Thông tin này dấy lên những lo ngại khi chúng ta vẫn tự hào bấy lâu về vị trí ngôi đầu bảng tại các thị trường xuất khẩu dệt may.

Đối thủ lớn mang tên Campuchia

Theo Vitas, trong tổng số hơn 90 tỷ USD hàng dệt may các nước châu Âu (EU) nhập khẩu năm ngoái, Việt Nam xếp ở vị trí thứ 6, sau Trung Quốc, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ và Campuchia. Cụ thể, trong năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào EU đạt 3,11 tỷ USD, tăng 5,01% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 3,45% trong tổng kim ngạch hàng dệt may các nước xuất vào EU.

Trong khi đó, dù đơn giá xuất khẩu vào EU của Campuchia có giảm so với năm trước và thấp hơn khá nhiều so với Việt Nam, nhưng với mức tăng trưởng xuất khẩu tới 9,95% và tổng kim ngạch hơn 3,27 tỷ USD. Campuchia đã vượt Việt Nam về thị phần xuất khẩu vào thị trường này (thị phần của Campuchia là 3,64%).

Tuy nhiên, Vitas cũng phân tích rõ, việc Campuchia vượt Việt Nam về thị phần dệt may tại EU chỉ là ở một vài mặt hàng. Theo đó, Vitas lý giải, bảng số liệu nhập khẩu hàng may mặc của EU năm 2015 là thống kê hàng may mặc (mã hàng hóa HS61, HS62), trong khi thông tin trên báo đưa là hàng dệt may (bao gồm tổng từ HS50 đến HS63). Do đó, nếu tính tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào EU28, Việt Nam vẫn duy trì kim ngạch xuất khẩu cao hơn Campuchia, đặc biệt là hiện tại Campuchia vẫn hưởng thuế suất ưu đãi 0% theo chương trình Everything But Arms (EBA) - GSP của EU dành cho các nước kém phát triển. Trong khi Việt Nam chỉ được hưởng GSP cho các nước đang phát triển với thuế suất nhập khẩu 9,6%.

Đồng thời, dù tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Campuchia vào EU cao hơn Việt Nam do ưu thế về thuế, nhưng trong 2 năm qua, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu dệt may của Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc so với thời kỳ trước đó.

Vitas cũng cho rằng, trong thời gian tới, không loại trừ khả năng trong ngắn hạn kim ngạch xuất khẩu dệt may của Campuchia vào EU sẽ có thời điểm vươn lên xấp xỉ kim ngạch của Việt Nam. Nhưng về trung hạn, xét tiềm lực của ngành dệt may 2 nước cũng như việc Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - EU sẽ được ký kết, phê chuẩn và có hiệu lực, xuất khẩu dệt may của Việt Nam vào khu vực này chắc chắn sẽ vượt trội so với Campuchia. Khi đó, ngành dệt may Việt Nam có thể vươn lên cạnh tranh với các thị trường khác, như: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh và Trung Quốc.

Nỗ lực hơn nữa trước thách thức đặt ra

Cho dù hàng dệt may Việt Nam chỉ "thua" Campuchia ở một vài mặt hàng, hay toàn bộ ngành hàng thì điều này cũng cho thấy, vấn đề năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may Việt Nam là điều cần phải suy ngẫm, nhất là để có thể tận dụng được các cơ hội về mà Hiệp định mang lại.

Tại hội thảo “Dệt may - cơ hội và thách thức hội nhập” tổ chức ngày 30/09/2015, theo ông Phan Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) nhận định, thách thức lớn nhất của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là lệ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài. Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, nhưng về chuỗi giá trị gồm nguyên liệu, nghiên cứu thiết kế, sản phẩm, marketing và phân phối vẫn còn nhiều hạn chế.

Do khả năng vốn của các doanh nghiệp "nội" thấp, nên đến nay sản xuất nguyên liệu hỗ trợ cho ngành dệt may gần như mới chỉ tập trung cho các công đoạn giá trị gia tăng thấp, các khâu có giá trị gia tăng cao, như: sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải vẫn phải nhập khẩu.

Cùng với đó, Việt Nam phải chịu ảnh hưởng trực tiếp khi mức lương tối thiểu, vốn đầu tư, giá nguyên phụ liệu… tạo sức ép buộc doanh nghiệp phải tăng chi phí sản xuất.

Dẫn lời ông Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may trên Thời báo Kinh tế Sài gòn Online, để chủ động nguyên phụ liệu, cần có chiến lược xây dựng vùng nguyên liệu trong nước, đẩy mạnh chuỗi liên kết xuất khẩu bằng quy trình khép kín: sản xuất sợi, dệt, công nghệ nhuộm và may thành phẩm và đẩy mạnh R&D (nghiên cứu và triển khai) thông qua hình thức OBM (tự thiết kế, sản xuất và xuất khẩu) nhằm định vị thị trường và thương hiệu của ngành. Để làm được điều này, đòi hỏi cần có sự phối hợp đồng bộ của nhiều chủ thể có liên quan, trong đó, ngoài vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước Trung ương và địa phương, còn cần có sự tham gia tích cực và chủ động của các hiệp hội, Tập đoàn Dệt may Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng dệt may Việt Nam.

Ngoài ra, bên cạnh việc nâng cao cạnh tranh của từng doanh nghiệp, thì công tác cải cách hành chính trong thời gian tới, nhằm giảm mạnh chi phí hành chính, giảm gánh nặng khác cho doanh nghiệp là rất cần thiết. Đặc biệt là chi phí liên quan đến tiền lương và người lao động. Trao đổi với báo giới, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nếu chính sách điều chỉnh tiền lương quá nhanh, và không phù hợp với sức khỏe của doanh nghiệp hiện nay, thì nguy cơ doanh nghiệp dệt may và da giày có thể mất lợi thế là nhãn tiền có thể xảy ra.

“Các chính sách tài chính cần có quyết định phù hợp, thì năng lực cạnh tranh của ngành dệt may mới được đảm bảo và ta mới có thể là nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu vào EU và trong thời gian tới” , ông Lộc nói./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://nld.com.vn/kinh-te/campuchia-vuot-viet-nam-xuat-khau-det-may-vao-eu-20160229140922989.htm

http://www.thesaigontimes.vn/136417/Nguyen-phu-lieu-det-may-Noi-dau-dau-truoc-TPP.html