Từ khóa: đầu tư, hạ tầng thương mại, nông thôn mới, phát triển, tiêu chí

Summary

The National Target Program on New Rural Development is an overall, comprehensive program with 19 criteria, of which rural commercial infrastructure is considered an important criterion for promoting production development and improving the quality of life of people in rural areas. After 13 years of implementing the program, the commercial infrastructure of many localities has developed dramatically, but many localities have not achieved this criterion, mainly due to the investment implementation process. This article focuses on analyzing and evaluating the status of investment in developing commercial infrastructure for developing rural areas in our country in recent time and identifying the causes of the limitations to propose appropriate solutions.

Keywords: investment, commercial infrastructure, new rural areas, development, criteria

GIỚI THIỆU

Theo tinh thần của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước về xây dựng NTM, Chính phủ Việt Nam xây dựng và triển khai trên phạm vi nông thôn toàn quốc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM. Đây là một chương trình tổng thể với với 19 tiêu chí về phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và an ninh quốc phòng trong đó sự phát triển của cơ sở HTTM nông thôn được đánh giá là tiêu chí quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng đời sống của người dân khu vực nông thôn.

Đến nay, nước ta đã kết thúc giai đoạn thứ nhất (2010-2015), thứ hai (2016 - 2020) và 3 năm đầu giai đoạn thứ ba (2021-2025) của chương trình này. Kết quả cho thấy cơ sở HTTM của nhiều địa phương đã phát triển vượt bậc so với trước đó. Tuy nhiên, bên cạnh sự đồng bộ, hiện đại của hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng tiện ích, hiện nay cơ sở HTTM ở nhiều địa phương vẫn tồn tại một số hạn chế, mà một trong những nguyên nhân chính là do những hạn chế trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng. Điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện tiêu chí số 7 trong Bộ tiêu chí NTM, dẫn đến thiếu động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn khu vực nông thôn, ảnh hưởng tới việc thực hiện được mục đích chuyển đổi mô hình sản xuất, tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân nơi đây. Chính vì thế, việc nghiên cứu để nắm bắt thực trạng và đánh giá thành công - hạn chế cũng như chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hạn chế của công tác đầu tư phát triển HTTM trong quá trình thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM để tìm ra giải pháp cho vấn đề này có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt là đối với việc thực hiện mục tiêu giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Để đạt được các mục tiêu cụ thể trong phân tích, đánh giá thực trạng công tác đầu tư phát triển HTTM phục vụ xây dựng NTM ở nước ta thời gian qua và nhận diện nguyên nhân để đề xuất một số giải pháp khắc phục, tác giả lựa chọn phương pháp nghiên cứu định tính. Trong đó:

Về phương pháp thu thập dữ liệu: Dữ liệu trong bài báo chủ yếu dựa vào việc thu thập dữ liệu thứ cấp về HTTM nông thôn và về đầu tư phát triển HTTM NTM (chủ yếu trong giai đoạn 2020-2023), trong đó: (1) Về lý thuyết, chủ yếu được tham khảo từ giáo trình, sách tham khảo, luận án tiến sĩ, đề tài nghiên cứu khoa học, bài báo khoa học…; (2) Về số liệu, chủ yếu dựa vào kết quả khảo sát, thống kê của Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thống kê...; (3) Về quan điểm, đường lối, chính sách liên quan, tác giả cũng đã tiến hành tổng hợp các văn bản pháp lý đề cập đến đầu tư phát triển HTTM NTM giai đoạn 2008-2023 (còn hiệu lực).

Về phương pháp xử lý dữ liệu: Tác giả đã sử dụng các phương pháp chỉ số, phương pháp so sánh để phân tích sự thay đổi của các chỉ tiêu, đồng thời dựa vào các phương pháp: tổng hợp, hệ thống hóa, tổng kết kinh nghiệm…để phân tích các nội dung nghiên cứu.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Tình hình thực hiện tiêu chí về cơ sở HTTM trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM

Nếu khái quát về những thành công đã đạt được, thì sau 13 năm triển khai, Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã thành công trên nhiều mặt và trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp trong toàn xã hội, có sức ảnh hưởng sâu rộng với nhiều lợi ích thiết thực, trong đó không thể không nhắc tới sự phát triển HTTM bởi qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân, thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là các khu vực còn gặp nhiều khó khăn.

