Đề xuất Hà Nội tôn vinh danh nhân Lưu Cơ
Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ
Đề xuất của TS. Nguyễn Thị Dơn được đưa ra tại Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ”, tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long, sáng ngày 15/5/2022 với sự tham dự của các nhà khoa học, sử học hàng đầu, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội và Hội đồng Lưu Tộc Việt Nam.
Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu cơ” ngày 15/5/2022 |
Theo TS. Nguyễn Thị Dơn, đặt tên danh nhân cho đường phố Hà Nội là một hình thức tưởng niệm công đức của những nhân vật lịch sử đã có công lao to lớn trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của đất nước. Ở Thủ đô hiện nay, có hơn 50% đường phố được mang tên danh nhân, trong đó danh nhân trung cổ đại chủ yếu là các vị vua hiền, các tướng lĩnh lập được nhiều chiến công trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc, các vị quan thanh liêm giỏi việc cai trị, có nhiều đóng góp cho nền văn hóa nước nhà. Việc lấy tên các bậc tiền bối, danh nhân lịch sử, các vị anh hùng đặt tên cho đường phố ở Hà Nội để người dân thủ đô hiện tại và các thế hệ tương lai hiểu rõ, nâng cao lòng tự hào dân tộc về đất nước, về thủ đô và dòng tộc.
Nghiên cứu của TS. Nguyễn Thị Dơn cho biết, Thái sư Lưu Cơ là danh nhân lịch sử xuất chúng, một khai quốc công thần, là tứ trụ của triều đình nhà Đinh (gồm Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Lưu Cơ và Trịnh Tú). Sự nghiệp của Ngài Lưu Cơ gắn với hai sự kiện lớn của nhà Đinh, Tiền Lê, đó là đã có công giúp Vua Đinh Bộ Lĩnh thống nhất 12 xứ quân, lập nên nước Đại Cồ Việt - Nhà nước độc lập tự chủ đầu tiên của nước ta từ thế kỉ X. Thái sư Lưu Cơ là vị quan triều trông coi hình án (theo Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Thời Đại 2011, trang 129), kiêm chức Thái sư Đô hộ phủ, cai quản toàn bộ Giao Châu và đóng phủ đường ở Đại La trong 40 năm (từ năm 971 - 1010), xuyên xuốt 3 triều đại phong kiến, nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý. Trong quá trình cai quản thành Đại La, Thái sư Lưu Cơ đã cho xây dựng lại, cải tạo thành Đại La từ một tòa thành Bắc thuộc trở thành một tòa thành Đại Việt trù phú, vững mạnh, là điều kiện kiên quyết giúp cho Lý Công Uẩn thực hiện công cuộc dời dô từ Hoa Lưu ra Thăng Long. Tòa thành Đại La khi trở thành kinh đô Thăng Long vào tháng 7 năm 1010, là một kinh đô Đại Cồ Việt được chuẩn bị hoàn tất mà công lao được ghi nhận là của Thái sư Lưu Cơ.
Lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam đã chứng minh rằng, Nhân dân ta luôn có ý thức tôn vinh và suy tôn những người có công với dân với nước, thờ cúng tổ tiên nhớ ơn công đức lưu truyền nòi giống. Những biểu hiện sùng kính công lao đối với những danh nhân lịch sử không chỉ có giá trị tâm linh, mà về thực chất còn là sự lưu truyền, giáo dục để con cháu đời đời ghi nhớ và nỗ lực làm theo.
Tượng đồng Thái sư Lưu Cơ tại Đình Đại Từ, xã Đại Đồng (Văn Lâm, Hưng Yên) |
Cũng theo TS. Nguyễn Thị Dơn, Lưu Tộc là một dòng họ trong đại gia đình các dòng họ ở Việt Nam được hình thanh từ rất sớm, có gần 150 Cao Tổ tiêu biểu, được sử sách ghi danh và được phụng thờ trong các di tích lịch sử, được sắc phong mĩ tự là “Phúc thần”. Trong đó tiêu biểu nhất là 6 vị khai quốc công thần được sử sách lưu danh, đó là Thái Sư Lưu Cơ, Thái úy Lưu Khánh Đàm, Thái phó Lưu Ngữ, Thái phó Lưu Điều, Tể tướng Lưu Nhân Chú và Đại tướng quân Lưu Trung. Lưu tộc Việt Nam còn có 27 vị đỗ trạng nguyên tiến sĩ khoa bảng, trong đó có 14 tiến sĩ được đề danh bia đá tại văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội.
