Theo Ban Chỉ đạo Chương trình Xây dựng Nông thôn mới, năm 2014 là năm có chuyển biến mạnh mẽ trong xây dựng nông thôn mới, gia tăng các xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới. Tính đến đầu tháng 9 đã có 512 xã đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 327 xã so với hồi tháng 5 - thời điểm sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình.

Theo số liệu báo cáo của 59/63 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương, mức độ đạt bình quân tiêu chí/xã khoảng 9,64 tiêu chí/xã. Đến 31/8/2014, các tỉnh, thành phố được bố trí vốn trái phiếu chính phủ năm 2014 đã thực hiện được khối lượng tương đương 1,906 tỷ đồng (đạt 40% so với kế hoạch) và có 96,36% số xã đạt tiêu chí số 1 về quy hoạch nông thôn mới (tăng gần 3% so với tháng 5/2014).

Tuy nhiên, nhiều tiêu chí nông thôn mới trong thực tế đang gây lúng túng cho các đơn vị thực hiện, như: làm rõ cách tính tiêu chí thu nhập, giảm bớt quy mô nhà văn hóa thôn và có thiết kế mẫu để đảm bảo công năng theo yêu cầu…

Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới ngày 14/10, đại diện một số địa phương kiến nghị: Hạ thấp tiêu chuẩn chợ theo thiết kế của Bộ Xây dựng, hướng dẫn quy tập mộ vào khu vực tập trung, hay thiết kế nhà ở phù hợp đối với các vùng như Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên...

Đặc biệt, một số địa phương cũng mong muốn thành lập Văn phòng điều phối chương trình ở cả cấp tỉnh, huyện; còn cấp xã thì có cán bộ điều phối chuyên trách, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ lâu dài.

Trước những đề nghị này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, nên sửa đổi tiêu chí cho phù hợp với hoàn cảnh mỗi địa phương, nhưng không hạ tiêu chuẩn, chất lượng của các tiêu chí nông thôn mới để đảm bảo Chương trình được thực hiện mang hiệu quả thực chất cho đời sống của người dân.

“Việc sửa đổi các tiêu chí xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo giữ gìn được cảnh quan-văn hóa của từng vùng miền, tỉnh, thành, thậm chí là mỗi làng, bản”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Ngoài ra, các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu để sớm sửa đổi, bổ sung các tiêu chí nông thôn mới theo hướng xây dựng các tiêu chí “cứng” (các xã phải thực hiện) đi liền với xây dựng các tiêu chí “mềm” có độ “mở”. Ví dụ, do đặc điểm phân bố dân cư có thể xây dựng hay cải tạo một chợ dành nhiều xã dùng chung, thay vì xã nào cũng tự làm 1 chợ sẽ gây tốn kém...

Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh, việc hình thành bộ máy ở địa phương không được làm tăng thêm biên chế Nhà nước.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng lưu ý, các bộ, ngành tìm cách dồn nguồn lực để xử lý ô nhiễm môi trường- một vấn đề đang nổi lên ở khu vực nông thôn trong những năm gần đây, tiếp tục mở rộng sản xuất và áp dụng các hình thức sản xuất liên kết trong nông nghiệp…/.