Dự thảo Thông tư hướng dẫn Nghị định 57: Vẫn còn nhiều băn khoăn!
Ngày 09/8/2017, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có 130 đại biểu đến từ các bộ, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Toàn cảnh Hội nghị/ Ảnh: Đức Trng (MPI)
Còn nhiều điểm băn khoăn
Nhằm hướng dẫn thực hiện một số nội dung Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng Thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định này. Theo Dự thảo, đối tượng áp dụng đối với doanh nghiệp nhận ưu đãi và hỗ trợ là doanh nghiệp được thành lập, đăng ký, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và có dự án đầu tư quy định tại khoản 3,4,5, Điều 3 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP.
Dự thảo gồm 3 chương, 9 điều, đưa ra những quy định chung về miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước của Nhà nước; Hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thị trường; Quy định về thực hiện hỗ trợ sau đầu tư và chế độ báo cáo.
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu thể hiện sự băn khoăn về tính khả thi, sự hợp lý của Điều 4, Điều 5 của Dự thảo.
Cụ thể, Điều 4 quy định về “Xây dựng Quyết định chủ trương đầu tư danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn”. Theo đó, yêu cầu sở kế hoạch và đầu tư dự thảo danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Sau đó, báo cáo UBND cấp tỉnh Dự thảo danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và phương án tổ chức Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cấp tỉnh.
Sau khi có kết quả hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn cấp tỉnh, sở kế hoạch và đầu tổng hợp, rà soát Dự thảo danh mục dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn và gửi tới các sở, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện và các hiệp hội (nếu có) lấy ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo.
Về điều này, nhiều đại biểu tham gia Hội nghị cho rằng, chưa hợp lý. Bởi như quan điểm của đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng, thì các doanh nghiệp chú trọng đến hiệu quả đầu tư, nên dự án sẽ được họ cân nhắc kỹ trước khi đề xuất. Trong khi đó, theo quy định mới, địa phương phải lập danh mục dự án đầu tư trước, sau đó doanh nghiệp mới được triển khai dự án.
“Như vậy, bản danh mục cố định có khi trái với mong muốn của doanh nghiệp và là trở ngại thu hút đầu tư vào nông nghiệp nêu quan điểm”, vị đại biểu này lo lắng.
Bên cạnh đó, theo nhiều đại biểu có mặt tại Hội nghị, việc hỗ trợ vốn theo quy định tại Điều 5 trong Dự thảo Thông tư cũng là một khó khăn với các địa phương.
Cụ thể, Điều 5 quy định về nguồn vốn và lồng ghép nguồn vốn thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Theo đó, ngân sách trung ương dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp để thực hiện chính sách. Ngân sách địa phương dành tối thiểu 5% vốn chi ngân sách hàng năm cho ngành nông nghiệp để thực hiện chính sách.
Về Điều 5, theo đại diện đến từ tỉnh Hà Giang ước tính, mỗi năm tỉnh có thể thu xếp được khoảng 30 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Nhưng, thực tế chỉ một dự án nuôi bò của Tập đoàn TH cũng ngốn tới 200 tỷ đồng hỗ trợ (theo quy định mới). Điều này đồng nghĩa với việc, tỉnh sẽ không bao giờ có đủ tiền hỗ trợ dù rất mong muốn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.
"Quy định ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cùng dành tối thiểu 5% vốn đầu tư phát triển hàng năm cho ngành nông nghiệp. Số vốn này khó có thể đủ cho các dự án. Nếu dùng nguồn vốn lồng ghép thì phải có quy định cụ thể, nếu không sẽ khó thuyết phục Sở Tài chính" – đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang lưu ý.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu (trái) chủ trì Hội nghị/ Ảnh: Đức Trung (MPI)
Cứ triển khai trước, “khó” lại tiếp tục “gỡ”
Nếu được ban hành, Thông tư này sẽ thay thế Thông tư số 05/2014/TT-BKHĐT ngày 30/9/2014 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Những nội dung, dự án hoặc hạng mục dự án đang triển khai theo quy định tại Thông tư số 05/2014/TT-BKHĐT được tiếp tục thực hiện theo quy định; Các nội dung hoặc hạng mục dự án chưa triển khai được thực hiện theo quy định tại Thông tư này. |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến của các sở kế hoạch và đầu tư địa phương cho thấy những lúng túng hiện nay của các cấp.
Cho rằng những băn khoăn về "Danh mục dự án khuyến khích" là đúng vì đây là điểm mới và mới nên khó thực hiện, ông Đinh Ngọc Minh, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế Nông nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định: “khi làm được một vài năm mọi việc sẽ đơn giản hơn. Chính phủ đã quyết thực hiện giải pháp này và việc bây giờ là triển khai".
Ông Đinh Ngọc Minh lý giải, danh mục dự án do địa phương lập ra không cứng nhắc như các ý kiến đã nêu. Danh mục này là dự kiến, về cơ bản là có ý kiến doanh nghiệp. Đã vậy, hàng năm có rà soát lại. Trong năm, có doanh nghiệp nào tiếp cận thì lại rà soát.
Trước đây, doanh nghiệp phải đề xuất dự án, xin chủ trương đầu tư, sở kế hoạch và đầu tư lấy ý kiến các ban ngành khác,… cần ít nhất 10 văn bản. Với quy định mới, các dự án đều trong danh mục đã lập trước nên việc triển khai sẽ diễn ra nhanh chóng.
Về vấn đề vốn, ông Minh cho rằng, các địa phương phải chủ động báo cáo HĐND, cơ cấu là 5% đầu tư nông nghiệp và trung ương cũng vậy.
Cho rằng Nghị định 210 không đi vào cuộc sống vì bị xé nhỏ, ông Minh nhấn mạnh, Chính phủ đã đưa ra Nghị định 57 cơ chế thế chấp tài sản và để địa phương hỗ trợ. Để phù hợp với Nghị định 57, thời gian tới sẽ còn sửa Nghị định 55 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu cho biết, Nghị định 57/2018/NĐ-CP là một chính sách mới để bổ sung hoàn thiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
“Hiện Chính phủ rất quan tâm tới chính sách này vì sản xuất nông nghiệp trên địa bàn nông thôn quyết định tới những quy định của FTA về hội nhập. Nếu nông nghiệp phân tán, thiếu công nghệ, thiếu sự dẫn dắt thì sẽ khó đáp ứng được mục tiêu tiếp tục tăng trưởng”. Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
Thứ trưởng đề nghị các sở kế hoạch và đầu tư làm đầu mối tham mưu cho Tỉnh để triển khai Nghị định này. Trong quá trình triển khai nếu có những vấn đề chưa rõ, hoặc có khó khăn, vướng mắc cần phối hợp với doanh nghiệp gửi văn bản về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có phản hồi kịp thời./.
Bình luận