Chuyển đổi số trong nông nghiệp là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu người nông dân
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhiệm vụ chuyển đổi số ngành nông nghiệp được xây dựng trên 3 trụ cột gồm: bộ số, kinh tế nông nghiệp số và nông thôn số, nông dân số. Thời gian qua, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu được áp dụng trong các lĩnh vực như: trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, lâm nghiệp đã mang lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị |
Liên quan đến chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, ông Phạm Văn Điển - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp cho biết, với diện tích rừng được Nhà nước giao quản lý là 16,2 triệu ha, trong lĩnh vực chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện có 250.000 hộ gia đình hưởng lợi trên diện tích 6,5 triệu ha và 1.900 tổ chức Nhà nước là chủ rừng được hưởng lợi. Nếu thiếu công nghệ số thì sẽ rất khó khăn trong việc chi trả do địa bàn rộng... Gắn với chuyển đổi số, ngành đã xây dựng hệ thống thông tin quản lý ngành lâm nghiệp và tiếp cận đến từng lô rừng. Mỗi lô rừng bình quân khoảng 10 ha, còn khoảnh là 100 ha và tiểu khu là 1.000 ha. Mỗi lô rừng có 52 trường dữ liệu với các dữ liệu được số hóa từ hình dạng, kích thước diện tích, điều kiện tự nhiên, chủ sở hữu sử dụng, chất lượng rừng.
“Đây mới chỉ là bước đầu trong việc chuyển đổi số và còn rất nhiều việc phải làm như: Tiếp tục số hóa cơ sở dữ liệu; tích hợp lại các cơ sở dữ liệu và quan trọng nhất là phải hướng đến người dùng. Đây chính là yếu tố để duy trì sự phát triển của hệ thống, tiến tới cải thiện hơn nữa hệ thống cơ sở dữ liệu để có tính ứng dụng cao trên thực tế. Tổng cục Lâm nghiệp tiếp tục xây dựng phương án gắn với Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”, ông Điển cho biết.
Về lĩnh vực thủy sản, theo ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Tổng cục đang thực hiện thí điểm cấp giấy chứng nhận khai thác điện tử cho các tàu khai thác. Thông qua việc cấp này sẽ tiến tới thông suốt việc quản lý cơ sở dữ liệu từ khai thác đến chế biến và cấp chứng nhận sản phẩm cho xuất khẩu.
“Việc số hóa dữ liệu ngành thủy sản còn gặp nhiều khó khăn. Hiện ngành thủy sản đang tích cực làm việc với các đơn vị để làm sao số hóa đến được từng hộ nuôi chứ không chỉ đến vùng nuôi, qua đó có được số liệu về tình hình sản xuất, sản lượng, chất lượng… phục vụ cho việc quản lý điều hành sản xuất”, ông Luân cho biết.
Đánh giá về công tác chuyển đổi số trong nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, chuyển đổi số đang tác động sâu rộng vào đời sống xã hội của người nông dân, làm thay đổi tư duy quản lý và cách thức quản lý, vận hành ngành nông nghiệp. Giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hoà nhịp xu thế phát triển của đất nước.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu người nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. |
“Chuyển đổi số trong Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ hội, chìa khóa để hiện thực hóa mục tiêu người nông dân sản xuất nông sản chất lượng với chi phí thấp nhất nhưng bán ra được giá cao nhất. Chuyển đổi số không phải là cải tiến, mà là sự sáng tạo, xóa bỏ cách làm cũ. Mỗi bước di chuyển cần thận trọng với điểm xuất phát thấp, nguồn lực hạn chế. Chuyển đổi số nông nghiệp không được phép sai lầm. Làm ngay, nhưng phải từng bước chắc chắn và làm không ngừng. Tất cả mọi khâu, mọi công việc cần phải được số hóa đồng loạt. Mỗi chủ thể phải biết cần làm gì trước, công nghệ nào ứng dụng trước, tránh tham lam để rồi quá tải và lạc hướng”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.
Về phía địa phương, ông Lê Tân Phong - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông tỉnh Lào Cai cho rằng, trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, cần sớm có định hướng tổng thể từ Trung ương đến địa phương. Bởi nếu mỗi địa phương thuê một đơn vị tư vấn và sử dụng một phần mềm ứng dụng, nếu sau này các phần mềm ứng dụng được dùng chung toàn quốc được thống nhất thì những phần mềm mà các địa phương hiện nay triển khai trước có thể lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
“Cần phân cấp và chia lộ trình để thực hiện tổng thể từ Trung ương đến cấp xã, giúp cho các địa phương có thể xây dựng kế hoạch thực hiện tốt”, ông Phong nêu ý kiến./.
Bình luận