Thách thức về quy định “gỗ hợp pháp”

Trong những năm qua, EU luôn được đánh giá là một trong những thị trường tiềm năng trong việc xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của doanh nghiệp Việt Nam (chiếm 15,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ Việt Nam).

Hiện nay, Việt Nam và EU đang đàm phán Hiệp định VPA/FLEGT và dự kiến sẽ kết thúc vào cuối năm nay. Việc đàm phán VPA/FLEGT được cho là nhằm đảm bảo tính bền vững của ngành chế biến và xuất khẩu gỗ Việt Nam, giúp thuận lợi trong tiếp cận thị trường EU và các thị trường khác.

Tuy nhiên, việc đáp ứng được yêu cầu về “gỗ hợp pháp” (tức là, tất cả gỗ, sản phẩm gỗ chế biến và xuất khẩu từ Việt Nam sang EU được cung cấp và sản xuất hợp pháp) có trong Hiệp định đang là vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp của Việt Nam. Bởi, hiện nay gỗ trong nước mới đáp ứng được khoảng 40%-50% nhu cầu nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, phần còn lại các doanh nghiệp phải nhập khẩu từ nhiều quốc gia trên thế giới với mức độ rủi ro về khai thác gỗ bất hợp pháp khác nhau.

Bên cạnh đó, việc xác định xem thị trường gỗ nhập khẩu nào đáng tin cậy, có nguồn gốc gỗ hợp pháp để các doanh nghiệp ký hợp đồng nhập khẩu đây có thể sẽ làm giá gỗ nguyên liệu tăng, đẩy giá thành lên cao hơn và các doanh nghiệp chế biến gỗ nước ta sẽ gặp bất lợi trong cạnh tranh về giá so các nước, như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Đài Loan…

Ngoài ra, đối với nguyên liệu gỗ rừng trồng ở trong nước về mặt lý thuyết là gỗ hợp pháp, nhưng việc thực hiện các thủ tục pháp lý, hành chính… để chứng minh là gỗ hợp pháp không hề đơn giản trong bối cảnh việc thực hiện thủ tục hành chính, thực thi các chính sách của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần cải thiện.

Cần phải làm gì?

Để đáp ứng các tiêu chuẩn của VPA/PLEGT, theo ông Huỳnh Văn Hạnh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), doanh nghiệp chế biến gỗ cần phải tìm hiểu rõ đâu là thị trường có nhiều rủi ro, đâu là thị trường gỗ đã được cấp chứng chỉ FSC (Chứng chỉ quản lý rừng bền vững).

Đồng thời, doanh nghiệp gỗ cũng cần thiết lập một hệ thống quản lý để điều tra hành trình sản phẩm và cung cấp cam kết bảo đảm trên văn bản rằng không sử dụng, mua bán gỗ có nguồn gốc bất hợp pháp.

Với vai trò là hiệp hội, ông Hạnh cho rằng, thời gian tới, Hội sẽ nắm bắt thông tin về các thị trường để truyền tải đến các doanh nghiệp cũng như diễn biến tình hình đàm phán VPA/FLEGT. Đồng thời đưa ra các thông tin để cảnh báo thị trường gỗ nhập khẩu có nhiều rủi ro và thông tin lại cho các cơ quan quản lý nhà nước những vấn đề nào doanh nghiệp đã sẵn sàng thực thi theo VPA/FLEGT (Thu Hường, 2015).

Ở góc độ khác, ông Nguyễn Tiến Quang, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Đà Nẵng lại cho rằng, trước mắt, các doanh nghiệp ngành gỗ cần phải tăng cường nhận thức, cập nhật về Hiệp định VPA/FLEGT, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ với doanh nghiệp cung ứng gỗ, trồng rừng để xây dựng chuỗi cung ứng nhằm chủ động nguyên liệu, đáp ứng yêu cầu của VPA/FLEGT.

Song song với đó, các doanh nghiệp Việt cũng cần hoàn thiện chuỗi cung ứng với các doanh nghiệp các nước xuất khẩu nguyên liệu có mức độ rủi ro thấp về khai thác gỗ bất hợp pháp để chủ động hơn về nguồn nguyên liệu nhập khẩu cho ngành gỗ trong thời gian tới.

Ngoài ra, về phía cơ quan nhà nước, ông Quang cũng cho rằng, Nhà nước cần có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ; tiếp tục ban hành, thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ xây dựng chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến gỗ và người trồng rừng, để trồng và khai thác rừng hợp pháp, cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vốn cho hộ gia đình nhỏ lẻ trồng rừng; hỗ trợ người trồng rừng, doanh nghiệp trồng rừng thực hiện các thủ tục pháp lý nhằm chứng minh tính hợp pháp của gỗ rừng trồng…(Doãn Hiền, 2016)./.

Tham khảo từ:

Doãn Hiền (2016). Ngành gỗ Việt Nam cần xây dựng những bước đi phù hợp, truy cập từ http://enternews.vn/nganh-go-viet-nam-can-xay-dung-nhung-buoc-di-phu-hop.html

Thu Hường (2015). Hiệp định VPA/FLEGT: Để gỗ Việt vươn xa, truy cập từ http://baocongthuong.com.vn/hiep-dinh-vpaflegt-de-go-viet-nam-vuon-xa.html