Đẩy mạnh hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản đã được nâng lên tầm quan hệ chiến lược sâu rộng và tiến tới hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực trong đó có nông nghiệp, một lĩnh vực hết sức quan trọng đóng góp trên 20% GDP hàng năm, giải quyết công ăn việc làm cho hơn 70% dân số, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước cũng nhận được sự ủng hộ và chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo cấp cao hai Nhà nước, hai Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản Hayashi Yoshimasa cũng cho biết, Việt Nam là nước có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp. Các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn đầu tư nông nghiệp dài hạn tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Trong hợp tác về thương mại và đầu tư, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, hai bên sẽ tăng cường thúc đẩy thương mại hàng nông, lâm, thủy sản. Hai bên cũng sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cũng như liên doanh, liên kết đầu tư sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp trong các lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, sản xuất giống, chế biến nông lâm thủy sản, bảo quản, công nghệ sau thu hoạch ứng dụng công nghệ cao của Nhật Bản.
Thực tế, Việt Nam đã tạo điều kiện và mở mặt hàng thịt bò, thịt lợn, thịt gia cầm từ Nhật Bản xuất khẩu vào Việt Nam làm thực phẩm. Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị, Nhật Bản sớm cho phép nhập khẩu xoài của Việt Nam vào Nhật, đồng thời xem xét xúc tiến mở cửa thị trường đối với mặt hàng thanh long ruột đỏ và vải tươi của Việt Nam.
Phía Nhật Bản, Bộ trưởng Hayashi Yoshimasa cho biết, dự kiến, vào tháng 9 tới, Nhật Bản sẽ xuất khẩu táo sang Việt Nam và đang triển khai các thủ tục lấy ý kiến về việc nhập khẩu quả xoài từ Việt Nam.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng nông nghiệp 2 nước đã ký Biên bản hợp tác về “Tầm nhìn trung và dài hạn trong hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Nhật Bản, giai đoạn 2015-2019”. Tầm nhìn trung và dài hạn được xây dựng dựa trên việc xây dựng các địa phương thí điểm, mỗi địa phương sẽ tập trung vào một vấn đề trọng điểm cần giải quyết cuả chuỗi giá trị thực phẩm, xem xét tới biến đổi khí hậu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, Chuỗi giá trị thực phẩm (nâng cao năng suất, giá trị gia tăng: thực hiện tại tỉnh Nghệ An; chế biến thực phẩm, phát triển sản phẩm: tỉnh Lâm Đồng; cải thiện lưu thông, dây chuyền lạnh: ngoại thành Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh). Xem xét tới biến đổi khí hậu: khu vực Đồng bằng sông Mê Kong. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao: Đại học Cần Thơ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam...
Kết thúc Hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, với một nền nông nghiệp công nghệ cao, sức cạnh tranh lớn cùng độ quản lý sản xuất tốt của Nhật Bản, sẽ giúp cho ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng hiện đại hóa thông qua các chương trình, dự án hợp tác kỹ thuật, đầu tư, hợp tác giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu, các doanh nghiệp, liên doanh của hai nước./.
Bình luận