Đưa Khánh Hòa vững bước trên con đường phát triển nhanh và bền vững
Ngày 2/4, tại thành phố Nha Trang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Khánh Hòa năm 2023 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định số 318/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cho Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Nguyễn Hải Ninh (bên trái). Lãnh đạo Bộ Xây dựng trao Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa (bên phải). Ảnh: VGP |
Hội nghị được tổ chức nhằm công bố các quy hoạch của tỉnh Khánh Hoà được cấp có thẩm quyền phê duyệt, kết hợp giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế của tỉnh Khánh Hòa, định hướng phát triển của Tỉnh, nhằm thu hút các nguồn vốn đầu tư, công nghệ hiện đại, tiên tiến từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tỉnh Khánh Hoà.
Trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 318/QĐ-TTg, ngày 29/3/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh Khánh Hòa bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Khánh Hòa và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Quyết định nêu rõ quan điểm xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ.
Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.
GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc. Hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.
Mục tiêu cụ thể tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021 - 2030 của Khánh Hòa đạt 8,3%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng; tăng trưởng năng suất lao động bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 7,0%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%; tổng lượt khách du lịch đạt 13,8 triệu lượt khách, trong đó có 7 triệu lượt khách quốc tế, còn lại là du khách nội địa; kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 90%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Cơ cấu lao động: nông, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 18 - 19%; công nghiệp - xây dựng 30 - 31% và dịch vụ: 50 - 51%.
Tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tốt cơ chế, chính sách đặc thù do Quốc hội ban hành nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài Tỉnh cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là để phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm - động lực phát triển của Tỉnh - là Khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang và khu vực vịnh Cam Ranh.
Tạo đột phá trong phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt cho những ngành quan trọng như: du lịch; công nghiệp chế biến, chế tạo; dịch vụ logistics; cảng biển; thủy sản và hậu cần nghề cá; công nghệ thông tin.
Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là các lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế biển như: hải dương học, công nghệ đại dương, công nghệ sản xuất giống thủy sản, công nghệ nuôi trồng và chế biến thủy sản, vaccine và sinh phẩm y tế, ứng dụng công nghệ vào dịch vụ du lịch... Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp sáng tạo.
Tăng cường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội để tạo đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại; trọng tâm là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, hạ tầng đô thị, cảng biển, cảng hàng không và thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu. Chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu của Tỉnh đồng bộ với hạ tầng dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng chuyển đổi số, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số trên địa bàn Tỉnh.
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Khánh Hòa sẽ phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao bao gồm: du lịch, tài chính, thương mại, logistics, giáo dục và phát triển đô thị. Khánh Hòa trở thành trung tâm dịch vụ đa dạng, chuyên nghiệp với du lịch biển bền vững, các sản phẩm du lịch cao cấp, dịch vụ vận tải - logistics và phát triển đô thị thông minh.
Phát triển khu vực vịnh Vân Phong (Khu kinh tế Vân Phong) trở thành một trung tâm kinh tế biển hiện đại, địa bàn động lực phát triển của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và khu vực Nam Trung Bộ nói chung.
Phát triển thành phố Nha Trang là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.
Phát triển khu vực vịnh Cam Ranh là vùng trọng điểm về kinh tế, xã hội gắn với quốc phòng, an ninh; trong đó phát triển thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế.
Cũng tại Hội nghị, Lãnh đạo Bộ Xây dựng trao Quyết định số 298/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 cho lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa.
Khu kinh tế Vân Phong được xác định là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.
Trong đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác; là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp với những sản phẩm, dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại.
Định hướng phát triển không gian tổng thể, Khu kinh tế Vân Phong được chia làm 2 khu vực chính, gồm bắc và nam Vân Phong. Khu vực bắc Vân Phong (huyện Vạn Ninh) gồm: các khu du lịch cao cấp tại đảo Hòn Lớn và bán đảo Hòn Gốm, cảng trung chuyển quốc tế, cảng du lịch quốc tế, các công trình dịch vụ hậu cần cảng, công nghiệp tại khu vực Đầm Môn, các khu đô thị, du lịch, các không gian cây xanh, mặt nước và các khu đồi núi.
Khu vực nam Vân Phong (khu vực phía đông thị xã Ninh Hòa) gồm: cảng trung chuyển container, cảng tổng hợp, các tổ hợp công nghiệp, kho tàng tận dụng được lợi thế của cảng nước sâu, các khu đô thị và các khu dịch vụ du lịch, được phân bố, đan xen với các không gian sinh thái ngập mặn, đồi núi sát biển.
Phát biểu tại Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư năm 2023, ông Nguyễn Hải Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa nhấn mạnh: Khánh Hòa đang đứng trước thời cơ, vận hội mới, nhưng cũng đầy khó khăn, thách thức, đó là quy mô kinh tế của Tỉnh còn khá nhỏ, sức chống chịu không cao; cơ cấu kinh tế thiếu cân bằng và bền vững; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, tuy đã có cơ chế, chính sách đặc thù, nhưng tất cả chỉ là mới bước đầu. Sẽ chưa phải là thành công nếu như chưa có sản phẩm cụ thể, chưa có dự án cụ thể của các nhà đầu tư.
Vì vậy, tỉnh Khánh Hòa xác định trước hết phải quyết tâm hành động để khắc phục những hạn chế, bất cập hiện có; đồng thời, khai thác và phát huy tốt các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo nên những giá trị mới, hiện thực hóa khát vọng đưa Khánh Hòa phát triển nhanh, bền vững, sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
Tại Hội nghị, tỉnh Khánh Hòa lựa chọn, trao chấp thuận chủ trương đầu tư và trao giấy chứng nhận đầu tư cho 8 dự án với tổng vốn đăng ký hơn 32.250 tỷ đồng; trao biên bản ghi nhớ phát triển dự án cho 15 doanh nghiệp với tổng vốn dự kiến khoảng trên 80.000 tỷ đồng. Khánh Hòa cũng khai trương cổng thông tin xúc tiến đầu tư của Tỉnh.../.
Bình luận