Đến năm 2020, cả nước có trên 2.000 km đường cao tốc
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, trong lĩnh vực đường bộ, song song với việc khai thác hiệu quả các tuyến cao tốc đã có, tiếp tục triển khai cũng như chuẩn bị các thủ tục cần thiết để đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường cao tốc; cơ bản nối thông tuyến đường Hồ Chí Minh; nâng cấp các quốc lộ thuộc hệ thống vành đai phía Bắc, phía Tây Nam, tuyến nối các cảng biển Việt Nam với các nước láng giềng; tiếp tục đầu tư đường ven biển, đường hành lang và đường tuần tra biên giới.
Trong lĩnh vực đường sắt, tập trung nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có; cải tạo, nâng cấp để nâng cao năng lực, chất lượng vận tải các tuyến đường sắt phía Bắc; từng bước xóa bỏ các giao cắt đồng mức giữa đường bộ và đường sắt, ưu tiên xây dựng nút giao khác mức tại nơi có lưu lượng giao thông lớn. Nghiên cứu phương án xây dựng mới đường sắt đôi tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, giai đoạn đầu khai thác với tốc độ 160-200 km/h. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng trước những đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn, như: đoạn Hà Nội - Vinh, TP. Hồ Chí Minh - Nha Trang, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Cùng với đó, tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ, hiện đại các cảng hàng không quốc tế; xây dựng các công trình để khai thác an toàn, có hiệu quả các cảng hàng không khác, đưa tổng năng lực thông qua tại các cảng hàng không đạt khoảng 100 triệu hành khách/năm (tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2015). Triển khai đầu tư Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, phấn đấu hoàn thành vào năm 2023 sớm hơn 2 năm so với mục tiêu Nghị quyết Quốc hội đề ra…
Cũng theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, năm 2015, công tác giải ngân vồn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đạt là 87.136,3 tỷ đồng (chiếm khoảng 30,5% các nguồn vốn dự kiến giải ngân của cả giai đoạn 2011-2015).
Trong đó, có 6.699 tỷ đồng hoàn ứng, còn lại 80.437,3 tỷ đồng (bao gồm: 7.329,1 tỷ đồng vốn ngân sách nhà nước, 31.128,2 tỷ đồng vốn trái phiếu chính phủ và 41.980 tỷ đồng vốn ngoài ngân sách nhà nước). Kết quả giải ngân đạt 89.907 tỷ đồng (chiếm khoảng 26,33% giá trị giải ngân của cả giai đoạn 2011-2015), vượt 11,77% kế hoạch.
Điều đáng mừng là các nguồn vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu giải ngân đạt 51.694 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách nhà nước giải ngân đạt 38.213 tỷ đồng. Đã lập và trình báo cáo quyết toán 541 dự án, vượt 56% kế hoạch; phê duyệt quyết toán 593 dự án, vượt 62% kế hoạch năm 2015 với tổng giá trị phê duyệt quyết toán đạt trên 69.000 tỷ đồng.
Năm 2015, Bộ đã thực hiện khởi công, triển khai thi công mới 51 công trình, dự án. Trong đó, có 15 dự án đầu tư theo hình thức BOT với tổng số vốn huy động trên 45 nghìn tỷ đồng, vượt 21% so với kế hoạch năm 2015. Đã hoàn thành, đưa vào khai thác 112 công trình, dự án. Trong đó có nhiều công trình, dự án lớn, như: hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên sớm hơn từ 1 đến 1,5 năm so với kế hoạch; hoàn thành tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; các cầu, như: Năm Căn, Cổ Chiên, Hạc Trì, Mỹ Lợi, Quốc lộ19...; Nhà ga Cảng hàng không Vinh, đường cất hạ cánh, đường lăn, sân đậu máy bay Cảng hàng không Pleiku, cải tạo nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai, Nhà ga đường sắt Ninh Bình, 44 cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh, nâng cấp tuyến Kênh Chợ Gạo - giai đoạn 1, luồng kênh Cái Tráp, cụm công trình luồng qua cửa Lạch Giang... Đặc biệt là việc hoàn thành xuất sắc cụm 3 công trình: Nhà ga T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, cầu Hữu nghị Việt - Nhật (cầu Nhật Tân) và đường Võ Nguyên Giáp (Nhật Tân - Nội Bài) đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) trao tặng Giải thưởng Cống hiến.
Với những nỗ lực và kết quả trên, theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), mức hữu dụng và chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam năm 2015 đứng ở vị trí 67, tăng 9 bậc so với năm 2014, so với năm 2010 tăng 36 bậc./.
Bình luận