Doanh nghiệp FDI phát huy tinh thần “3 tiên phong” cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững
Khu vực FDI tiên phong đồng hành cùng Việt Nam chuyển đổi xanh
Đánh giá cao kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp khó lường, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) nhận định, Việt Nam tiếp tục có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới. EuroCham nhấn mạnh, đây là một thành tựu đáng chúc mừng, bên cạnh đó, cũng nêu bật mục đích trọng tâm không chỉ là duy trì tăng trưởng, mà còn phải vượt qua các rào cản hiện tại và dự đoán những trở ngại trong tương lai.
Theo đó, ưu tiên hàng đầu của EuroCham và Tiểu ban Tăng trưởng Xanh là thúc đẩy các chiến lược tăng trưởng xanh cùng Việt Nam, chẳng hạn như: cải thiện quản lý chất thải, nâng cao nhận thức cộng đồng và tiên phong trong các giải pháp chống ô nhiễm nhựa. Các sáng kiến chính EuroCham đề xuất để đạt được điều này bao gồm: ưu đãi thuế để thưởng cho các hoạt động kinh doanh bền vững và sử dụng nhựa thải tái chế trong các dự án xây dựng đường bộ. “Mục đích của chúng tôi muốn khẳng định các chính sách ưu tiên quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp châu Âu được đưa ra với mục đích không chỉ là để đối đầu với những thách thức, mà còn biến chúng thành chất xúc tác cho tăng trưởng, đổi mới và tăng cường quan hệ đối tác Việt Nam - châu Âu”, đại diện EuroCham cho biết.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam bày tỏ hoan nghênh cam kết của Việt Nam cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và phát triển bền vững. Ảnh: VGP |
Ông Denzel Eades, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Anh Quốc tại Việt Nam (BritCham) bày tỏ hoan nghênh cam kết của Việt Nam cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và phát triển bền vững, cũng như những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện chương trình nghị sự này, đồng thời khẳng định khu vực tư nhân Vương quốc Anh sẵn sàng đóng góp đáng kể trong các lĩnh vực quan trọng như: năng lượng, tài chính, dược phẩm và hàng tiêu dùng.
Theo Phó Chủ tịch BritCham, việc thông qua Quy hoạch Phát triển Điện lực 8 (PDP8) gần đây cho thấy, cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc khử cacbon. “Để phù hợp với mục tiêu chung về tính bền vững, chúng tôi khuyến nghị triển khai nhanh chóng PDP8, đặc biệt liên quan đến phát triển LNG, năng lượng mặt trời và gió cùng với việc xây dựng các quy định pháp lý cho phép việc thực hiện, ví dụ như các quy định liên quan đến Hợp đồng mua bán điện trực tiếp (DPPA). Để hỗ trợ thêm cho sáng kiến này, chúng tôi khuyến nghị triển khai phối hợp Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) phù hợp với PDP8 và đảm bảo tính sẵn sàng của các dự án thí điểm cụ thể, đặc biệt là về năng lượng gió ngoài khơi”, ông Denzel Eades bày tỏ. Ông cùng khẳng định khu vực tư nhân Vương quốc Anh cam kết hỗ trợ chính phủ Việt Nam trong các nỗ lực bền vững, ủng hộ việc xây dựng và thực hiện Trách nhiệm mở rộng nhà sản xuất (EPR) và thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa.
Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch JCCI cho biết, với việc Nhật Bản và Việt Nam đã nâng cấp quan hệ lên "Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới", JCCI sẽ tích cực tham gia các chương trình nghị sự quan trọng do Chính phủ Việt Nam thúc đẩy như: giảm phát thải carbon, đổi mới sáng tạo và tăng cường chuỗi cung ứng. Ông cũng khẳng định các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn Việt Nam có những bước đi thiết thực và mạnh mẽ hơn nữa trong việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; phát triển hạ tầng; tiếp tục quan tâm giải quyết tốt vấn đề an sinh xã hội để thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Tại phiên thảo luận trong khuôn khổ Diễn đàn, các doanh nghiệp, chuyên gia và đại diện các hiệp hội đã tập trung thảo luận, trao đổi và chia sẻ các giải pháp chuyển đổi xanh gắn với tăng trưởng bền vững trong hành trình triển khai hiện thực hóa mục tiêu ESG. Đặc biệt, các doanh nghiệp FDI tiêu biểu đã chia sẻ các thông lệ tốt nhất trong việc lồng ghép chiến lược tăng trưởng xanh trong hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như các kế hoạch trong tương lại thực hiện ESG. Đại diện Công ty Erex (Nhật Bản) cho biết, đang có kế hoạch triển khai xây dựng nhà máy điện sinh khối tại 18 địa điểm phân bổ tại các tỉnh của Việt Nam, nhằm góp phần phát triển kinh tế địa phương và tạo việc làm trong khu vực. Erex bày tỏ mong muốn được đóng góp vào nỗ lực chuyển đổi nhiên liệu cho các nhà máy nhiệt điện than tại Việt Nam, đồng thời cho biết, đã ký kết MOU với đối tác phía Việt Nam là Tổng Công ty điện lực TKV (Vinacomin Power) và tiến hành hoạt động nhằm từng bước chuyển đổi nhiên liệu. “Hoạt động này đã nhận được sự hỗ trợ từ NEDO và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nhật Bản. Có thể mất một thời gian để điều này thành hiện thực, nhưng chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ”, đại diện doanh nghiệp khẳng định.
Là doanh nghiệp FDI tiếp tục dẫn đầu trong Top 100 "Doanh nghiệp Bền vững năm 2023” trong lĩnh vực sản xuất và nằm trong Top 5 Doanh nghiệp tiên phong thực hiện kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải cacbon, đại diện Nestlé Việt Nam khẳng định, đã và đang nỗ lực không ngừng thực hiện các giải pháp và sáng kiến trên tất cả các phương diện gồm: môi trường, xã hội và quản trị, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của đất nước. Thông qua sự hợp tác chặt chẽ với các đối tác tại Việt Nam, Nestle Việt Nam khẳng định đã và đang đóng góp mọi nỗ lực để đã tạo ra các tác động tích cực với cộng đồng, môi trường. Cụ thể, tháng 6/2023, Nestlé Việt Nam đã ký kết MOU với Bộ Nông Nghiệp Và Phát Triển nông thôn, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, nông nghiệp tái sinh và phát thải thấp. Theo đó, ghi nhớ hợp tác giữa Nestlé Việt Nam và cơ quan này nhằm thúc đẩy và chia sẻ các thực hành nông nghiệp tái sinh, nông nghiệp phát thải thấp, ứng phó biến đổi khí hậu; tăng cường chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, phát triển và chuyển đổi số, hợp tác đa bên. Cũng trong năm 2023, Nestlé Việt Nam đã chính thức khởi động dự án “Canh tác cà phê bền vững theo mô hình nông lâm kết hợp” tại Việt Nam, nhằm trồng hơn 2,3 triệu cây góp phần giảm hấp thu và lưu trữ khoảng 480.000 tấn CO2 trong giai đoạn 5 năm (2023 - 2027) và dự án này đang được triển khai tích cực trong năm 2024, cũng như thời gian tới nhằm lan tỏa các mô hình thông lệ tốt tới hoạt động canh tác của người nông dân.
Nguồn lực quan trọng thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng
Phát biểu tại sự kiện Hội nghị và Diễn đàn VBF 2024 với chủ đề Doanh nghiệp FDI tiên phong thực hiện tăng trưởng xanh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn và Hội nghị, cũng như các ý kiến đóng góp trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và sự thẳng thắn của các đại biểu trong đánh giá tình hình, phân tích nguyên nhân và nêu các đề xuất, kiến nghị. Thủ tướng cho rằng, phát biểu của các đại biểu đều cho thấy tinh thần "3 cùng", đó là: cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế nói chung và phát triển xanh nói riêng; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển. Trên cơ sở đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp cùng Văn phòng Chính phủ cùng các cơ quan liên quan tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để xây dựng, hoàn thiện và trình ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng trưởng xanh.
