Điều này được Chủ tịch FPT nhấn mạnh tại Lễ Công bố - Vinh danh Doanh nhân xuất sắc và Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022 do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy tổ chức chiều 12/10.

Doanh nghiệp phát triển thương hiệu xanh: Luật chơi mới sau COP26
TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy. Ảnh: VnEconomy

Các doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng đến các yếu tố phát triển bền vững

Phát biểu tại buổi lễ, TS. Chử Văn Lâm, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy chia sẻ, ngày này cách đây một năm, Chương trình Thương hiệu Mạnh lần thứ 18 đã được diễn ra theo một hình thức chưa từng có trong lịch sử 18 năm cơ quan báo chí Kinh tế Việt Nam kiến tạo và tổ chức chương trình này.

Đại dịch Covid-19 đã chia cắt sự gặp gỡ và hội tụ sẻ chia theo cách truyền thống thông thường. Tuy nhiên, bằng việc tiên phong ứng dụng công nghệ số, trên nền tảng hệ sinh thái số của Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times, chương trình bình xét và vinh danh các thương hiệu mạnh vẫn diễn ra theo một cách thức khác, nhưng mang lại những cảm xúc rất đặc biệt cho cả tất cả các doanh nghiệp được vinh danh và Ban tổ chức.

"Chúng tôi được biết, với nhiều doanh nghiệp, tăng trưởng nóng không phải là mục tiêu ưu tiên cao nhất. Sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, cũng như những tổn thương do xung đột vũ trang khiến chuỗi giá trị toàn cầu bị đứt gãy, các doanh nghiệp đã đặc biệt chú trọng đến các yếu tố phát triển bền vững, chia sẻ, nhân văn và bao trùm trong chiến lược và mô hình phát triển sản xuất và kinh doanh", Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam chia sẻ.

Đây là những giá trị quan trọng, thể hiện tầm phát triển cao hơn, phù hợp với xu hướng phát triển của bối cảnh quốc tế mới, và là cơ sở vững chắc đảm bảo cho Việt Nam thực hiện thành công các cam kết với thế giới về phát triển thịnh vượng và bền vững.

Qua gần 20 năm tổ chức thành công, Thương hiệu mạnh Việt Nam đã trở thành kênh thông tin – kết nối – hội tụ sự tham gia của đông đảo CEO các tập đoàn, doanh nghiệp uy tín hàng đầu Việt Nam, các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, giới chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế.

Năm 2022, chủ đề trọng tâm của chương trình Thương hiệu mạnh Việt Nam là “Kiến tạo và phát triển thương hiệu Việt Nam xanh”. Theo đó, tiêu chí đánh giá và bình chọn tập trung vào các hạng mục cơ bản: Kết quả kinh doanh; công tác xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu; văn hóa và trách nhiệm của doanh nghiệp; công tác phát triển doanh nghiệp xanh và bền vững; công tác chuyển đổi số.

Có thể nói, xu hướng sống xanh, tiêu dùng xanh cũng đặt ra bài toán mới cho các doanh nghiệp Việt để phù hợp với xu thế phát triển chung và nâng cao vị thế, tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường trong và ngoài nước. Để thuận lợi bước chân vào các thị trường lớn của thế giới, ngoài việc đảm bảo yếu tố chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải vượt qua bài toán “xanh” trong hoạt động sản xuất với nhiều tiêu chí, trong đó có cả xây dựng thương hiệu xanh.

Trong quá trình thực hiện khảo sát và bình xét các thương hiệu tham gia chương trình Thương hiệu mạnh, Ban tổ chức đã nhận thấy rõ những chuyển biến về các chỉ số tăng trưởng của năm nay.

Vì thế, Chương trình Thương hiệu Mạnh năm 2022 đã chọn chủ đề “Kiến tạo và phát triển thương hiệu Việt Nam Xanh”, bên cạnh các thương hiệu mạnh quốc gia, thương hiệu mạnh theo nhóm ngành kinh tế, Ban tổ chức đã quyết định bổ sung thêm 3 hạng mục vinh danh là TOP các thương hiệu xuất sắc, TOP thương hiệu tăng trưởng ấn tượng và TOP thương hiệu xanh.

Nhân dịp này, Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy cũng ra mắt và vận hành Tòa soạn số, phát hành các ấn phẩm báo chí trên nền tảng số, nhằm tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận đến các thông tin kinh tế trong hoạt động hàng ngày.

Doanh nghiệp phát triển thương hiệu xanh: Luật chơi mới sau COP26
Các diễn giả tham gia giao lưu với chủ đề Khát vọng Kiến tạo và Phát triển Thương hiệu Việt Nam Xanh trong khuôn khổ sự kiện công bố và Vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022.

Thế giới đang bước vào cuộc chơi mới mà Việt nam phải đi rất nhanh

Tại cuộc giao lưu với chủ đề Khát vọng Kiến tạo và Phát triển Thương hiệu Việt Nam Xanh trong khuôn khổ sự kiện công bố và Vinh danh Thương hiệu mạnh Việt Nam 2022, Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cho biết, gần ba năm trải qua đại dịch là giai đoạn khó khăn thách thức nhất với mỗi doanh nhân.

