Doanh nghiệp còn “khổ trăm bề” từ thủ tục hải quan
Kết quả khảo sát của tổ chức USAID (Mỹ) về thủ tục xuất - nhập khẩu từ tháng 7 -9/2014 tại nhiều tỉnh/thành cho thấy, tuy đã áp dụng thủ tục hải quan điện tử nhưng lượng giấy tờ DN phải nộp vẫn nhiều hơn quy định. Riêng các loại giấy giới thiệu ủy quyền, cam kết… ngoài quy định đã lên tới 15-16 loại, thậm chí có DN còn chở cả ô tô hồ sơ đến cơ quan hải quan.
Đó là kết quả khảo sát thực tế được công bố tại Hội thảo “Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp tổ chức ngày 10/10 tại Hà Nội .
Hội thảo “Thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ: Đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất - nhập khẩu” là hoạt động nằm trong Dự án Quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG) do USAID cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện để hỗ trợ đơn giản hóa thủ tục hải quan của Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 18/3/2014. |
Chở cả ôtô hồ sơ nộp hải quan
Theo bà Đặng Bình An, nguyên Tổng Cục phó Tổng cục Hải quan, chuyên gia tư vấn Dự án, trong quá trình khảo sát, có tình trạng một số cơ quan khẳng định đã cải cách đúng và tuân theo đúng cam kết quốc tế, nhưng thực tế thì doanh nghiệp (DN) vẫn kêu ca và phàn nàn.
Cụ thể, bà An dẫn chứng dù đã triển khai hải quan điện tử nhưng trên thực tế DN vẫn phải xuất trình khá nhiều giấy tờ. Điều đặc biệt là yêu cầu xuất trình giấy tờ ở mỗi địa phương lại rất khác nhau. Kết quả khảo sát cho thấy lượng giấy tờ mà lực lượng hải quan yêu cầu nhiều hơn quy định rất nhiều.
“Chẳng hạn hải quan bắt DN cung cấp thêm giấy giới thiệu, giấy ủy quyền, giấy cam kết... Tổng hợp lên đến 12-13 loại chứ không chỉ 6-7 như Ngân hàng Thế giới khảo sát”, bà An nói.
Bên cạnh đó, nhiều cách làm của hải quan vẫn gây khó cho DN. Ví dụ như: mỗi tờ khai hải quan, phần khai chỉ vỏn vẹn 50 dòng, nên nhiều DN muốn khai nhiều hơn phải làm nhiều tờ khai. Mà mỗi tờ khai phải in một tờ giấy nộp tiền. Vì vậy, có DN phải thuê người chuyên viết tờ khai, chuyên viết giấy nộp tiền khiến chi phí tăng.
Ngoài ra, quy định buộc DN muốn được thông quan, nhận hàng phải có chứng minh đã nộp thuế. Tuy nhiên, có trường hợp DN nộp thuế rồi, nhưng 3-4 ngày sau trên hệ thống của hải quan vẫn chưa hiện lên thông tin đã nộp do việc luân chuyển chứng từ nộp thuế từ ngân hàng về rất chậm. Vì vậy DN phải chạy vạy, thậm chí chạy ngược về ngân hàng để xin giấy xác nhận đã nộp thuế.
Đặc biệt, các quy định yêu cầu báo cáo khá rắc rối. Với yêu cầu phải báo cáo từng tờ khai đã thực hiện, bà An cho biết, “có DN tính ra mất tới gần 100 triệu đồng tiền mực in chỉ trong một vài quý”.
“Ví dụ như Tập đoàn Samsung, có khi họ phải chở cả ô tô giấy đến cơ quan hải quan mà chúng tôi không biết với số lượng lớn thế, hải quan sẽ lưu trữ thế nào”, bà An nói và dù từng là Tổng cục phó Tổng cục Hải quan, bà An cũng băn khoăn không hiểu hải quan sẽ lưu giữ, kiểm tra các giấy tờ đó như thế nào. Theo dẫn chứng của bà An, chỉ riêng hồ sơ cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) của một cơ quan Bộ Công Thương, chỉ 2 tuần đã lên đến... 51 bao tải.
DN lúng túng trước “rừng” quy định
Theo báo cáo của bà Đặng Bình An, do quy định kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan không rõ ràng, nên có DN nhập sản phẩm thuốc (chỉ có một chút thành phần não động vật), thế là hải quan yêu cầu phải có giấy kiểm tra mới thông quan.
Nhưng sang cơ quan kiểm tra chuyên ngành họ lại nói “ai bảo cái này phải kiểm tra”. Cứ cãi qua cãi lại. Cuối cùng phải xin xác nhận không phải kiểm tra mặt hàng này thì hải quan mới thông quan.
Nêu thực tế thời gian thực hiện các thủ tục hải quan chỉ khoảng 30%, còn lại là thực hiện các quy định quản lý chuyên ngành (như kiểm định, kiểm dịch...) do các bộ ngành khác quy định, bà Đặng Bình An cho biết danh mục hàng hóa cần phải kiểm tra, kiểm định do các bộ công bố rất nhiều nhưng lại thiếu tiêu thức rõ ràng nên đây chính là những cái khó của DN.
Ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu gỗ và sản phẩm làm từ gỗ phải kiểm tra chuyên ngành trước khi thông quan, nên khi nhập cái ghế cũng thuộc đối tượng kiểm tra.
