Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, ngày 17/01/2024, EU đã đăng công báo Quy định thực hiện Quy chế (EU)2024/286 ký ngày 16/1/2024, sửa đổi Quy định thực hiện (EU) 2019/1793 về việc tạm thời tăng cường các biện pháp kiểm soát chính thức và các biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu vào Liên minh một số hàng hóa từ một số nước thứ ba thực hiện Quy định (EU) 2017/625 và (EC) số 178/2002 của Nghị viện và Hội đồng châu Âu.

Theo đó, các mặt hàng của Việt Nam vào EU sẽ chịu giám sát cửa khẩu là ớt chuông, mỳ ăn liền và sầu riêng với tần suất kiểm tra tương ứng là 50%, 20% và 10%. Như vậy, đây là lần đầu tiên sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu vào EU bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng sầu riêng tại cửa khẩu với tần suất 10%.

Cũng tại Quy định này, đậu bắp và thanh long vẫn nằm trong phụ lục II (thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng từ Việt Nam) với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU.

Quy định có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo.

Từ ngày 6/2/2024, EU áp dụng quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm
EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản mỗi năm, trong đó khoảng 4% từ Việt Nam

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, EU nhập khẩu hơn 160 tỷ USD các mặt hàng nông sản mỗi năm, trong đó khoảng 4% từ Việt Nam.

Mặc dù, thị trường EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của ngành hàng nông sản Việt, với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm tỷ trọng 15% tổng giá trị nông sản cả nước.

Tuy nhiên, với 4% thị phần cho thấy giá trị và kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam, cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU.

Với thế mạnh là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển lâu đời, cũng là đất nước được biết đến với nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật, Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm những mặt hàng đang là thế mạnh, nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của EU, từ đó là nền tảng để tăng tổng sản lượng hàng nông sản và đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu./.