Ngày 9/5/2018, tại Hà Nội, Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp với Tập đoàn IEC Group - Australia tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Australia trong bối cảnh CPTPP”.

Toàn cảnh Hội thảo

Nhiều tiềm năng và lợi thế

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Phúc Nam, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, “Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được ký kết vào ngày 8/3/2018 hứa hẹn đem lại nhiều lợi ích kinh tế cho với 11 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam”. Việc nằm trong nhóm các nước CPTPP được dự báo sẽ thúc đẩy Việt Nam cải cách mạnh mẽ hơn trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là ngành dệt may.

Sau những thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao, như: Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia sẽ là mục tiêu tiếp theo của ngành dệt may để tăng nhanh giá trị xuất khẩu. Theo đó, khi Australia là thành viên của CPTPP, việc đầu tư khai thác đơn hàng xuất khẩu vào Australia càng có cơ hội phát triển.

Theo cam kết trong hiệp định CPTPP, Australia sẽ giảm thuế nhập khẩu về 5% ngay trong 3 năm đầu tiên kể từ khi Hiệp định có hiệu lực và về 0% từ năm thứ tư đối với hầu hết các sản phẩm thuộc nhóm HS 6203, HS 6204, HS 6206. Đối với sản phẩm thuộc mã HS 6205 sẽ về 0% ngay từ năm đầu tiên Hiệp định có hiệu lực. Trong khi đó, mức thuế nhập khẩu MFN đối với các sản phẩm này là 10%. Đây là một lợi thế cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường đầy tiềm năng này.

Theo đánh giá của ông Trương Văn Cẩm, Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu hàng dệt may năm 2017 của khối CPTPP đạt trên 53 tỷ USD, trong đó, Australia là thị trường nhập khẩu dệt may lớn thứ 3 với kim ngạch trên 6,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 11,67% của toàn khối. Riêng kim ngạch nhập khẩu sản phẩm dệt may của Australia tăng trưởng trung bình 3%-5%/năm trong 5 năm qua. Năm 2017, Australia nhập khẩu khoảng 9,32 tỷ USD các sản phẩm dệt may từ thế giới.

"Những con số trên cho thấy, tiềm năng phát triển xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam vào khối CPTPP, đặc biệt là thị trường Australia là rất lớn", ông Cẩm nói.

Bên cạnh đó, thị trường Australia có giá bán lẻ hàng hóa nói chung và hàng dệt may nói riêng thường rất cao, thậm chí với hàng cao cấp, giá bán lẻ có thể gấp 9-10 lần giá Việt Nam giao cho khách hàng. Hơn nữa, người tiêu dùng Australia rất “chịu chi”, cởi mở đối với hàng hóa nhập khẩu.

Ông Rajesh Bahl, Quản lý dự án IEC Group – Australia cũng chia sẻ, người tiêu dùng Australia rất thích hàng Việt Nam, bởi ngoài chất lượng sản phẩm thì hàng dệt may của Việt Nam còn được vận chuyển thuận lợi, đơn giản và nhanh chóng.

Cần nhiều nỗ lực từ doanh nghiệp

Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang thị trường Australia mới chỉ đạt 173 triệu USD, tương đương 1,9% tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may của Australia.

Ngoài ra, Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ Trung Quốc khi kim ngạch nhập khẩu dệt may của Australia từ thị trường này chiếm hơn 60%. Nguyên nhân chính là, các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận thị trường Australia sớm hơn doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp nước ta không dễ cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc. Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang tích cực thâm nhập vào thị trường này.

Do đó, để thúc đẩy, gia tăng thị phần xuất khẩu vào thị trường này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có những chiến lược hiệu quả. Theo ông Nguyễn Phúc Nam, “để thâm nhập có hiệu quả hơn nữa đối với thị trường Australia, các doanh nghiệp Việt Nam không những phải tích cực quảng bá, tiếp cận thị trường, mà còn cần hiểu đặc điểm của thị trường Australia”.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu. Ngoài ra, cần chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng Australia và cạnh tranh được với hàng hóa của các quốc gia khác.

Ông Trần Văn Quyến, đại diện Công ty Woolmark (Australia) tại Việt Nam cho hay, sức mua của người Australia thậm chí lớn hơn người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, đơn hàng từ Australia thường nhỏ do hình thức bán hàng chủ yếu là kinh doanh trực tuyến. Tâm lý của các cửa hàng là lấy hàng về bán ngay, chứ không để tồn kho. Vì vậy, đây là đặc điểm mà doanh nghiệp cần lưu ý khi chọn khối lượng đơn hàng để xuất khẩu vào Australia.

Ngoài ra, ông Trương Văn Cẩm cũng lưu ý, cần tiếp tục kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm, hình thành các chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp dệt may của hai nước, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ thế hệ mới để thích ứng với Cách mạng Công nghiệp 4.0, đào tạo nguồn nhân lực (cán bộ kỹ thuật, công nghệ cho các khâu dệt, nhuộm, thiết kế thời trang…)./.