Bà Đặng Phương Dung, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam bày tỏ, các DN dệt may đang bị vướng bởi Thông tư 40 về kiểm dịch thực vật khi nhập khẩu các sản phẩm sợi. “Mặt hàng sợi đã trải qua quá trình sản xuất công nghiệp mà vẫn phải kiểm dịch thực vật. Tôi không thể hiểu nổi là mặt hàng sợi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến thực vật hay cây trồng?”, bà Dung thắc mắc.
Liên quan đến “rừng” thủ tục, ông Nguyễn Giang Tiến, Hiệp hội DN Vận tải Hàng không nhận định, nếu đọc qua danh mục về khai báo hóa chất thì chắc không ít người bị chóng mặt, thậm chí muốn “ngất” vì quy định quá nhiều loại giấy tờ. Ông dẫn chứng quy định cấp giấy phép nhập khẩu đối với hóa chất hạn chế nhập khẩu.
“Quy định hiện hành có đến 13 loại giấy tờ phải nộp như đơn đề nghị cấp giấy phép bản sao hợp lệ giấy phép kinh doanh, bản sao hợp lệ đủ điều kiện về phòng cháy chữa cháy, bản kê khai phương tiện vận tải chuyên dùng, bản sao hợp lệ bằng đại học chuyên ngành hóa chất của giám đốc hoặc phó giám đốc kỹ thuật... Thật không thể hiểu nổi!” - ông Tiến đã thốt lên như vậy.
Trong khi đó, cơ quan quản lý dường như không thừa nhận đó là lỗi của mình. Bà Đặng Bình An cho biết, nhiều cơ quan nhà nước than thở: “Chúng tôi đã làm đúng luật mà DN vẫn kêu”.
Xuất nhập khẩu hàng hóa tại cảng VICT - TP. Hồ Chí Minh
Ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát và Quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan) trần tình, vướng mắc của DN cũng chính là vướng mắc mà hải quan đang phải đối mặt. Liên quan đến lĩnh vực này có 19 luật chuyên ngành, 30 nghị định, 200 thông tư nên biết là ách tắc hàng hóa vẫn buộc phải tuân thủ, chờ gửi văn bản cấp trên xử lý.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý thực phẩm Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế nhận xét, hệ thống văn bản pháp luật đang chồng chéo. Cán bộ công chức hiểu sai, làm sai cũng gây thiệt hại, cơ chế này còn khiến cán bộ thực thi ở cơ sở dễ hư. “Làm quản lý cũng không hề dễ”, ông Dũng than thở.
Cần chấn chỉnh ngay các thủ tục hải quan
Với vai trò là đơn vị tư vấn, bà Đặng Bình An cho rằng, các cơ quan quản lý phải lắng nghe DN, dù là việc nhỏ cũng phải cải cách mới hy vọng giảm được thời gian, chi phí cho DN.
Hiện nay, danh mục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất – nhập khẩu quá nhiều và chưa quy định rõ. Cùng một mặt hàng nhưng có nhiều bộ quản lý, mỗi nơi yêu cầu một loại giấy tờ khác nhau, không chỉ định rõ cơ quan kiểm tra… khiến DN lúng túng. Ví dụ mặt hàng sữa do 3 bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế quản lý do phân cấp theo nội dung quản lý về giá, thành phần và hàng hóa.
Còn theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM, nguyên nhân khiến thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất – nhập khẩu của Việt Nam phức tạp, tốn kém là do khâu thực hiện rất tùy tiện, công chức tự ý đưa ra những yêu cầu không có trong quy định pháp luật. Vì vậy, để chấn chỉnh, cần có những người đứng đầu làm đúng phận sự, thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên và sẵn sàng kỷ luật những cá nhân sai phạm.
Ông Ngô Minh Hải cũng nêu quan điểm, “nếu văn bản rành mạch thì thực hiện rất dễ dàng, nhưng thực tế, mã số hàng hóa trong biểu thuế xuất – nhập khẩu của Bộ Tài chính ban hành với danh mục quản lý chuyên ngành của bộ này, bộ kia khác nhau nên gây hiểu sai ở hải quan”, ông Hải nói.
Trong khi đó, từ góc độ DN, đại diện Công ty Cổ phần Tiếp vận và Ngoại thương Việt kiến nghị, “cần đơn giản hóa hơn nữa bảng kê hàng hóa vì yêu cầu hiện nay quá chi tiết và không cần thiết. Như ngành hóa chất phải kê 13 loại thủ tục, bao gồm bản giải trình nhu cầu kinh doanh hóa chất, kê khai sơ đồ nhà xưởng, kê khai phương tiện vận chuyển, phiếu an toàn hóa chất… khiến DN mất quá nhiều thời gian, tiền lưu kho bãi vô cùng tốn kém.
Bên cạnh đó, bà Đặng Phương Dung cho rằng, “chỉ cần các cơ quan hải quan giải quyết tất cả các vướng mắc từ trước đến nay là DN đã sướng lắm rồi chứ chưa cần đưa thêm những kiến nghị mới”, bà Dung nói.
Theo ông Phạm Vinh Quang, chuyên gia của dự án USAID GIG cho biết, thời gian thông quan hàng hóa ở Việt Nam chỉ cần giảm 1 ngày thì một năm, cộng đồng DN sẽ tiết kiệm được số tiền khoảng 1,6 tỷ USD. Cụ thể đó là: tiền chi phí thủ tục, lưu kho bãi, thuê nhân công…/.
Bình luận