Xuất khẩu thép xây dựng trong năm 2017 đạt hơn 1 triệu tấn

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), kết thúc năm 2017, sản xuất thép của các doanh nghiệp là thành viên của VSA đạt 21,062 triệu tấn, tăng 24,3% so với năm 2016. Trong đó, tiêu thụ đạt gần 18 triệu tấn, tăng 20,7% so với năm 2016; xuất khẩu đạt 3,75 triệu tấn, tăng trên 34% so với năm 2016. Đáng chú ý, xuất khẩu thép xây dựng trong năm 2017 đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 62% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, Việt Nam từ trước tới nay là nước vẫn thường phải nhập khẩu phôi thép, nhưng nay đã xuất khẩu được trên 300.000 tấn phôi trong năm 2017, đây là bước tiến dài - thể hiện năng lực của ngành công nghiệp thép trong nước đã giảm dần lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu mà còn xuất khẩu, dần làm chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào cho cán thép.

Ngành thép đang có mức tăng trưởng tốt

Một niềm vui nữa cho thấy, tổng các sản phẩm thép nhập khẩu trong năm 2017 cũng đã giảm khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2016. Thể hiện doanh nghiệp thép trong nước không chỉ chứng minh về chất lượng đối với khách ngoại trong việc xuất khẩu, mà nhiều doanh nghiệp đã chú trọng hơn đến thị trường trong nước, bằng việc chú trọng đầu tư, đổi mới, áp dụng công nghệ hiện đại hơn nhằm giảm thiểu tiêu hao nguyên, nhiên liệu đầu vào để có giá thành thép cạnh tranh.

Đồng thời, ngày một nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng các đại lý cũng như có nhiều chế độ quan tâm, hậu mãi tới khách hàng, trong đó phải kể tới một số doanh nghiệp điển hình, như: Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - Vnsteel, Công ty CP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long, Công ty CP Tôn Đông Á, Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung, Công ty Liên doanh Sản xuất Thép Vinausteel, Công ty CP Thép Việt Ý, Công ty CP Tôn Đại Thiên Lộc…

5 năm tới, ngành thép sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức từ 12%-15%

Đánh giá tình hình thị trường thép năm 2018, VSA cho rằng, tiếp đà năm 2016, 2017 tăng trưởng cao, 2018 dự kiến tăng trưởng của ngành thép đạt từ 20% đến 22%. Sỡ dĩ có được con số tăng trưởng đó là doanh nghiệp thép trong nước đã rất nỗ lực, đồng thời các công trình xây dựng cũng được triển khai nhiều, giúp cho lượng thép tiêu thụ tăng trưởng tốt.

Tăng trưởng là vậy, nhưng khó khăn đối với ngành thép vẫn luôn gặp phải bởi phần lớn nguyên liệu, như: than, cốc, phế… nhập khẩu từ nước ngoài nên phụ thuộc về giá, cùng với đó là doanh nghiệp phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với các sản phẩm xuất khẩu.

Ý thức được khó khăn đó, để tiếp tục dành được thắng lợi trong năm 2018 và những năm tiếp theo, nhiều doanh nghiệp sản xuất thép trong nước đã tích cực đổi mới công nghệ, môi trường… để giảm tiêu hao nguyên, nhiên liệu đầu vào, có giá thành hấp dẫn, tạo được chỗ đứng vững chắc đối với khách hàng trong và ngoài nước.

Đặc biệt, Hiệp hội thép Việt Nam dự báo, trong 5 năm tới, ngành thép Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức từ 12%-15%. Ngành thép Việt Nam tuy có quy mô không lớn, nhưng vẫn có lợi thế cạnh tranh riêng, đặc biệt là chi phí sản xuất rất cạnh tranh so với các nước khác.

Thêm vào đó, dư địa phát triển ngành thép tại Việt Nam vẫn còn rất lớn do nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng ở các tỉnh, thành phố lớn cũng như tốc độ đô thị hóa phát triển nhanh tại các vùng nông thôn.

Ngoài ra còn do, lượng thép tiêu thụ/đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp khi so với các quốc gia phát triển khác. Theo số liệu năm 2015, lượng thép tiêu thụ tại Việt Nam đạt 195 kg/người, thấp hơn nhiều so với Trung Quốc (489 kg/người), Nhật Bản (497 kg/người), Mỹ (297 kg/người) hay Hàn Quốc (1.136 kg/người). Điều này thể hiện ngành thép trong tương lai vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.

Tuy nhiên, có một nghịch lý đang tồn tại là thị trường thép Việt Nam thừa năng lực sản xuất song vẫn phải nhập khẩu, mà còn nhập số lượng lớn. Nguyên nhân là do chuỗi giá trị của ngành thép nội địa chưa được hoàn thiện nên mới chỉ đáp ứng đủ nhu cầu thép xây dựng, thép cán nguội, ống thép và tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (một số sản phẩm như tôn mạ màu, ống thép… còn được xuất khẩu sang các quốc gia khác) nhưng vẫn phải nhập rất nhiều sản phẩm thép cuộn cán nóng (HRC), thép chế tạo, thép hợp kim…

Vì vậy, để phát triển ngành thép cũng như tiếp tục đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng ngành thép, Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp phải tập trung hơn nữa cho các vấn đề mở rộng, khai thác điểm khuyết trong chuỗi giá trị để tạo giá trị gia tăng cao hơn cho ngành thông qua cải tiến công nghệ, dây chuyền sản xuất.

Trước lo ngại về các FTA đã và đang ký kết sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh đối với các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ ngày càng lớn. Để đối mặt với áp lực cạnh tranh trên, các doanh nghiệp cần phải hoàn thiện, nâng cao chuỗi giá trị.

Về việc áp thuế tự vệ chống bán phá giá, Bộ Công Thương đã áp dụng thuế tự vệ bổ sung đối với phôi thép và thép dài trong 4 năm. Mỗi năm, mức thuế tự vệ bổ sung sẽ giảm từ 1%-2% và giảm về 0% trong tháng 03/2020 nếu không có quyết định gia hạn. Theo các chuyên gia, những doanh nghiệp sản xuất phôi sẽ được hưởng lợi mạnh mẽ, trong khi những doanh nghiệp thép xây dựng nhỏ với công nghệ chưa cao, phải nhập phôi thép về làm nguyên liệu sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi phôi thép bị đánh thuế tự vệ 23%./.