Đánh giá tổng thể tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất nhanh và khó lường, khó khăn, thách thức nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, với các nguy cơ phân hóa, chia rẽ, khủng hoảng niềm tin, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng lương thực, Thủ tướng bày tỏ hy vọng, tình hình sẽ thuận lợi hơn trong thời gian tới, đồng thời khẳng định Việt Nam không chủ quan, lơ là mà luôn bình tĩnh, giữ vững bản lĩnh, kiên định để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống, khó khăn, thách thức có thể xảy ra.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao việc tổ chức Diễn đàn và Hội nghị, cũng như các ý kiến đóng góp trí tuệ, tinh thần trách nhiệm và sự thẳng thắn của các đại biểu. Ảnh: VGP |
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh, trong bối cảnh rất khó khăn, thách thức, nhờ sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, là một điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, ADB dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 là 6%, Ngân hàng HSBC dự báo 6,3%; Ngân hàng Standard Chartered dự báo 6,7%; S&P dự báo 6,8%...
Đáng chú ý, mặc dù xu hướng FDI trên toàn cầu suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một điểm sáng trong thu hút FDI. Năm 2023, thu hút FDI đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 3,5%. Trong 2 tháng đầu năm 2024, thu hút FDI đạt 4,3 tỷ USD, tăng 38,6%; vốn FDI thực hiện đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8%. Tính đến cuối tháng 2/2024, hiện còn trên 39,5 nghìn dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 473 tỷ USD. Có 145 nước và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài và thu hiệu quả. Môi trường đầu tư, kinh doanh không ngừng được cải thiện, xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc trong năm 2023 theo đánh giá của Tạp chí Nhà kinh tế (Tổ chức EIU). Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu được nâng lên (xếp hạng 46/132, tăng 2 bậc so với năm 2022 theo đánh giá của WIPO). Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 431 tỷ USD, đứng 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới.
Ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp của khu vực FDI, Thủ tướng nhấn mạnh, không chỉ về số lượng, khu vực FDI có những đóng góp quan trọng, góp phần cải thiện chất lượng của nền kinh tế Việt Nam, là một động lực quan trọng góp phần thúc đẩy đổi mới, nâng cao chất lượng pháp luật, cơ chế, chính sách, khả năng quản trị quốc gia. Đầu tư của các doanh nghiệp FDI là nguồn lực quan trọng, vừa bổ sung vốn, vừa thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao. Hoạt động ngày càng nhiều của các tập đoàn đa quốc gia, quy mô lớn, công nghệ hiện đại góp phần nâng cấp công nghệ, kỹ năng quản lý, cải thiện vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, Việt Nam rất coi trọng công tác tham mưu chính sách của các doanh nghiệp FDI. Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe, chia sẻ với các đối tác, nhà đầu tư, cùng góp phần vì môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển.
Khắc phục các hạn chế, bất cập, khẳng định niềm tin vào doanh nghiệp FDI
Bên cạnh ghi nhận những đóng góp to lớn của khu vực FDI, Thủ tướng cũng thẳng thắn đề cập khu vực FDI còn có một số tồn tại, hạn chế như: chất lượng đầu tư, trình độ công nghệ và chuyển giao công nghệ ở một số dự án còn hạn chế; tỷ lệ nội địa hóa còn thấp; sự liên kết giữa khu vực doanh nghiệp trong nước và khu vực FDI còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả, bền vững. Số lượng, quy mô các dự án đầu tư vào công nghệ cao, xanh, sạch, thân thiện môi trường còn khiêm tốn. Còn có tình trạng một số địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho các dự án FDI quy mô lớn, công nghệ cao; còn phát sinh những bất cập trong quan hệ lao động… Nguyên nhân có cả hai chiều, về phía Việt Nam cần khắc phục; bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn các doanh nghiệp nước ngoài, các đối tác tiếp tục cải thiện vốn đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số; chuyển giao công nghệ phục vụ tăng trưởng xanh; góp phần xây dựng thể chế để phát triển xanh, chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực, quản trị tiên tiến cho phát triển xanh, tăng trưởng xanh.
