Đường tới thương hiệu toàn cầu sản phẩm xuất khẩu chủ lực quốc gia Việt Nam
PGS. TS Hoàng Sỹ Động
Nguyên Trưởng ban Phát triển các ngành sản xuất,
Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Để nắm bắt cơ hội và đi đến quyết định tập trung đầu tư, điểm không thể thiếu là các nhà chính trị, giới nghiên cứu tinh hoa và các ông chủ tập đoàn lớn Việt Nam cần đổi mới nhận thức, nghiên cứu chuyên sâu những “bước chuyển” của chuỗi sản xuất toàn cầu, chẳng hạn, vì sao Mỹ lại chuyển giao công nghệ cốt lõi chip điện tử cho Đài Loan, Hàn Quốc mà không phải cho quốc gia khác? |
Bài học đã được rút ra từ quá trình công nghiệp hóa của các nước công nghiệp phát triển, nước công nghiệp mới và Trung Quốc hiện nay cùng thể chế. Theo xếp hạng của Forbes, Việt Nam có 6 tỷ phú đôla, đứng đầu là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup. 5 tỷ phú còn tiếp theo là bà Nguyễn Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn VietjetAir; ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn ô tô Trường Hải; ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam; ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Tập đoàn Masan và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát. Trên cơ sở chế tạo xe hơi và hiện nay là xe điện, nhiều người nhận định rằng, Tập đoàn Vingroup đang có những bước đi chiến lược, nhằm nâng ngành sản xuất Việt Nam lên tầm cao mới.
Tác giả bài viết này có trên 30 năm nghiên cứu vĩ mô các ngành sản xuất, nhận thấy và có niềm tin rằng, các tập đoàn kinh tế Việt Nam, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế tư nhân, sẽ giữ vai trò cực kỳ quan trọng hình thành bộ mặt nền kinh tế thời kỳ công nghiệp hóa đất nước trong giai đoạn tới.
Tuy nhiên để đạt được ước mơ và vị thế mới, các tập đoàn kinh tế tư nhân và nhất là các tập đoàn kinh tế Nhà nước cần lột xác, xác lập khát vọng lớn để đạt vị thế “người trưởng thành”, “doanh nghiệp trưởng thành”. Tác giả quan niệm người hay doanh nghiệp trưởng thành là được xã hội kính trọng, còn bản thân biết tự trọng. Khát vọng không chỉ là triết lý chung mà cần cụ thể là khát vọng chế tạo ra những sản phẩm thương hiệu đẳng cấp quốc gia, đẳng cấp quốc tế một cách trung thực, minh bạch; ở đó người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam làm chủ được công nghệ, quản trị cốt lõi trong chuỗi sản xuất ra sản phẩm. Ví dụ, trong ngành chế tạo ô tô có 4 block thì blok thứ nhất là nhân lực. Phải có kỹ sư công nghệ cao ô tô, công nhân kỹ thuật ô tô tay nghề giỏi. Block thứ hai là phương pháp, dây truyền công nghệ và chế tạo phụ tùng, động cơ, phải làm chủ được công nghệ ô tô tiên tiến, trình độ quản trị cao phù hợp đặc điểm lao động Việt Nam. Block thứ ba là hạ tầng là hệ thống các nhà máy như nhà máy chế tạo động cơ ô tô, nhà máy sản xuất lốp ô tô, nhà máy dập và tạo khung ô tô và block thứ tư là nguyên vật liệu thì phải có thép chất lượng cao, nhựa chất lượng cao, nhôm chất lượng cao... Cùng là sản xuất ô tô, nhưng thời đại hiện nay và tương lai sẽ là ô tô điện, nhất là ô tô hydro. Các doanh nghiệp sản xuất ô tô chạy xăng, diezen đã đi vào thoái trào, giai đoạn hậu kỳ trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.
Từng nghiên cứu tại Tập đoàn thép Posco, Hàn Quốc, tác giả nhận thấy, từ tầm nhìn Tổng thống Park Chung - Hee “Không có thép thì không thể công nghiệp hóa”, ông đã nhận bồi thường chiến tranh từ Nhật Bản Nhà máy thép khi Hàn Quốc không có mỏ sắt. Hành động này khi đó bị sinh viên, viên chức biểu tình vì khi đó đất nước còn nghèo. Thế hệ nghiên cứu, học tập ở Đông Âu hồi đó dịch “thép là bánh mỳ của công nghiệp”, trong khi người Hàn Quốc dịch “thép là gạo của công nghiệp”, vì họ thấy phù hợp hơn do người châu Á ăn gạo.
Doanh nghiệp cần lựa chọn sản phẩm phù hợp để đầu tư sản xuất, kinh doanh trên cơ sở công nghệ, quản trị tiên tiến và đúng luật pháp Việt Nam, phù hợp thể chế quốc tế. Dù có bước đi thế nào thì không thể mua vật liệu, máy móc, linh kiện để rồi chỉ gia công, lắp ráp, rồi bán trong nước với giá cao do “chạy” được thuế ưu đãi nhập khẩu động cơ, phụ tùng và bỏ khâu thiết kế, chế biến nguyên liệu cao cấp, sản xuất máy móc, linh kiện cốt lõi. Vì nền kinh tế nước công nghiệp phát triển, nước công nghiệp mới trung thực, minh bạch và trình độ cao (công nghệ cao, quản trị 3.0). Ngay Trung Quốc cho chúng ta bài học đắt giá về quyết tâm của cả hệ thống chính trị, trong đó nhất là nhà lãnh đạo cấp cao và chủ doanh nghiệp lớn sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực xuất khẩu thương hiệu trong quá trình công nghiệp hóa thời đại CMCN 4.0 và thế giới mở cửa nhanh, phải minh bạch và đúng thể chế quốc tế, đặc biệt về tỷ giá đồng nhân dân tệ/đồng đô la Mỹ, sở hữu trí tuệ, thương mại công bằng, cùng các tiến bộ xã hội.
