Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam
Theo Quyết định 2072/QĐ-TTg, phấn đấu đến năm 2020, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua tối thiểu khoảng 15%-20% nhu cầu hàng hoá vận tải công - ten - nơ thông qua hệ thống cảng biển, năng lực thông qua 4.035.000-6.845.000 TEU/năm, trong đó miền Bắc đạt 720.000-1.810.000 TEU/năm, miền Trung đạt 65.000-175.000 TEU/năm, miền Nam đạt 3.250.000-4.860.000 TEU/năm.
Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 |
Đến năm 2030, phát triển hệ thống cảng cạn có khả năng thông qua tối thiểu khoảng 25%-30% nhu cầu hàng hoá vận tải công - ten - nơ thông qua hệ thống cảng biển, năng lực thông qua khoảng 12.000.000-17.600.000 TEU/năm, trong đó miền Bắc đạt khoảng 2.750.000-4.820.000 TEU/năm, miền Trung đạt khoảng 350.000-630.000 TEU/năm, miền Nam đạt khoảng 8.900.000-12.150.000 TEU/năm.
Quyết định cũng quy định rõ, khu vực miền Bắc quy hoạch phát triển 6 cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, gồm: Khu vực kinh tế ven biển; hành lang kinh tế Hà Nội - Lào Cai; Hành lang kinh tế Hà Nội - Lạng Sơn; Khu vực kinh tế Tây Bắc Hà Nội; Khu vực kinh tế Đông Nam Hà Nội; Hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Cao Bằng.
Khu vực miền Trung - Tây Nguyên, quy hoạch phát triển cảng cạn tại các các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, gồm: Hành lang kinh tế Đường 9; Khu vực kinh tế Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế, Đường 14; Hành lang kinh tế Đường 19; Khu vực Tây Nguyên; Khu kinh tế Nghi Sơn; Hành lang kinh tế Đường 8, Đường 12A.
Khu vực miền Nam, quy hoạch phát triển cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, gồm: Khu vực kinh tế Đông Bắc TP. Hồ Chí Minh; Khu vực kinh tế Tây Nam TP. Hồ Chí Minh; Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Quyết định, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển cảng cạn đến năm 2020 khoảng 09 -15 nghìn tỷ đồng, giai đoạn 2020-2030 khoảng 20-22 nghìn tỷ đồng.
Giai đoạn từ nay đến năm 2020, tập trung đầu tư một số cảng cạn trên các hành lang vận tải kết nối với các cửa khẩu cảng biển lớn ở khu vực phía Bắc (cảng Hải Phòng) và khu vực phía Nam (cảng TP. Hồ Chí Minh, Cái Mép - Thị Vải), các cảng cạn gắn với các hành lang vận tải qua biên giới.
Ưu tiên đầu tư cảng cạn có vị trí kết nối được với hai phương thức vận tải, các vị trí gắn liền hoặc nằm gần các cụm khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung, các trung tâm logistics cấp I đã được quy hoạch, các cửa khẩu quốc tế lớn về đường bộ.
Ngoài ra, Quyết định điều chỉnh phê duyệt quy hoạch cũng đề ra một số giải pháp và cơ chế, chính sách chủ yếu, như: Tăng cường quản lý nhà nước đối với phát triển cảng cạn; Huy động tối đa mọi nguồn lực để phát triển hệ thống cảng cạn và hệ thống giao thông kết nối; Kết hợp quy hoạch phát triển cảng cạn và trung tâm logistics; Tăng cường sự tham gia của vận tải đường sắt, đường thuỷ nội địa vào lĩnh vực vận tải công - ten - nơ và phát triển cảng cạn; Bố trí quỹ đất phù hợp để phát triển cảng cạn.../.
Bình luận