Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập
Những kết quả bước đầu
Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10/06/2013.
Mục tiêu tổng quát của Tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường; chuyển mạnh từ phát triển theo chiều rộng lấy số lượng làm mục tiêu phấn đấu sang nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, hiệu quả thể hiện bằng giá trị và lợi nhuận; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho nông dân.
Sau hơn 02 năm triển khai, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp quan trọng và từng bước có hiệu quả trong việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bước đầu nhân rộng một số hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến, hiệu quả; điều chỉnh cơ cấu đầu tư công theo hướng tập trung ưu tiên cho các nhiệm vụ tái cơ cấu, đầu tư các lĩnh vực mang lại giá trị gia tăng cao và có khả năng cạnh tranh; điều chỉnh mạnh mẽ kế hoạch nghiên cứu khoa học và khuyến nông phục vụ tái cơ cấu; xúc tiến việc sắp xếp lại bộ máy quản lý nhà nước nhằm khuyến khích và hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nhiều chính sách được rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhằm phát huy các sản phẩm nông nghiệp lợi thế, như: Chính sách phát triển thủy sản (Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/07/2014); Chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013)...
Nhận thức về yêu cầu phải thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của toàn xã hội, nhất là nhận thức của nông dân, các doanh nghiệp, nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước đã có thay đổi, chuyển biến tích cực, phù hợp với đòi hỏi hội nhập sâu của nền kinh tế nước ta với kinh tế thế giới; Sản xuất hàng hóa theo tín hiệu và kết nối với thị trường; có nhiều mô hình liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân, với tổ chức đại diện của nông dân, thực hiện tổ chức sản xuất theo chuỗi, quy mô lớn, quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm được chú trọng và có hiệu quả hơn.
Kết quả bước đầu về tái cơ cấu ngành đã góp phần duy trì tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Năm 2014, sản xuất tăng trưởng với tốc độ cao hơn (giá trị sản xuất toàn ngành tăng 3,9%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,49%); Năm 2015, tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng toàn ngành vẫn tăng trưởng 2,39% (giá trị sản xuất tăng 2,62%). Chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014; 68% năm 2015. Những kết quả trên đã góp phần nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân.
Hạn chế vướng mắc
Một là, về hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính sách. Sau 02 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu, các địa phương đều có các đề án tái cơ cấu riêng, nhiều chính sách được ban hành và có thể nói là tương đối đầy đủ. Tuy nhiên, hiệu lực, hiệu quả thi hành chính sách còn chưa được như kỳ vọng. Nhiều chính sách, đề án chưa được triển khai có hiệu quả. Phối hợp giữa các chính sách, đề án rất yếu.
Hai là, về nhân rộng các mô hình sản xuất. Thực tế trên cả nước đã có nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: mô hình cánh đồng lớn, mô hình chuỗi sản xuất khép kín, mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ, các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao… Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình trên gặp nhiều khó khăn do đất đai manh mún, tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, ngắn hạn vẫn còn tồn tại trong dân (cả doanh nghiệp), liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp còn thiếu chặt chẽ, vấn đề thị trường gặp khó khăn khi sản xuất với quy mô lớn.
Ba là, thị trường xuất khẩu mới chỉ tập trung vào các ngành hàng lớn, chưa chú trọng phát triển các mặt hàng tiềm năng. Hình thức xuất khẩu chỉ mới tập trung vào xuất khẩu thô (rau quả, thủy sản, lúa gạo, cà phê, cao su…) chưa có mặt hàng mũi nhọn, chế biến sâu, thương hiệu mạnh có giá trị gia tăng cao. Sản phẩm xuất khẩu phải qua trung gian, chưa thâm nhập vào trực tiếp vào các hệ thống phân phối, chuỗi bán lẻ, trung tâm thương mại lớn tại các thị trường xuất khẩu.
Bốn là, thị trường trong nước với nhu cầu rất lớn, nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Các mặt hàng rau quả, sản phẩm chăn nuôi là những sản phẩm thiết yếu hàng ngày, nhưng sản xuất vừa thiếu, vừa thừa. Nguyên nhân là người tiêu dùng còn e ngại về chất lượng, đặc biệt là vệ sinh an toàn thực phẩm, nên tiêu thụ còn dè dặt, làm khó cho sản xuất trong nước và tạo điều kiện để hàng nước ngoài thâm nhập.
