Doanh nghiệp lớn sẽ có Cơ quan quản lý thuế chuyên biệt
Xây đề án thành lập Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn
Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết, Bộ Tài chính đã giao cho Tổng cục Thuế xây dựng Đề án thành lập Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Thông báo 90/TB-VPCP ngày 11/3/2020 nhằm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quản lý doanh nghiệp lớn, tập doàn kinh tế, công ty đa quốc gia..
Theo ông Nguyễn Văn Phụng, nếu lấy quy mô vốn từ 500 tỷ đồng trở lên thì hiện tại Việt Nam có 7.192 doanh nghiệp được coi là lớn, chiếm 1,17% tổng số doanh nghiệp. Trong số này, hiện tại Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn (được thành lập từ năm 2010) chỉ quản lý 561 doanh nghiệp, nhưng đóng góp vào ngân sách nhà nước 22,65%. “Nếu tính cả các công ty con của doanh nghiệp lớn thì khu vực doanh nghiệp này đóng góp vào ngân sách nhà nước tới 45,8%”, ông Phụng cho biết.
Không chỉ đóng góp chủ đạo vào số thu ngân sách nhà nước hàng năm, là đầu tàu dẫn dắt doanh nghiệp vừa và nhỏ; sở hữu nguồn lực tài chính, tài sản rất lớn; tạo công ăn việc làm…, mà doanh nghiệp lớn còn là lực lượng vô cùng quan trọng trong nhiệm vụ củng cố an ninh kinh tế, an ninh quốc phòng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ hoặc lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như lời kêu gọi của các tổ chức xã hội khác.
“Mỗi khi người dân bị hạn hán, lũ lụt, thiên tai, dịch bệnh hay mỗi dịp cuối năm thì doanh nghiệp lớn là những đơn vị đóng góp nhiều nhất giúp Chính phủ thực hiện chính sách an sinh xã hội, giúp người dân vượt qua khó khăn. Hành động này đã nhiều lần được Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận và biểu dương.
Trong tháng 10 vừa qua khi miền Trung liên tục bị mưa bão, lũ lụt thì doanh nghiệp lớn là những đơn vị đóng góp nhiều nhất về vật chất, tài chính giúp đỡ bà con vùng lũ. Hay như trong dịch bệnh Covid-19, Vietnam Airlines - một trong những doanh nghiệp lớn đã thực hiện nhiều chuyến bay đưa người Việt Nam từ nước ngoài về nước mặc dù doanh nghiệp này cũng như tất cả các hãng hàng không khác trên thế giới đã và đang bị đại dịch “tàn phá” nặng nề”, ông Phụng dẫn chứng.
Mặc dù có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế cũng như ngân sách nhà nước nhưng hiện nay đơn vị được giao chức năng quản lý khu vực doanh nghiệp này chỉ ở cấp vụ với nhiệm vụ chủ yếu là tham mưu, phối hợp. Vì vậy, theo chuyên gia cao cấp về thuế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Nguyễn Việt Anh, Việt Nam cần sớm thành lập Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn như hầu hết các nước trên thế giới.
“Ở các nước trên thế giới, biên chế cho cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp lớn thường chiếm khoảng 7% tổng số biên chế của ngành thuế, nhưng ở Việt Nam, tổng số biên chế của Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn chỉ có 63 người. Nếu được thành lập, Cục Quản lý thuế doanh nghiệp lớn chỉ cần số lượng biên chế bằng 1% tổng biên chế của ngành thuế, tức khoảng 350-400 người, sẽ bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng quản lý thuế, hỗ trợ, giúp đỡ, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho khu vực doanh nghiệp này”, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn khẳng định.
Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Quang Phòng đồng tình với việc thành lập cơ quan chuyên quản về thuế đối với doanh nghiệp lớn và cho rằng, các doanh nghiệp có quy mô vốn và doanh thu rất lớn, hàng năm phát sinh doanh thu hàng triệu tỷ đồng; ngành nghề kinh doanh đa dạng; phạm vi hoạt động rộng khắp cả nước và nhiều doanh nghiệp còn đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, rủi ro về thuế đối với những doanh nghiệp này cũng không hề nhỏ trong khi cơ quan thuế các địa phương bị hạn chế bởi phạm vi quản lý theo đơn vị hành chính nên chỉ tiếp cận được một phần hoạt động của doanh nghiệp, không có thông tin đầy đủ, toàn diện về hoạt động của doanh nghiệp trong việc quản lý thuế. “Vì vậy cần phải có cơ quan chuyên trách quản lý khu vực doanh nghiệp này”, ông Phòng chia sẻ.
Lý do nữa khiến đại diện VCCI rất đồng tình với việc thành lập cơ quan chuyên quản lý thuế doanh nghiệp lớn là việc đổi mới, mở cửa nền kinh tế ngày càng sâu rộng, Việt Nam ngày càng trở thành địa chỉ đầu tư nước ngoài hấp dẫn, nhưng từ đó cũng phát sinh ra các giao dịch xuyên biên giới với các bên có giao dịch liên kết với các thiên đường thuế.
“Điều này đặt ra yêu cầu cần phải có phương thức, bộ phận quản lý thuế xứng tầm, chuyên sâu, đủ mạnh không chỉ để quản lý khu vực doanh nghiệp này mà phải coi doanh nghiệp lớn là những “khách hàng VIP từ đó cung cấp dịch vụ công cho đối tượng này tốt hơn”, ông Phòng nhấn mạnh.
Chuyên gia tư vấn thuế quốc tế của Ngân hàng Thế giới, ông Jonathan Leigh Pemberton cho biết, ở tất cả các nước trên thế giới, doanh nghiệp lớn chiếm số lượng rất nhỏ nhưng đóng góp vào ngân sách nhà nước từ 35% đến 60% (nếu tính cả thuế thu nhập cá nhân) và vì vậy hầu hết các quốc gia đều thành lập cơ quan chuyên trách quản lý thuế với khu vực doanh nghiệp này.
Vẫn theo chuyên gia Jonathan, thành lập cơ quan quản lý thuế doanh nghiệp chuyên sâu ngoài việc khu vực doanh nghiệp này đóng góp rất lớn vào ngân sách nhà nước thì việc quản lý khu vực này rất phức tạp, do có nhiều công ty thành viên, công ty con, công ty cháu; mô hình kinh doanh đa dạng và thường có liên quan đến sở hữu trí tuệ; cấu trúc tài chính vô cùng phức tạp; chuỗi cung ứng xuyên biên giới và phạm vi toàn cầu… “Chính vì vậy việc quản lý thuế đối với doanh nghiệp lớn phải vượt qua được thách thức, đó là nếu quản lý không chặt sẽ tạo kẽ hở để doanh nghiệp tránh thuế, gian lận thuế”, ông Jonathan cho biết./.
Bình luận