Tính đến tháng 6/2023, tỷ lệ xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở HTTM nông thôn đã chiếm 95,5% tổng số xã cả nước.

Bảng: Tình hình thực hiện tiêu chí về cơ sở HTTM trong

Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM theo vùng

Đơn vị: xã

Vùng

Tổng số

Số xã đạt tiêu chí về cơ sở HTTM

Tỷ lệ xã đạt tiêu chí về cơ sở HTTM (%)

Trung du miền núi phía Bắc

2.019

1.837

91,0

Đồng bằng sông Hồng

1.733

1.733

100,0

Bắc Trung Bộ

1.380

1.293

93,7

Duyên hải Nam Trung Bộ

791

749

95,9

Tây Nguyên

590

562

95,3

Đông Nam Bộ

421

414

98,3

Đồng bằng sông Cửu Long

1.253

1.225

97,8

Nguồn: Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương

Số liệu Bảng cho thấy: tính đến giữa năm 2023, tiêu chí về cơ sở HTTM (trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2021-2025) đang được các địa phương nghiêm túc thực hiện. Số xã đạt tiêu chí này của cả nước nói chung và của từng vùng nói riêng đều đã đạt trên 90%, đặc biệt là Đồng bằng sông Hồng, tỷ lệ này đã đạt 100%. Đồng thời cũng theo báo cáo Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương nhận được từ các địa phương, về cơ bản, các cơ sở HTTM nông thôn về cơ bản được phát triển theo quy hoạch, từ đó hạn chế được tình trạng tự phát tại các địa phương, từng bước được đầu tư nâng cấp, mở rộng… phù hợp với nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, thực tế cũng không thể phủ định một số hạn chế, trong đó phải kể đến tình trạng chất lượng đạt chuẩn và công tác duy trì bền vững kết quả đạt chuẩn xã NTM của một số địa phương không cao, đặc biệt là chất lượng các công trình cơ sở HTTM ở một số địa phương đã có dấu hiệu xuống cấp sau khi đạt chuẩn không lâu…

Thực trạng đầu tư phát triển cơ sở HTTM trong phát triển NTM

Về chính sách đầu tư

Đối với HTTM nói chung: Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển thương mại trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn 2045 (trong đó có nội dung phát triển HTTM). Mục tiêu phát triển thương mại trong nước hiện đại, văn minh, tăng trưởng nhanh và bền vững là nội dung gắn với việc phát triển HTTM trong xây dựng NTM.

Đối với chợ truyền thống: Chợ nông thôn vừa là tiêu chí vừa là mục tiêu và cũng chính là động lực quan trọng là trong quá trình xây dựng và phát triển NTM nên gần đây nhận được sự quan tâm lớn của Bộ Công Thương cũng như các địa phương. Đến nay, cùng với việc quy định quy trình chuyển đổi hình thức tổ chức quản lý kinh doanh chợ, hầu hết các tỉnh đã có quy hoạch phát triển chợ và có khoảng 35 tỉnh, thành phố đã ban hành các quy định về quy trình đầu tư và chính sách ưu đãi đầu tư xây dựng chợ.

Theo Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14, ngày 08/7/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025), hiện nay bên cạnh sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, các địa phương đã được cho phép sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư vào chợ đầu mối và chợ dân sinh; Gần như toàn bộ các chợ trên toàn quốc được phép sử dụng ngân sách nhà nước để nâng cao cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các địa phương sẽ thực thi Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước để dùng những nguồn ngân sách đầu tư hàng năm được Trung ương cấp về cho địa phương và nguồn ngân sách của địa phương đầu tư phát triển chợ.