Phân tích các bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, cần phải bám sát tình hình quốc tế, trong nước để chủ động điều chỉnh phù hợp các cơ chế, chính sách thu hút FDI, bảo đảm linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phù hợp tình hình Việt Nam và xu thế thế giới. Phải tập trung xây dựng và thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm sự hấp dẫn, công khai, minh bạch, có khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Cần thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, có sức lan tỏa lớn, thân thiện môi trường, tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và các ngành, lĩnh vực mới nổi (chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…) và tham gia sâu rộng vào các chuỗi sản xuất, cung ứng khu vực, toàn cầu.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "3 tiên phong". Ảnh: VGP |
Thủ tướng nhấn mạnh, tại diễn đàn WEF Davos (Thuỵ Sĩ) vừa qua có thảo luận nhiều về vấn đề tái thiết lòng tin, do đó, Việt Nam đưa ra 3 nội dung: củng cố lòng tin chiến lược giữa các quốc gia thông qua tăng cường đối thoại; thực hiện các cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc; lấy đoàn kết thay cho chia rẽ, lấy đối thoại thay cho đối đầu, lấy hợp tác thay cho xung đột. Thúc đẩy cải cách, tiếp cận toàn cầu, toàn dân trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, nhất là trong hậu quả đại dịch Covid-19, giải quyết vấn đề già hóa dân số, biến đổi khí hậu, hạn chế xung đột… Đây đều là những vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, do đó phải có cách giải quyết mang tính toàn toàn cầu, toàn dân, không để ai bị bỏ lại phía sau trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, tăng cường hợp tác.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể, luôn làm tốt bình đẳng xã hội, an sinh xã hội. "Chúng tôi có niềm tin vào các doanh nghiệp FDI. Niềm tin thứ hai là Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 193 quốc gia, trong đó có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện hoặc đối tác chiến lược với tất cả 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, 7 nước thành viên G7, 16 thành viên G20; ký 16 FTA với hơn 60 nước. Thứ ba, chúng tôi có niềm tin vào sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong nhân dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế. Thứ tư là niềm tin vào truyền thống của dân tộc càng áp lực lại càng nỗ lực. Niềm tin thứ năm là sự nỗ lực của doanh nghiệp, người dân cùng Nhà nước vượt qua khó khăn, thách thức", Thủ tướng chia sẻ.
Tăng cường hợp tác chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”
Chia sẻ trước cộng đồng doanh nghiệp FDI và các nhà đầu tư, Thủ tướng cho biết, mục tiêu chiến lược của Việt Nam là phấn đấu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng) là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập Nước) là nước phát triển, có thu nhập cao. Năm 2024 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030. Kết quả năm 2024 phải tốt hơn năm 2023 như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Mục tiêu tổng quát của năm 2024 là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; tăng cường quốc phòng - an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước. Để thực hiện được mục tiêu này, cần phát huy hơn nữa vai trò của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, trong đó có khu vực FDI. Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, là động lực và là mục tiêu của sự phát triển; đồng thời không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Sử dụng phương thức tiếp cận toàn dân, toàn cầu, toàn diện trên tinh thần "lợi ích hài hòa - rủi ro chia sẻ".
Chia sẻ quan điểm tăng trưởng xanh, Thủ tướng cho biết, Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một trong 2 yếu tố cốt lõi (cùng với chuyển đổi số) của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và phát triển nhanh, bền vững; kiên quyết không chấp nhận mô hình “tăng trưởng trước, dọn dẹp sau”; không tăng trưởng bằng mọi giá; chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển hệ sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, carbon thấp, chuyển đổi năng lượng... Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đây là xu thế tất yếu và là mục tiêu của mọi quốc gia, là một động lực tăng trưởng mới; không quốc gia nào có thể đứng ngoài tiến trình này.