Chuyển cổng thành từ phía Bắc sang phía Nam: Một tầm tư duy chiến lược
Chia sẻ tại Hội thảo khoa học, GS.TSKH. Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và giáo dục Đại học quốc gia Hà Nội, Phó chủ tịch hội Khoa học lịch sử Việt Nam nhân định, một trong những công lao to lớn của Thái sư Lưu Cơ đã được ghi nhận trong dịp kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long là việc Ông giữ vai trò người đứng đầu Đại La trong 40 năm cho đến khi Ông về hưu. Thái sư Lưu Cơ chính là người chỉ huy việc tu sửa Đại La thành một tòa thành chuẩn bị mọi điều kiện cơ sở hạ tầng cho cuộc dời đô của Lý Công Uẩn về Hà Nội. Trong đó, một việc làm có ý nghĩa lớn của quá trình tu sử thành Đại La là Thái sư Lưu Cơ đã cho chuyển Cổng thành từ chính Bắc sang chính Nam. “Đây chính là biểu hiện sâu sắc của ý thức dân tộc”, ông nói.
Thành Đại La – Kinh thành Thăng Long xưa |
GS.TSKH.Vũ Minh Giang nhận định, công lao, đức độ của Thái sư Lưu Cơ đã được nhân dân cả nước ghi nhận qua hệ thống rất nhiều đền thờ gia phả, thần phả, nhưng với tầm vóc và công lao đóng góp của mình, Thái sư Lưu Cơ xứng đáng có vị trí tôn vinh trong di tích Hoàng Thành Thăng Long và Thủ đô Hà Nội.
Bình luận về việc Thái sư Lưu Cơ chuyển cổng thành từ chính Bắc sang chính Nam, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá, khi giành lại được độc lập, thông thường các triều đại sẽ triệt tiêu tất cả những gì còn lại của phương Bắc, tuy nhiên cách gìn giữ thành Đại La của thời nhà Đinh cho thấy một tầm nhìn hoàn toàn khác. Cụ thể, thời nhà Đinh đã nhìn nhận, phương Bắc tuy là kẻ bành trướng số 1, nhưng cũng là một nền văn minh mà chúng ta có thể kết nối cho sự hội nhập và phát triển. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, thành Đại La từng được phương Bắc ví như “con Rồng”, nên họ đã lấy cũi nhốt lại. Khi ông cha ta nhận ra điều này, đã quyết định ứng xử theo hướng trở lại thành Đại La, tháo cũi sổ lồng cho Rồng bay lên. “Thái sư Lưu Cơ chính là người được trao trọng trách bảo tồn và phát triển giá trị của thành Đại La, khi cơ hội đến, khi Việt Nam hội đủ sức mạnh thì Lý Công Uẩn đã dời đô về Thăng Long, mở cũi sổ lồng cho Rồng bay lên, cho đất nước phát triển”, ông Dương Trung Quốc nói.
“Đó là sự chuyển đổi chiến lược, có ý nghĩa và giá trị đặc biệt trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, mà chúng ta phải nâng niu, trân trọng, học hỏi từ thời nhà Đinh, từ Thái sư Lưu Cơ”, ông Dương Trung Quốc nhận định.
“Đề xuất nghiên cứu Đề án thành lập Quảng trường Lưu Cơ tại Hoàng Thành Thăng Long”
TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban dân nguyện của Quốc hội (ảnh tư liệu) |
Cho đến khi chúng tôi tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), người dân Bát Tràng vẫn không biết rõ cụ Lưu Thiên Tử mà nhân dân trong làng thờ là ai. Sau đó, theo sự phối hợp của dòng tộc họ Lưu, người dân Bát Tràng mới biết, Thành Hoàng Làng của Bát Tràng chính là Thái sư Lưu Cơ, người có đóng góp đặc biệt trong tiến trình lịch sử phát triển của Hà Nội. Từ một câu chuyện cụ thể trên cho thấy, có những diễn tiến lịch sử, những nhân vật lịch sử mà chúng ta cần phải nghiên cứu nhiều hơn nữa để thấu hiểu, để ghi nhận và tự hào về các thế hệ đi trước, các danh nhân góp sức xây dựng Đất nước đến nay.