Theo Quyết định số 1214/QĐ-BC, ngày 22/6/2022 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn và xét công nhận Tiêu chí cơ sở HTTM nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, về lâu dài, chợ an toàn thực phẩm cũng là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá với NTM nâng cao. Các địa phương sẽ thực thi Luật Đầu tư, Luật Ngân sách nhà nước để dùng những nguồn ngân sách đầu tư hàng năm được Trung ương cấp về cho địa phương và nguồn ngân sách của địa phương đầu tư cho hạ tầng của chợ.

Đối với các cơ sở HTTM khác: Hiện nay, siêu thị, trung tâm thương mại chưa có trong danh mục những lĩnh vực được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư. Nhà nước đã có những chính sách ưu đãi đối với thu hút đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu HTTM ở khu vực nông thôn, nhưng hầu hết các chính sách này chưa được tuyên truyền và thông tin đầy đủ, hiệu quả.

Về kết quả đầu tư

(i) Xét về quy mô: Nhìn chung quy mô đầu tư phát triển HTTM NTM ở nước ta thời gian qua về cơ bản đã có những bước chuyển biến tốt song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của các địa phương.

(ii) Xét về cơ cấu: Cơ cấu theo nguồn vốn đầu tư: Trong 13 năm qua, cùng đặc điểm với cơ cấu huy động kinh phí đầu tư cho NTM nói chung, cơ cấu nguồn vốn đầu tư vào HTTM nông thôn nói riêng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên về cơ bản, bộ phận kinh phí đầu tư cho phát triển HTTM ở các xã thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn các tỉnh vẫn chủ yếu xuất phát từ ngân sách của địa phương và nguồn vốn xã hội hóa, chưa có vốn từ nguồn ngân sách trung ương và vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài; Tỷ lệ nguồn vốn thu hút đầu tư từ các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, người dân còn thấp.

Cơ cấu theo loại hình HTTM: Trong tổng số vốn đầu tư phát triển HTTM NTM, phần lớn tập trung cho đầu tư xây dựng mới và sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng một số loại hình chợ truyền thống. Cụ thể là trong 10 năm đầu thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM (2011-2020), tổng mức đầu tư cho loại cơ sở hạ tầng này là 6.187,4 tỷ đồng trong đó đầu tư từ ngân sách Trung ương là 648,5 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 1.906,5 tỷ đồng, doanh nghiệp và hộ kinh doanh 3.111,6 tỷ đồng và huy động từ các nguồn xã hội hóa 520,8 tỷ đồng. Theo đó, trên phạm vi cả nước đã có hơn 1.192 chợ được xây mới, 1.241 chợ được cải tạo, nâng cấp và cạnh tranh được với các kênh phân phối hiện đại. Chỉ có kinh phí hỗ trợ để thực hiện xây dựng chợ đầu mối nông sản là còn khiêm tốn.

Các loại hình hạ tầng phục vụ phân phối bán lẻ hiện đại, như: siêu thị, trung tâm thương mại, chuỗi cửa hàng tiện lợi... cũng đã được đầu tư để phát triển khá nhanh. Tuy nhiên, với vốn đầu tư hoàn toàn từ nguồn lực xã hội hóa nên quy mô đầu tư còn khiêm tốn. Theo đó, số lượng các cơ sở này hiện nay không đáng kể so với nhu cầu thực tế đông thời phần lớn là đầu tư vào cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng kinh doanh tổng hợp. Tính đến tháng 7/2022, cả nước có 757 xã có cửa hàng tiện lợi, 250 xã có trung tâm thương mại và siêu thị (chỉ lần lượt chiếm 9,12% và 3,01% tổng số xã khu vực nông thôn cả nước). Đây là một khoảng cách lớn so với khu vực thành thị đồng thời chưa đáp ứng được yêu cầu văn minh thương mại.

