Các quốc gia và khu vực đẩy nhanh cam kết thực hiện xây dựng chính phủ số

Chính phủ số ngày càng cho thấy vai trò quan trọng đối với các quốc gia, trong quá trình hướng tới đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Chính phủ điện tử sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ những tiến bộ này, bao gồm cả Trí tuệ nhân tạo (AI), giúp chính quyền phản ứng nhanh hơn và thực hiện các dịch vụ công hiệu quả hơn.

Báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử 2024 - Đẩy nhanh chuyển đổi số vì sự phát triển bền vững, do Liên Hợp quốc công bố trong tháng 9/2024 cho thấy, bất chấp các cuộc khủng hoảng toàn cầu đan xen và diễn biến phức tạp trong những năm gần đây, các quốc gia và khu vực trên toàn thế giới đã đẩy nhanh cam kết của mình đối với việc thực hiện xây dựng chính phủ số.

Báo cáo được chuẩn bị trong khoảng thời gian hai năm theo phương pháp nghiên cứu đã được thiết lập. Khảo sát này xem xét cách chính phủ số có thể tạo điều kiện thuận lợi cho các chính sách và dịch vụ tích hợp trên 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc. Báo cáo này dựa trên nhiều yếu tố như: dịch vụ chính phủ trực tuyến, cơ sở hạ tầng viễn thông, hiểu biết của dân số trưởng thành và sự tham gia kỹ thuật số. So với những năm trước, ngày càng nhiều nước tận dụng công nghệ và mở rộng các dịch vụ số cung cấp cho người dân và doanh nghiệp.

Khảo sát cho thấy, đã có những bước tiến đáng kể trong quản trị số, được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng và các công nghệ tiên tiến như: AI, điện toán đám mây và băng thông rộng. Tuy nhiên, trong khi chuyển đổi số đã thúc đẩy sự đổi mới và tăng trưởng, đặc biệt là trong khu vực tư nhân, nhiều quốc gia vẫn gặp phải rào cản trong tận dụng tối đa những tiến bộ này để thúc đẩy sự tham gia và nâng cao chất lượng dịch vụ công, vốn là những thành phần quan trọng để đạt được SDGs.

Nhờ những cải thiện đáng kể về cung cấp dịch vụ và cơ sở hạ tầng viễn thông, điểm trung bình EGDI toàn cầu đã tăng. Tỷ lệ dân số tụt hậu trong phát triển chính phủ số giảm từ 45,0% vào năm 2022 xuống còn 22,4% vào năm 2024. Bước tiến này phần lớn là nhờ những tiến bộ đáng kể ở châu Á và sự cải thiện ổn định ở châu Mỹ, nơi nhiều quốc gia đã gia nhập nhóm EGDI rất cao (Bảng).

Bảng: Việt Nam lần đầu tiên lọt vào nhóm có chỉ số EGDI rất cao

Việt Nam lần đầu được xếp vào nhóm có Chỉ số Chính phủ điện tử rất cao
Nguồn: Báo cáo Khảo sát Chính phủ điện tử 2024

71,5% các quốc gia đang ở mức EGDI cao hoặc rất cao

Theo Báo cáo, trong số 193 quốc gia thành viên của Liên Hợp quốc, Chỉ số Sự phát triển chính phủ điện tử đã được cải thiện ở cấp độ toàn cầu, với giá trị EGDI trung bình đã tăng từ mức 0,6102 điểm vào năm 2022 lên 0,6382 điểm (trên thang điểm từ 0-1). Năm 2024 cũng là lần đầu tiên các quốc gia thành viên có giá trị EGDI ở mức rất cao (trên 0,75 điểm) chiếm tỷ trọng lớn nhất, chiếm 39% tổng số (tương ứng với 76/193 quốc gia). Các quốc gia có giá trị EGDI cao (dao động từ 0,50-0,75 điểm) chiếm 32%. Số lượng các quốc gia có giá trị EGDI trung bình (từ 0,25-0,50 điểm) đã giảm xuống 23% vào năm 2024. Tuy nhiên, số lượng các quốc gia có giá trị EGDI thấp đã tăng 6%, chủ yếu là do các xung đột địa chính trị và tình hình hậu xung đột đã cản trở sự phát triển kỹ thuật số của họ.

Số lượng các quốc gia có giá trị EGDI rất cao đã tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua (tăng từ 25 quốc gia vào năm 2014 lên 76 quốc gia vào năm 2024). Tổng số các quốc gia có giá trị EGDI rất cao và cao đã tăng từ 87 quốc gia vào năm 2014 lên 138 quốc gia vào năm 2024. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng và ưu tiên ngày càng tăng mà các chính phủ đã đặt ra cho quá trình chuyển đổi số trong thập kỷ qua.

Theo khu vực, châu Âu có giá trị EGDI trung bình cao nhất (0,8493 điểm), tiếp theo là châu Á (0,6990 điểm), châu Mỹ (0,6701 điểm), châu Đại Dương (0,5289 điểm) và châu Phi (0,4247 điểm).

