Theo dự báo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA), điện mặt trời là chìa khóa trung hòa carbon cho ASEAN. Theo kịch bản này, điện mặt trời sẽ là chìa khóa giúp các quốc gia ASEAN trung hoa carbon trong tương lai, chiếm tỷ trọng gần 60% thị phần năng lượng tái tạo được lắp đặt vào năm 2050.

Điện mặt trời là chìa khóa trung hòa carbon cho ASEAN
Indonesia, Việt Nam và Thái Lan là 3 quốc gia dẫn đầu công suất lắp đặt điện mặt trời của ASEAN trong tương lai (nguồn: Southeastasiaglobe)

ASEAN sẽ triển khai lắp đặt mới 241GW điện mặt trời vào năm 2030. Điều này đồng nghĩa vào giữa thế kỷ, các nước ASEAN có thể đạt công suất lắp đặt 2,4TW nếu giải pháp tiếp cận điện năng lượng tái tạo được áp dụng 100%.

Theo IRENA, từ năm 2018 đến năm 2020, sản lượng điện từ năng lượng tái tạo được lắp đặt ở các quốc gia thành viên ASEAN đã tăng từ 28% lên 33,5% do sự mở rộng nhanh của điện mặt trời. ASEAN sẽ cần tới 1,2 nghìn tỷ USD cho đầu tư riêng điện mặt trời, để hỗ trợ quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo trong giai đoạn 2018-2050. Riêng đến cuối thập kỷ này, số vốn đầu tư cần vào khoảng 156 tỷ USD.

Theo dự báo của IRENA, 3 quốc gia ASEAN sẽ dẫn đầu về bổ sung điện mặt trời hàng năm và là các quốc gia duy nhất lắp đặt hơn 10GW mỗi năm cho đến năm 2050, đó là Indonesia (24,18GW), Việt Nam (17,86GW) và Thái Lan (11,15GW). IRENA ước tính, các nước ASEAN sẽ thêm 64GW điện mặt trời hàng năm cho đến năm 2050.

Tuy nhiên, đầu năm nay, Việt Nam cho biết, mục tiêu năng lượng mặt trời trong thập kỷ thứ 2 là "quá cao", chủ yếu là do hạn chế về lưới điện, nên đã gây ra những bất ổn cho việc triển khai năng lượng tái tạo. Do vậy, mục tiêu năng lượng tái tạo của Việt Nam đưa ra thấp hơn so với triển vọng của IRENA trong những thập kỷ tới.

Điện mặt trời là chìa khóa trung hòa carbon cho ASEAN
ASEAN sẽ cần tới 1,2 nghìn tỷ USD cho đầu tư riêng điện mặt trời để hỗ trợ quá trình chuyển đổi hoàn toàn sang năng lượng tái tạo cho đến năm 2050 (nguồn: DW)

“Khi khu vực cam kết thực hiện các mục tiêu khí hậu đầy tham vọng, việc lập kế hoạch phải bắt đầu một cách nghiêm túc. Trong khi ASEAN có những mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng tái tạo trong ngắn hạn, thì khu vực này phải có cách lập kế hoạch cho dài hạn”, Francesco La Camera, Tổng giám đốc IRENA cho hay.

Cũng theo IRENA, các điểm nóng điện mặt trời thường tập trung ở một số khu vực nhất định như: Sumatra, Nusa Tenggara (Indonesia), Việt Nam, Thái Lan và Philippines.

Việt Nam, Thái Lan và Philippines cùng với khu vực Java-Bali ở Indonesia là nơi cần nhiều điện nhất trong khối ASEAN. Chỉ riêng hai hòn đảo của Indonesia sẽ nhập khẩu hơn 1.000TWh vào năm 2050 trong kịch bản 100% năng lượng tái tạo, tăng gấp ba lần nhu cầu điện của Vương quốc Anh năm 2021. Điều này sẽ đòi hỏi đầu tư lưới điện ước khoảng gần 200 tỷ USD trong thời gian tới trên toàn khu vực, chủ yếu là cho việc mở rộng hệ thống truyền tải quốc gia và quốc tế, nhằm tích hợp năng lượng tái tạo tốt hơn.

Trong dự báo của mình, IRENA còn cho biết thêm, do thiếu đất, Singapore là một trong những quốc gia ASEAN phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng tái tạo. Singapore có kế hoạch sẽ nhập khẩu lên đến 4GW điện carbon thấp vào năm 2035. Một số quốc gia ASEAN là nơi có nguồn cung đáng kể cho nguồn năng lượng này, nhờ tài nguyên khoáng sản giúp cho công nghệ tái tạo phát triển. Ngoài ra, các chính sách ngày càng được hoàn thiện giúp các ngành sản xuất năng lượng tái tạo đạt công suất quy mô cao, nhất là các mô-đun và pin năng lượng mặt trời./.

Khắc Nam

Theo Báo chí nước ngoài- 9/2022