Một số mặt hàng có phẩm cấp tốt thì lại chỉ tập trung xuất khẩu, như: tỷ lệ tiêu thụ nội địa của cà phê là 10%, cá tra 5%-7%, điều 5%, chè 50%, cao su 25% … Nhiều mặt hàng xuất hiện nghịch lý giá xuất khẩu thấp hơn giá trị trường nội địa (rau quả, cá tra, gạo…).
Năm là, về sức cạnh tranh của sản phẩm và hệ thống doanh nghiệp. Tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu, giá trị gia tăng cao để xuất khẩu còn thấp; Áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn chưa cao. Chất lượng sản phẩm không đồng đều và nhìn chung còn thấp so với yêu cầu.
Năng lực tài chính và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xuất khẩu còn yếu. Hầu hết vốn lưu động phải vay từ các ngân hàng thương mại, việc tiếp cận các nguồn vốn khác còn khó khăn. Mặt khác, trình độ quản trị của doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến năng lực cạnh tranh chưa cao.
Mặc dù các hiệp định thương mại được ký kết nhiều, nhưng các nước vẫn có xu hướng tăng cường các hàng rào kỹ thuật. Đây là khó khăn lớn đối với nông sản Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh quản lý chất lượng sản phẩm chưa đồng bộ và chặt chẽ.
Sáu là, các vấn đề còn tồn tại tác động đến năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm chậm được khắc phục, như: vật tư nông nhiệp (giống, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật…) còn chưa thể tự chủ, dựa vào nhập khẩu dẫn đến giá thành cao, kiểm soát chất lượng khó khăn. Bên cạnh đó, thông tin và định hướng thị trường còn nhiều bất cập; thương mại và hạ tầng thương mại (chợ, siêu thị, trung tâm thương mai, trung tâm hội chợ, triển lãm…) yếu kém, chưa đủ tầm để chủ động giao dịch trên thị trường khu vực và thế giới.
Tái cơ cấu nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập
Năm 2016 là năm cả nền kinh tế nước ta tham gia hội nhập sâu vào Cộng đồng kinh tế thế giới với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực.
Trong TPP có 2 nội dung quan trọng liên quan đến sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nước ta là: Xóa bỏ trợ cấp xuất khẩu nông sản và Mở cửa thị trường nông sản Việt Nam.
Dưới sức ép của quá trình hội nhập, nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng ngành Nông nghiệp sẽ có nguy cơ không chỉ thua thiệt trên thị trường thế giới, mà thua ngay cả trên sân nhà. Bởi vậy, để có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập mang lại, khắc phục những bất cập đang tồn tại, Tái cơ cấu ngành cần thực hiện đồng bộ những vấn đề sau:
Thứ nhất, đổi mới và hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Thực hiện tốt các quy định về bảo đảm chất lượng nông sản; bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh. Rà soát và thực hiện tốt các quy hoạch xây dựng các vùng nguyên liệu, vùng chuyên canh. Đầu tư nâng cao năng lực hệ thống kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng vật tư đầu vào, sản phẩm đầu ra; Quyết liệt trong việc ngăn chặn chất cấm, tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh trong nông sản.
Cải cách thủ tục hành chính: Giảm gánh nặng cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định liên quan đến phí, lệ phí, chế độ kế toán và tăng mức độ tin cậy (đơn giản hoá) các báo cáo tài chính.
Khuyến khích và thúc đẩy quá trình tích tụ ruộng đất, nhằm tạo quy mô sản xuất lớn trong nông nghiệp thông qua việc dồn điền đổi thửa và xóa bỏ hạn điền đối với các loại đất nông nghiệp, phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp. Cần có biện pháp để đánh thuế, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất.
Phát triển bảo hiểm nông nghiệp: Để có thể thu hút được đông đảo người sản xuất và vận hành hiệu quả, nhà nước cần khẳng định vai trò hỗ trợ quan trọng của mình, nhà nước hỗ trợ hoặc tham gia trực tiếp vào việc tái bảo hiểm cho sản xuất nông nghiệp. Qua kết quả thí điểm, bảo hiểm cho cây lúa, chăn nuôi có thể triển khai trên diện rộng; bảo hiểm cho hàng thủy sản cần tiếp tục nghiên cứu để phù hợp với đặc thù vùng miền.