(iii) Xét về chất lượng: Phần lớn cơ sở hạ HTTM ở vùng nông thôn là các chợ truyền thống và trong số đó cũng chủ yếu là chỉ là chợ hạng 3, một số chợ hoạt động không hiệu quả; tình trạng chợ cóc, chợ tạm còn phổ biến; các cơ sở HTTM khác như siêu thị mini, cửa hàng tổng hợp, cửa hàng chuyên doanh xây dựng tự phát, không theo quy hoạch và có quy mô nhỏ (đa số có diện tích dưới 100 m2 (chiếm 72%), vốn đầu tư kinh doanh dưới 100 triệu đồng (chiếm tới 48%). Chỉ có khoảng 18% số cơ sở có diện tích kinh doanh từ 100-200 m2 và 10% có diện tích trên 200 m2; 30% cơ sở có quy mô vốn từ 100-300 triệu đồng, 22% cơ sở có quy mô vốn từ 300 triệu đồng[1]. Bên cạnh đó, vấn đề về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như quy mô và chất lượng đội ngũ thương nhân hoạt động thường xuyên ở chợ còn hạn chế về nhiều mặt; mô hình tổ chức và quản lý chợ còn đơn giản và hiệu quả chưa cao, vai trò của ban quản lý chợ còn nhiều hạn chế.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP

Kết luận

Một trong những mục tiêu chính của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM là “xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại” nên việc đầu tư phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng, trong đó có HTTM vô cùng quan trọng.

Với những phân tích trên đây, rõ ràng thời gian qua, việc thực hiện đầu tư xây dựng HTTM theo tiêu chí NTM đã có những thành công đáng kể, góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông sản, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã NTM. Tuy nhiên, cơ cấu nguồn vốn đầu tư còn thiếu hợp lý, việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển HTTM nông thôn chưa hiệu quả… dẫn đến chưa rút ngắn được khoảng cách về sự phát triển HTTM giữa nông thôn và thành thị.

Qua tìm hiểu, có thể khẳng định rằng những hạn chế nói trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, gồm cả khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chính bao gồm: Chính phủ và nhiều địa phương chưa thực sự quan tâm đến việc duy tu, bảo dưỡng thường xuyên đối với các cơ sở HTTM; Kinh phí thực hiện đầu tư phát triển hạ HTTM của nhiều tỉnh còn hạn hẹp; Nhiều địa phương chưa có biện pháp thực hiện xã hội hóa đầu tư phát triển HTTM một cách hợp lý; Doanh nghiệp khó tiếp cận được nguồn vốn đầu tư phát triển HTTM từ nguồn ngân sách nhà nước; Nhà đầu tư không mặn mà với việc đầu tư xây dựng, khai thác, phát triển chợ an toàn thực phẩm do chính sách xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm hiện nay chưa có sự thống nhất; do ở vùng nông thôn, quy mô thị trường nhỏ chủ yếu người dân quen với tập quán mua bán qua hệ thống các chợ truyền thống nên việc thu hút đầu tư trong và ngoài nước cho xây dựng các cơ sở HTTM khác (siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tổng hợp…) gặp khó khăn.

Khuyến nghị giải pháp

Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí về HTTM góp phần phát triển thương mại nông thôn ngày càng vững mạnh, hướng tới thực hiện mục tiêu NTM nâng cao, Chính phủ, các địa phương và hệ thống Văn phòng Điều phối NTM các cấp cần thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Về phía Chính phủ:

- Rà soát và nghiêm túc trong tổ chức thực hiện quy hoạch để hạn chế được tình trạng tự phát cũng như từng bước được đầu tư mở rộng quy mô hoạt động của các loại hình kết cấu HTTM, nâng cấp chợ.

- Xem xét, xác định tiêu chí đánh giá HTTM nông thôn để thu hút đầu tư hỗ trợ cho phát triển bộ phận kết cấu HTTM này.

- Cân nhắc, rà soát, điều chỉnh các phương án phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, trong đó có đầu tư phát triển HTTM NTM. Đặc biệt là lựa chọn đầu tư trong đó ưu tiên tập trung vốn đầu tư cho phát triển chợ đầu mối bán buôn nông sản và hạ tầng logistics.