Trên tinh thần đó, Việt Nam đã tham gia tích cực, có trách nhiệm trong thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững: cam kết tại Hội nghị COP26 về phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050; tham gia Sáng kiến Phát thải ròng bằng 0 châu Á (AZEC); Tuyên bố Chính trị thiết lập Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP)…; ban hành nhiều Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch về chuyển đổi xanh như: Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; Quy hoạch điện VIII…; đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long; triển khai Kế hoạch "Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030", đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt 1 triệu ha, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai…
Đẩy mạnh chuyển đổi xanh theo tinh thần “3 tiên phong”
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị và mong muốn các doanh nghiệp FDI tiếp tục đồng hành, hỗ trợ Việt Nam về 5 yếu tố: Nguồn vốn, thể chế, công nghệ, quản trị, đào tạo nhân lực. Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp FDI, nhà đầu tư nước ngoài đồng hành cùng Việt Nam thực hiện chuyển đổi xanh, phát triển bền vững với tinh thần "3 tiên phong".
Một là, tiên phong trong nhận thức, tư duy và hành động, đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về tăng trưởng xanh.
Hai là, tiên phong trong chuyển giao công nghệ, thúc đẩy nghiên cứu phát triển, đổi mới sáng tạo phục vụ tăng trưởng xanh.
Ba là, tiên phong trong triển khai thực hiện các dự án tăng trưởng xanh cụ thể, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và bổ sung các động lực tăng trưởng mới.
Cùng với đó, Thủ tướng mong muốn các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng Việt Nam theo tinh thần "3 đẩy mạnh".
Một là, đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, tham vấn chính sách cho Việt Nam, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như chuyển đổi xanh, phát triển số.
Hai là, đẩy mạnh hỗ trợ tài chính, hỗ trợ kỹ thuật cho Việt Nam, tập trung vào các dự án có tính lan tỏa, đột phá, xoay chuyển tình thế, tìm kiếm và kết nối với các đối tác phù hợp, chú trọng huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài chính xanh.
Ba là, đẩy mạnh hợp tác về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho Việt Nam, nhất là lực lượng lao động chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế trụ cột, các lĩnh vực quan trọng, mới nổi.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng đại diện các doanh nghiệp FDI tiêu biểu tại Việt Nam. Ảnh: VGP |
Về phía Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ có “3 bảo đảm”: thứ nhất là đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp FDI nói riêng, bảo đảm cho doanh nghiệp FDI ổn định và phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, xu thế lớn của thời đại như chống biến đổi khí hậu, già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên; thứ hai là bảo đảm về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài; thứ ba là bảo đảm ổn định về năng lượng, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hệ sinh thái về chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số.
Thực hiện “3 đẩy mạnh” đột phá chiến lược gồm: (i) Đột phá về thể chế phục vụ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, (ii) Đột phá về hạ tầng kinh tế, xã hội, y tế, giao thông, giáo dục, hạ tầng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; (iii) Đột phá về nhân lực. Đồng thời, thực hiện "3 tăng cường" gồm: (1) Tăng cường lòng tin giữa doanh nghiệp với Chính phủ và các cấp chính quyền; (2) Tăng cường tính công khai, minh bạch, bình đẳng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; (3) Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hướng vào chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, hợp tác công tư. Thủ tướng cũng khẳng định, không để thiếu điện với nhiều giải pháp khác nhau, trong đó có việc triển khai khuyến khích cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Với tinh thần hợp tác cùng thắng, Thủ tướng nêu rõ, trong quá trình phát triển, có cái được, chưa được, các doanh nghiệp FDI cũng có cái được, chưa được, nhưng quan trọng là chúng ta cùng chia sẻ, thấu hiểu, bảo đảm lợi ích, từ đó tìm ra giải pháp tháo gỡ. "Việc hợp tác có được và chưa được nhưng quan trọng nhất là cùng nhau chia sẻ, thấu hiểu thì những vướng mắc dù lớn hay nhỏ đều có thể được giải quyết", Thủ tướng nói và đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư "đã nói thì phải làm, đã cam kết thì phải thực hiện, đã thực hiện thì phải có kết quả thực chất, cân - đong - đo - đếm được".
“Chính phủ Việt Nam cam kết luôn đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước với tinh thần: Lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ; Cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng tại Diễn đàn, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã trao Bằng khen của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tặng một số doanh nghiệp FDI tiêu biểu./.
Bình luận