Hoàn thiện các giải pháp xử lý tranh chấp để thực hiện hợp đồng kinh tế là biện pháp cấp bách nhất của thực tiễn thực hiện liên kết kinh tế hiện nay, giúp doanh nghiệp có thể yên tâm hơn đầu tư vào nông nghiệp vốn rất rủi ro.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát huy vai trò chủ trì trong việc rà soát lại toàn bộ những chồng chéo, trùng lắp trong hệ thống cơ chế chính sách để đồng bộ hóa, rõ đầu mối bổ sung chính sách cần thiết để tăng hiệu lực và hiệu quả của chính sách. Một yêu cầu trong quá trình hội nhập là hệ thống chính sách này phải phù hợp với thông lệ quốc tế, đặc biệt đối với các mặt hàng hướng tới xuất khẩu. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương phải làm tốt chức năng quản lý chất lượng trong toàn chuỗi giá trị nông sản để xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường trong và ngoài nước.
Thứ hai, xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại để giảm chi phí sản xuất của các khâu trong chuỗi.
Hệ thống kết cấu hạ tầng ở khu vực nông nghiệp, nông thôn hiện là trở ngại lớn trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, ngoài nước. Nhà nước ưu tiên nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, đặc biệt hạ tầng phục vụ tái cơ cấu nông nghiệp. Đồng thời có cơ chế phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và thu hút các nguồn lực khác ngoài nhà nước.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng thương mại để phát triển thị trường trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp để khuyến khích liên kết bao tiêu sản phẩm với người nông dân.
Thứ ba, tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp. Doanh nghiệp quyết định đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn dựa trên những tiềm năng, hiệu quả của hoạt động đầu tư. Ngoài yếu tố môi trường đầu tư cạnh tranh, lành mạnh, Nhà nước cũng cần có những chính sách thu hút phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, rủi ro trong sản xuất, nâng cao sức cạnh tranh, như:
- Phổ cập các thông tin về hội nhập cho cộng đồng doanh nghiệp: Các quy định cụ thể của các hiệp định thương mại chính, như: các FTA, AEC, TPP để tìm kiếm các cơ hội đầu tư, cũng như xây dựng phương án khi tất cả các loại thuế nhập khẩu bị cắt giảm theo lộ trình.
- Các tỉnh, thành phố ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn phù hợp với điều kiện của địa phương (đối với các địa phương chưa ban hành chính sách đặc thù).
- Ngân sách nhà nước (Trung ương và địa phương) ưu tiên nguồn lực thực hiện các chính sách hỗ trợ. Giám sát thực hiện quy định tại Điều 17, Nghị định 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013, dành một phần ngân sách địa phương (2%-5%) để thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016-2020.
- Hỗ trợ doanh nghiệp trong việc học tập kinh nghiệm, đặc biệt các mô hình hiệu quả để doanh nghiệp trở thành tác nhân chính trong việc nhân rộng các mô hình kinh tế.
- Nhà nước giữ vai trò bà đỡ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, trọng tài và hỗ trợ nguồn lực khi cần thiết. Để tìm thị trường, cần đa dạng hóa, tự tìm thị trường hoặc hợp tác, liên kết, liên doanh với đối tác đã có thị trường (nguyên tắc 2 bên cùng có lợi), ví dụ việc hợp tác với Nhật Bản trong câu cá ngừ ở Phú Yên, rau quả sạch ở Lâm Đồng cũng đã có những thành công nhất định. Có thể tính đến việc xuất khẩu dưới thương hiệu của đối tác, khi thị trường đã chấp nhận sẽ phát triển thương hiệu riêng./.
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ (2013). Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 10/06/2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”
2. Thủ tướng Chính phủ (2013). Nghị định số 210/2013/NĐ-CP, ngày 19/12/2013 về chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
3. Thủ tướng Chính phủ (2014). Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 07/07/2014 về một số chính sách phát triển thủy sản
Bình luận