- Có giải pháp kết nối cơ sở hạ tầng giao thông liên vùng, kết nối cao tốc để tạo sự giao thương và rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng miền, địa phương nói chung và về HTTM nói riêng.

- Đối với những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn, cơ sở HTTM còn lạc hậu, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt và tăng kỳ hạn giao vốn đầu tư cho các địa phương lên 5 năm để để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải ngân và khai thác nguồn vốn hiệu quả.

- Sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách hiện hành theo hướng bổ sung siêu thị, trung tâm thương mại vào danh mục lĩnh vực được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư.

- Tăng cường tuyên truyền và thông tin những chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với thu hút đầu tư phát triển, hiện đại hóa kết cấu HTTM ở khu vực nông thôn.

Về phía các địa phương:

- Chủ động cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo cơ chế phù hợp để thu hút các nguồn lực xã hội khác cùng tham gia xây HTTM theo phương thức xã hội hóa với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm trên cơ sở hài hòa các lợi ích; phát huy vai trò chủ thể và huy động nguồn vốn của người dân theo nguyên tắc tự nguyện bằng nhiều hình thức khác nhau (hiến đất, đóng góp ngày công lao động, vật tư…); tạo điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh cá thể tham gia góp vốn đầu tư xây dựng, nâng cấp mạng lưới chợ.

- Phân bổ lại nguồn kinh phí huy động được để đầu tư cho: (1) Duy tu, sửa chữa, nâng cấp, hiện đại hóa chợ truyền thống sau đạt chuẩn NTM để đảm bảo tính bền vững của các tiêu chí và đảm bảo chợ nông thôn gắn bó mật thiết với sản xuất và đời sống của nông dân, là nơi tiêu thụ sản phẩm chủ yếu của các doanh nghiệp và hộ gia đình ở nông thôn; (2) Xây mới các cơ sở HTTM khác, như: siêu thị mini, cửa hàng tổng hợp, cửa hàng chuyên doanh… (nhằm đáp ứng được yêu cầu văn mình thương mại) và chợ thí điểm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó nhân rộng khi thí điểm thành công.

- Sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả kinh phí đầu tư phát triển HTTM NTM, tránh tình trạng thất thoát, lãng phí hoặc đầu tư dàn trải, trùng lặp.

Về phía các Văn phòng Điều phối NTM các cấp:

- Tập trung phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan tham mưu cho cấp có thẩm quyền trong việc phân bổ kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM nói chung và tiêu chí HTTM nói riêng.

- Vận động các nhà tài trợ quốc tế, các doanh nghiệp hỗ trợ nguồn lực và vận động người dân tiếp tục tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng chợ nông thôn, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng kinh doanh tổng hợp trên địa bàn địa phương.

- Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn ngân sách trung ương được giao trong năm; Vận động các Tổ chức phi chính phủ tích cực chia sẻ kinh nghiệm thực hiện tiêu chí HTTM để các địa phương có thể rút ra bài học kinh nghiệm phù hợp áp dụng cho địa phương./.

TS. Vũ Thị Hồng Phượng

Bộ môn Quản lý kinh tế - Khoa Kinh tế - Trường Đại học Thương mại

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 01, tháng 01/2024)


Tài liệu tham khảo

1. Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dưng NTM (2020), Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020.

2. Bộ Công Thương (2022), Quyết định số 1214/QĐ-BCT, ngày 22/6/2022 về việc hướng dẫn và xét công nhận Tiêu chí cơ sở HTTM nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

3. Bộ Công Thương (2022), Quyết định số 1214/QĐ-BCT, ngày 22/6/2022 về việc hướng dẫn và xét công nhận Tiêu chí cơ sở HTTM nông thôn trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025

4. Chính phủ (2022), Quyết định 318/QĐ-TTg, ngày 08/3/2022 ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025.

5. V. Đ. Thắng. H. V. Định (2008), Giáo trình kinh tế phát triển nông thôn, Nxb Thống kê.


[1] Kết quả Điều tra nông nghiệp nông thôn năm 2020