dạng, thì một hạn chế có thể thấy được là chất lượng dịch vụ của một số cơ sở lưu trú có tính tự phát và hoạt động theo mùa vụ còn nhiều hạn chế. Trong đó, nhân lực tham gia vào chuỗi cung ứng lưu trú chưa qua đào tạo nghiệp vụ chiếm phần lớn, điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dịch vụ. Bên cạnh đó, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản trị cơ sở lưu trú cũng đặt ra đòi hỏi trình độ và nhận thức của nhân lực cung ứng dịch vụ lưu trú phải đáp ứng, nhất là năng lực số và ngôn ngữ nước ngoài.

Năm là, thách thức đến từ yếu tố của thời đại trong bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Lĩnh vực cung ứng lưu trú là một trong những lĩnh vực gây ra nhiều tác động tiêu cực đến môi trường so với các lĩnh vực khác trong chuỗi cung ứng du lịch, từ việc sử dụng năng lượng và nước, đến việc thải ra lượng lớn rác thải lớn. Trong bối cảnh nhận thức về bảo vệ môi trường ngày càng cao, các cơ sở lưu trú phải đối mặt với áp lực từ cả khách hàng và chính phủ về việc tuân thủ các quy định môi trường nghiêm ngặt. Điều này đòi hỏi các cơ sở lưu trú phải đầu tư vào các giải pháp xanh, như: sử dụng năng lượng tái tạo, giảm thiểu rác thải và áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước. Tuy nhiên, việc đầu tư vào các giải pháp này thường đòi hỏi chi phí lớn và có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận trong ngắn hạn.

Sáu là, thách thức từ vấn đề an ninh và an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh các vấn đề về an toàn thực phẩm ngày càng trở nên phức tạp, các cơ sở lưu trú có phục vụ dịch vụ ăn uống đi kèm phải đối mặt với nhiều rủi ro về pháp lý và tài chính, nếu không tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc và an toàn thực phẩm.

Bảy là, yếu tố văn hóa và pháp lý cũng đặt ra nhiều thách thức cho việc quản lý chuỗi cung ứng lưu trú. Việt Nam là một quốc gia có đa dạng về văn hóa và pháp lý, điều này đòi hỏi các cơ sở lưu trú phải hiểu rõ và tuân thủ các quy định, cũng như phong tục tập quán du lịch địa phương. Việc không tuân thủ đúng các quy định pháp lý có thể dẫn đến các rủi ro về pháp lý và tài chính. Đồng thời, việc không tôn trọng các phong tục tập quán địa phương có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách hàng và uy tín của cơ sở lưu trú.

MỘT SỐ HÀM Ý QUẢN TRỊ CHO CÁC BÊN LIÊN QUAN

Lĩnh vực dịch vụ lưu trú là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng du lịch, với vai trò đảm bảo dịch vụ, kết nối các nhà cung cấp, tối ưu hóa logistics và nâng cao trải nghiệm tổng thể cho khách hàng. Như đã phân tích ở trên, quản lý chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội lớn. Do đó, trong giai đoạn phát triển tới, để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, các bên liên quan tham gia vào hoạt động quản lý chuỗi cung ứng dịch vụ lưu trú cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Đối với cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất, thiết lập một chính sách thị thực cởi mở và linh hoạt nhằm kích cầu du lịch thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Trong đó, chính sách thị thực không chỉ quan tâm đến việc mở rộng hơn nữa diện miễn thị thực đến các thị trường du lịch chính, mà còn cần kéo dài thời gian lưu trú của khách được miễn thị thực, ví dụ từ 15 ngày hiện nay lên 45 ngày để thoả mãn được nhu cầu đi du lịch dài ngày của phần lớn du khách; đồng thời, việc cấp thị thực cho các du khách và việc gia hạn thị thực cũng nên được chuyển đổi và hướng đến số hoá phần lớn các dịch vụ này; mở rộng và tạo điều kiện thuận lợi đi lại, tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ lưu trú ở các điểm đến đối với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Thứ hai, cơ quan quản lý nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ trong việc quảng bá du lịch, như: (i) Thiết lập cổng dịch vụ số quốc gia cho du khách, tích hợp thị thực, hướng dẫn và quảng bá theo hướng một dự án hợp tác công tư, kết hợp giữa các cơ quan nhà nước liên quan, các hiệp hội và doanh nghiệp du lịch, các địa phương; (ii) Đa dạng hơn nữa kênh quảng bá số quốc gia để hướng đến các địa bàn tiềm năng, nơi các du khách đang cư trú; (iii) Đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý ngành du lịch, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam;

Thứ ba, tăng cường đầu tư nhà nước vào các điều kiện hạ tầng (giao thông, điện, nước, viễn thông) phục vụ phát triển du lịch. Đồng thời, ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển các sản phẩm du lịch có khả năng giữ chân du khách ở lại điểm đến dài ngày.