Chỉ riêng việc danh nhân Lưu Cơ quyết định xoay cổng thành Đại La từ phía Bắc sang phía Nam đã thể hiện lòng tự tôn dân tộc, thể hiện tinh thần hội nhập, mở rộng không gian phát triển cho Đất nước, rất xứng đáng để các cơ quan chức năng xem xét, đặt tên Ông cho 1 trường học, tương tự như cách làm với danh nhân Hoàng Diệu hay Nguyễn Tri Phương.
Cùng với đó, tôi đề nghị, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch phối hợp với UBND TP. Hà Nội và các cơ quan liên quan xem xét ý tưởng xây dựng Đề án thành lập Quảng trường Lưu Cơ tại Hoàng Thành Thăng Long, để tôn vinh một nhân vật lịch sử, có đóng góp đặc biệt cho quá trình dựng nước và phát triển đất nước. Tôi tin rằng, đây là một sự tôn vinh xứng đáng cho chúng ta cũng như các thế hệ tiếp nối ghi nhớ và học hỏi, bởi danh nhân Lưu Cơ không chỉ của dòng họ Lưu, mà là một danh nhân của dân tộc Việt Nam.
“Việc đề xuất Hà Nội đặt tên đường mang tên danh nhân Lưu Cơ là rất xác đáng”
Bà Trịnh Thị Thúy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch (ảnh tư liệu) |
Tôi đồng tình với kiến nghị của các nhà khoa học, đó là làm thế nào để thế hệ trẻ được biết đầy đủ, khách quan, khoa học về các danh nhân Việt Nam, trong đó có Thái sư Lưu Cơ trong quá trình gìn giữ, phát huy giá trị của thành Đại La cũng như phát triển đất nước.
Theo tôi, việc đề xuất Hà Nội đặt tên đường mang tên danh nhân Lưu Cơ là rất xác đáng khi chúng ta hội đủ căn cứ khoa học và những cứ liệu lịch sử để đề xuất việc này. Về phần mình, chúng tôi sẽ phối hợp với Hà Nội và các địa phương để việc tôn tạo, gìn giữ các di tích thờ Thái sư Lưu Cơ.
Để công trạng của Thái sư Lưu Cơ được biết đến rộng rãi trong dân nhân, tôi cho rằng, công tác tuyên truyền cần được quan tâm, thực hiện nhiều hơn nữa, thông qua các bài viết trên báo, tạp chí, truyền hình… Cùng với đó, các địa phương nên nghiên cứu đưa giáo dục về danh nhân trong các buổi học ngoại khóa, để giúp thế hệ trẻ hiểu biết về những nhân vật lịch sử, có công lao to lớn cho sự phát triển của dân tộc Việt Nam.
“Hà Nội tiếp thu, nghiên cứu và sẽ đề xuất tôn vinh danh nhân Lưu Cơ một cách xứng đáng”
Ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội (ảnh tư liệu) |
Thực tế, dữ liệu lịch sử không ghi lại nhiều tư liệu về thân thế, sự nghiệp và đóng góp của Thái sư Lưu Cơ với Đất nước, nên việc các nhà khoa học dành nhiều tâm huyết nghiên cứu, tổ chức Hội thảo khoa học về danh nhân Lưu Cơ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ với Hà Nội, mà còn với tiến trình lịch sử của dân tộc. UBND Hà Nội tiếp thu và sẽ phối hợp với các bên liên quan triển khai các công việc tiếp theo, trong đó có việc làm rõ hơn công lao, đóng góp của thái sư Lưu Cơ với Đất nước; bổ sung các tài liệu lịch sử để đề xuất các hình thức tôn vinh danh nhân một cách xứng đáng nhất./.
Bình luận