Đồng thuận kéo dài “tuổi thọ” của cơ chế xử lý nợ xấu
Còn vướng mắc
“Sau gần 5 năm thực hiện, Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng…”, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ báo cáo tại phiên họp thứ 10, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, ngày 21/6/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, diễn ra hôm nay (ngày 14/4), theo Văn phòng Quốc hội.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 còn tồn tại một số khó khăn. Ảnh: QH |
Theo đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2021 giảm 17,21% so với thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực (ngày 15/8/2017). Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 được xử lý từ ngày 15/8/2017 đến ngày 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết này có hiệu lực.
Theo Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, việc ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 là vấn đề cấp bách, để tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tác động chưa thể lường hết được của đại dịch Covid-19... |
“Mặc dù xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã đạt được kết quả tích cực, nhưng thực tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương về việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu; về quyền thu giữ tài sản bảm đảm; việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự. Bên cạnh đó, còn có khó khăn, vướng mắc từ chính quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 liên quan đến thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm; phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn…”, bà Hồng cho hay.
Qua phân tích bối cảnh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới, bà Hồng cho biết, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14, nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, đồng thời, đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết này.
Ủng hộ kéo dài “tuổi thọ” của Nghị quyết số 42/2017/QH14
Thẩm tra nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với Báo cáo của Chính phủ về đánh giá kết quả xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý Ngân hàng Nhà nước đánh giá thêm về vấn đề sở hữu chéo, bổ sung đánh giá nợ xấu phát sinh mới từ ngày Nghị quyết số 42/2017/QH14 có hiệu lực, đánh giá cụ thể nợ xấu phát sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cho vay các dự án BOT, bất động sản… |
Tuy nhiên, để bảo đảm đánh giá khách quan, toàn diện, đầy đủ các kết quả đã đạt được, cũng như tác động, ảnh hưởng của những quy định thí điểm trong Nghị quyết số 42/2017/QH14, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị cần phân tích, làm rõ thêm về thực trạng nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu tương ứng; đánh giá kỹ hơn về hiệu quả của các biện pháp khác quy định tại Nghị quyết như xử lý tài sản bảo đảm, sử dụng dự phòng rủi ro; đánh giá thực trạng hoạt động của thị trường mua bán nợ xấu...
Đối với dự thảo Nghị quyết về kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết số 42/2017/QH14, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất với sự cần thiết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, khi kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 cần chú ý đến các mục tiêu, giải pháp, hoàn thiện các hướng dẫn về thực hiện Nghị quyết để đảm bảo đầy đủ, thống nhất. Thời hạn kéo dài chỉ tối đa đến ngày 31/12/2023, khớp với Nghị quyết 43 của Quốc hội về gói hỗ trợ kích thích kinh tế.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, UBTVQH thống nhất áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn thông qua Nghị quyết tại một kỳ họp (trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp tháng 5/2002). Ảnh: QH |
Kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, UBTVQH thống nhất không ban hành nghị quyết riêng, mà đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp, đồng thời kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 đến ngày 31/12/2023, không mở rộng hoặc thu hẹp phạm vi, đối tượng áp dụng so với quy định hiện hành…
Sau khi thảo luận, UBTVQH đã biểu quyết về bổ sung Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 vào Chương trình xây dựng pháp luật năm 2022 với 100% thành viên UBTVQH có mặt biểu tán thành và giao Ủy ban Pháp luật của Quốc hội chuẩn bị Dự thảo nghị quyết./.
Bình luận