Thứ tư, xây dựng và ban hành khung đánh giá chuẩn hóa chất lượng hoạt động của các cơ sở lưu trú để xếp hạng mức độ cạnh tranh của cơ sở lưu trú, cũng như kiểm soát chất lượng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, khung đánh giá này cần có thang đo toàn diện với các chỉ số hiệu suất chính (KPIs), như: mức độ hài lòng của khách hàng, tỷ lệ lấp đầy phòng, chất lượng dịch vụ, thực hành bền vững và mức độ tích hợp số hóa... Việc triển khai thang đo này sẽ nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng trong ngành du lịch Việt Nam, giúp tăng cường sự hợp tác giữa các cơ sở lưu trú, nhà cung ứng và các bên liên quan khác nhằm đảm bảo hoạt động thông suốt và tạo ra giá trị trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Đối với chủ sở hữu cơ sở lưu trú

- Đầu tư vào công nghệ: Các cơ sở lưu trú cần đầu tư vào các hệ thống quản lý chuỗi cung ứng hiện đại, sử dụng AI và Big Data để tối ưu hóa quy trình và nâng cao trải nghiệm khách hàng. Đặc biệt, việc áp dụng công nghệ quản lý tự động và hệ thống theo dõi thông minh sẽ giúp cải thiện tính linh hoạt và đáp ứng nhanh chóng với các biến động của thị trường.

- Xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng du lịch: Hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp và đối tác vận chuyển là điều cần thiết để đảm bảo nguồn cung ổn định và chất lượng cao. Việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro, mà còn tăng cường khả năng đàm phán và tối ưu hóa chi phí.

- Phát triển nguồn nhân lực: Đào tạo và phát triển nhân viên là yếu tố then chốt để nâng cao chất lượng dịch vụ. Các cơ sở lưu trú cần đầu tư vào các chương trình đào tạo chuyên môn và kỹ năng mềm, đồng thời tạo điều kiện làm việc tốt để thu hút và giữ chân nhân tài.

- Áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường: Các cơ sở lưu trú cần áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo đến quản lý rác thải hiệu quả. Đồng thời, cần xây dựng các chiến lược truyền thông để giới thiệu và quảng bá các nỗ lực bảo vệ môi trường của mình đến khách hàng.

- Đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại: Các cơ sở lưu trú chú trọng vận hành quản lý chất lượng hoạt động theo tiêu chuẩn ISO, đảm bảo đáp ứng một cách toàn diện về các chỉ số KPIs, để trên cơ sở đó nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, thông qua việc quản lý chất lượng theo chuẩn, các cơ sở lưu trú cũng cần tương tác cung cấp cơ sở dữ liệu đáng tin cậy cho các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng các chính sách thúc đẩy đổi mới và thực hành bền vững trong lĩnh vực dịch vụ lưu trú.

- Nâng cao khả năng thích ứng và linh hoạt: Trong bối cảnh biến động về nguồn cung và nhu cầu, các cơ sở lưu trú cần nâng cao khả năng thích ứng và linh hoạt trong quản lý chuỗi cung ứng du lịch. Việc xây dựng các kịch bản dự phòng và kế hoạch ứng phó sẽ giúp giảm thiểu tác động của các biến động không lường trước./.

Tài liệu tham khảo

1. Ahn, S.H., Lee, Y.H., and Hwang, M.K. (2010), A framework for measuring performance of service SCM, The 40th International Conference on Computer & Indutrial Engineering, 1-6.

2. Baltacioglu, T., Ada, E., Kaplan, M., and Kaplan, Y.C. (2007), A New Framework for Services Supply Chains, The Service Industries Journal, 27(2), 105-124.

3. Cho, D. W., Lee, Y. H., Ahn, S. H., & Hwang, M.K. (2012), A framework for measuring the performance of service supply chain management, Computer & Industrial Engineering, 62(3), 801-818.

4. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (2023), Kết quả khách du lịch năm 2023.

5. Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam (2024), Tình hình khách du lịch tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2024.

6. Xu, X., and Gursoy, D. (2015), A conceptual framework of sustainable hospitality supply chain management, Journal of Hospitality Marketing & Management, 24(3), 229-259.

7. Zhang, X., Song, H., and Huang, G. (2009), Tourism suupply chain mangament: a new research agenda, Tourism Managament, 30(3), 345-358.

Ngày nhận bài: 28/10/2024; Ngày phản biện: 25/11/2024; Ngày duyệt đăng: 05/12/2024