Điều đáng chú ý là Chỉ số cơ sở hạ tầng viễn thông (Telecommunications Infrastructre Index – TII) là chỉ số thành phần có đóng góp cao nhất vào giá trị EGDI trung bình trên toàn cầu và khu vực. Điều này phản ánh sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19 của các quốc gia. Trong hai năm qua, giá trị TII trung bình đã tăng 19,9% trên toàn cầu. Theo khu vực, sự gia tăng đáng kể nhất được ghi nhận ở châu Đại Dương (29,4%), tiếp theo là châu Phi (27,8%), châu Á (25,5%), châu Mỹ (19,6%) và châu Âu (9,9%).

Trong số 76 quốc gia trong nhóm EGDI rất cao, đa số là các quốc gia đến từ châu Âu (36), châu Á (25) và châu Mỹ (11). Châu Âu tiếp tục dẫn đầu phát triển chính phủ điện tử, với tất cả các quốc gia trong khu vực có giá trị EGDI rất cao (84%) hoặc cao (16%). Trong khi đó, tỷ lệ các quốc gia có giá trị EGDI cao và rất cao ở châu Mỹ (88%) vẫn cao hơn ở châu Á (83%). Các nước châu Á trong nhóm EGDI rất cao hiện chiếm 53% tổng số khu vực – chỉ đứng sau châu Âu. Nam Phi và Mauritius với các giá trị EGDI tương ứng là 0,8616 điểm và 0,7506 điểm, là những quốc gia châu Phi đầu tiên lọt vào nhóm EGDI rất cao.

Trong số các quốc gia có giá trị EGDI cao, 20 quốc gia ở châu Mỹ, 17 quốc gia ở châu Phi, 14 quốc gia ở châu Á, 7 quốc gia ở châu Âu và 4 quốc gia ở châu Đại Dương. Phần lớn các quốc gia có giá trị EGDI trung bình nằm ở châu Phi (28), tiếp theo là châu Đại Dương (8), châu Á (5) và châu Mỹ (3). Trong số 11 quốc gia có giá trị EGDI thấp, 7 quốc gia ở châu Phi, 3 quốc gia ở châu Á và 1 quốc gia ở châu Mỹ. Tất cả các quốc gia có giá trị EGDI thấp vào năm 2022 vẫn nằm trong cùng một nhóm vào năm 2024 và 4 quốc gia khác đã chuyển từ nhóm EGDI trung bình sang nhóm EGDI thấp.

Như vậy, mặc dù tất cả các khu vực đều đạt được tiến bộ trong nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng tốc độ phát triển vẫn không đồng đều và vẫn tồn tại sự chênh lệch giữa các khu vực. Châu Âu đang dẫn đầu về phát triển chính phủ điện tử, nhưng châu Á đang tiến triển nhanh hơn 4 khu vực còn lại với 53% các quốc gia trong khu vực có giá trị EGDI rất cao. Ở châu Phi, Mauritius và Nam Phi đã vươn lên nhóm EGDI cao, đánh dấu lần đầu tiên các quốc gia trong khu vực này đạt đến mức cao nhất. Tuy nhiên, hầu hết các quốc gia châu Phi đều có mức EGDI thấp hơn mức trung bình toàn cầu.

Vẫn tồn tại sự chênh lệch đáng kể về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, kết nối, kỹ năng số và mức độ sẵn sàng của chính phủ điện tử trong khu vực. Châu Đại Dương có sự thay đổi đáng kể trong phát triển số khi Úc và New Zealand vẫn là những nước dẫn đầu khu vực và toàn cầu, trong khi các quốc gia đảo nhỏ đang phát triển (SIDS) vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong tiến trình phát triển số.

Chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2024 tăng 15 bậc

Năm 2024, Việt Nam được xếp vào nhóm Chỉ số EGDI rất cao, với 0,7709 điểm, đứng thứ 71 trong tổng số 193 quốc gia được đánh giá trong Khảo sát Chính phủ điện tử lần thứ 13 của Liên Hợp quốc. Xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp thứ 5/11, tăng 1 bậc so với đánh giá năm 2022. Trước đó, Việt Nam giữ nguyên thứ hạng 86/193 trong 2 kỳ đánh giá vào năm 2020 và 2022. Riêng trong năm 2024, Việt Nam đã tăng 15 bậc.

Liên Hợp quốc khẳng định, việc các nước như Việt Nam được thăng hạng từ nhóm EGDI cao lên rất cao phản ánh thành công trong củng cố hạ tầng số, mở rộng kết nối mạng internet, áp dụng các khung chính phủ điện tử mạnh mẽ. Liên Hợp quốc đánh giá đầu tư đáng kể của Việt Nam vào dịch vụ công trực tuyến đã được phản ánh trong thứ hạng mới. Các nước có chỉ số EGDI và TII rất cao như Việt Nam có thể đẩy nhanh phát triển kỹ thuật số bằng cách cải thiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến và phát triển vốn con người./.

Quỳnh Anh

(Dịch và tổng hợp từ các nguồn: PT, United Nations, UNDESA)