"Trước thách thức đó, điều quan trọng nhất với doanh nhân là sự trụ vững, tiến lên và tinh thần kiên cường. Doanh nhân vốn dĩ làm việc với những thách thức, và mạo hiểm càng lớn thì kết quả càng lớn", ông Bình khẳng định.

Nói về việc phát triển thương hiệu xanh, Chủ tịch FPT cho biết, đây không chỉ là đạo đức doanh nghiệp, mà đã trở thành luật chơi mới sau sự kiện COP26 mà ở đó Thủ tướng Chính phủ đưa ra cam kết Việt Nam đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

"Xanh ngược lại là bẩn. Doanh nghiệp tạo ra nhiều CO2 sẽ phải trả giá vô cùng đắt. Trước tiên là cái giá về vốn. Làm doanh nghiệp không sạch thì phải cộng thêm lãi suất về carbon. Mua bán giá của các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán sẽ cộng thêm vào lượng phát thải carbon. Xuất khẩu sẽ đánh thuế carbon", Chủ tịch Tập đoàn FPT phân tích và khẳng định "Thế giới đang bước vào cuộc chơi mới mà Việt Nam phải đi rất nhanh".

Dự báo thời gian tới sẽ còn nhiều khó khăn, bất ổn hơn như: lạm phát, suy thoái kinh tế, xung đột Nga-Ukraine, ông Bình chỉ rõ, doanh nghiệp càng phải kiên định và sẵn sàng để quản trị những bất ổn đó.

"Bao nhiêu khó khăn sẽ dồn vào và chúng ta phải sẵn sàng trong mọi điều kiện. Đó là tính kiên cường của Việt Nam. Giống như bão vậy. Chúng ta không thể ước định phương hướng gió, định lượng nước mà chỉ có thể sẵn sàng", ông nói. "Dĩ bất biến ứng vạn biến. Cái bất biến ở đây là sự kiên cường, trụ vững và tiến lên. Đó chính là tinh thần chiến đấu".

"Nếu được chọn các từ khóa để phát triển thương hiệu mạnh và thương hiệu xanh, tôi xin chọn ba từ. Thứ nhất là kiên cường - đây là tinh thần quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, tinh thần đã đưa dân tộc Việt Nam đánh đuổi giặc ngoại xâm. Từ thứ hai là sáng tạo. Thực chất chuyển đổi số là sáng tạo và tương lai từ nay trở đi chúng ta sẽ liên tục sáng tạo. Từ thứ ba là dấn thân, không tự hài lòng, dám mơ ước đứng đầu thế giới", ông Bình chia sẻ.

Chuyển đổi số giúp trụ vững và bứt phá sau đại dịch Covid-19

Cũng tại buổi giao lưu, bà Lê Hồng Thủy Tiên, Tổng Giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) nhấn mạnh đặc biệt đến vai trò của chuyển đổi số đối với mỗi doanh nghiệp.

Đặc biệt khi yếu tố này đã giúp doanh nghiệp giữ chân được nhân sự và khách hàng, qua đó trụ vững và bứt phá sau đại dịch Covid-19.

Theo bà Lê Hồng Thủy Tiên, trước đại dịch Covid-19 xảy ra, IPPG đã suy nghĩ về việc chuyển đổi số, làm thế nào để 25 công ty thành viên của IPPG vẫn làm việc nhanh gọn, tất cả các số liệu ban lãnh đạo đạo dù ở đâu cũng có thể nhìn được trên điện thoại. Vì thế, khi đại dịch ập đến, hơn 1.500 cửa hàng trên toàn hệ thống, cũng như các dự án dang dở khác chỉ cần điều chỉnh lại một chút về vấn đề vận hành online.

Nhờ đó, dù TP. Hồ Chí Minh trải qua hai lần "lockdown", chiến lược này đã được truyền tải mạnh mẽ và giúp công ty trụ vững trong giai đoạn đại dịch cam go nhất.

Bà cho biết, trong thời điểm TP. Hồ Chí Minh giãn cách, doanh nghiệp đã phải đưa ra phương án bảo đảm an toàn cho nhân viên là trên hết, đặc biệt không để nhân viên mất việc. Mặc dù điều này khiến doanh nghiệp phải bỏ ra một khoản chi phí rất lớn, song theo bà Tiên đó là chi phí xứng đáng như một khoản đầu tư, làm sao để phục hồi nhanh, bước đi nhanh.

Nhấn mạnh công nghệ đã tạo ra những chương trình rất tiện lợi cho bán hàng online, bà Thủy Tiên cho rằng, xu thế hiện nay là cạnh tranh, vì thế phải tìm ra công nghệ có chi phí rẻ để phục vụ ngành bán lẻ là cực kỳ quan trọng.

Cùng với đó là cần áp dụng tất cả tiêu chuẩn, tiêu dùng xanh, chọn lựa thương hiệu thời trang sử dụng nguyên vật liệu xanh, sạch với môi trường. Mặc dù chi phí bỏ ra sẽ cao hơn nhưng điều này sẽ góp phần phát triển doanh nghiệp xanh.

Bà Tiên cũng khuyến nghị các doanh nghiệp start up nên định hướng theo tiêu chí này, từ đó hình thành nên thương hiệu doanh nghiệp xanh./.