|
Năm 2022 là thời kỳ rất đặc biệt cho việc thực thi những khát vọng phát triển Đất nước. Bài viết hy vọng góp một tiếng nói trong xác định và phát triển sản phẩm chủ lực xuất khẩu quốc gia, tập trung vào sản phẩm điện tử, rồi sản phẩm nông sản và sản phẩm cơ khí, chế tạo, dệt may, da giầy, túi sách, trên cơ sở cơ cấu kinh tế tiến bộ, đặc biệt là mô hình tăng trưởng đổi mới... |
Theo thông tin trên báo chí, sau khi thoái vốn tại một số lĩnh vực, Tập đoàn Vingroup tập trung vào 2 lĩnh vực mũi nhọn là bất động sản và ngành sản xuất là ô tô, rồi ô tô điện. Tuy nhiên, để trở thành thương hiệu toàn cầu, phát triển hiệu quả và bền vững cho Vingroup nói riêng, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, đòi hỏi cần hơn quyết tâm chính trị, làm trung thực, minh bạch và làm với khát vọng lớn, trí tuệ, bản lĩnh cao.
Quan điểm, chiến lược và tầm nhìn về vấn đề trên được chứng minh qua các tập đoàn lớn trên thế giới. Họ tổ chức doanh nghiệp rất chuyên nghiệp, tập trung toàn lực vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cốt lõi để trở thành thương hiệu toàn cầu. Chẳng hạn, Apple là điện thoại, máy tính thông minh; Facebook là dịch vụ viễn thông; Samsung là máy tính, điện thoại thông minh; Toyota là xe hơi, Airbus là máy bay... Nhiều chuyên gia các ngành sản xuất cho rằng, sản xuất, kinh doanh ô tô tốt, có thương hiệu toàn cầu luôn là biểu tượng, thương hiệu một quốc gia.
Điểm qua một số tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới cho thấy, mỗi người mỗi vẻ và ai cũng tìm cho mình một hoặc một số loại sản phẩm, vùng thị trường toàn cầu riêng để tập trung đầu tư phát triển, chiếm lĩnh đỉnh cao. Bài học Nhật Bản mới đây về đầu tư phát triển sản phẩm máy ảnh công nghệ số đỉnh cao và trò chơi điện tử (phần mền và phần cứng), gợi cho Việt Nam chúng ta, các tập đoàn kinh tế Nhà nước và tư nhân lựa chọn, phát triển sản phẩm điện tử, IT…, chọn đi vào khe hẹp thị trường bằng đẳng cấp, tạo khác biệt.
Trong cuộc CMCN 4.0, khi mà cường độ kiếm tiền của các ông chủ tập đoàn công nghệ điện tử, IT lớn rất nhanh so với nửa đầu thế kỷ 20 trở về trước thì việc tham gia sản xuất, kinh doanh trong ngành điện tử, IT là thông minh, là hợp thời đại. Tuy nhiên, chính Nhật Bản đã phải trả bằng giá đắt khi tập trung sản xuất TV theo công nghệ analog trong khi Mỹ sản xuất TV công nghệ số, là bài học Việt Nam cần học hỏi, ghi nhớ về trình độ, nhận thức và tầm nhìn phát triển sản phẩm thương hiệu lớn tham gia chuỗi giá trị, mạng sản xuất.
Việt Nam đi sau nhưng đi bằng cách nào để bắt kịp các nước đi trước đến cả thế kỷ mà không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên trường quốc tế? Người viết bài này tin rằng, Việt Nam không thiếu ông chủ các tập đoàn nhận biết được cơ hội, nhưng điều cần cân nhắc là phải phân tích đầu tư thật tốt để quyết định có làm hay không, làm thế nào để mang lại hiệu quả tối ưu. Điểm thuận lợi là hiện nay, cả hệ thống chính trị Việt Nam đang cùng vào cuộc bằng các hoạt động rất cụ thể, như xác định sản phẩm chủ lực xuất khẩu thương hiệu quốc gia; có chính sách ưu đãi thuế, ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị trong sản xuất, kinh doanh các loại sản phẩm công nghệ cao…
Để nắm bắt cơ hội và đi đến quyết định đầu tư, điểm không thể thiếu là các nhà chính trị, giới nghiên cứu tinh hoa và các ông chủ tập đoàn lớn Việt Nam cần đổi mới nhận thức, nghiên cứu bài bản, chuyên sâu những “bước chuyển” của nền sản xuất toàn cầu, chẳng hạn, vì sao Mỹ lại chuyển giao công nghệ cốt lõi chip điện tử cho Đài Loan, Hàn Quốc mà không phải cho quốc gia khác?
Với Việt Nam, theo tác giả, bước đầu nên là chế tạo sản phẩm bằng công nghệ cốt lõi, với quản trị tinh gọn phù hợp quốc gia dựa trên chuẩn mực chung, rồi mới bước lên đổi mới, sáng tạo để làm ra sản phẩm mới độc đáo, có giá trị cao. Các tập đoàn kinh tế Nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu luôn là người dẫn dắt, tạo ra bộ mặt kinh tế quốc gia, cần nâng cao trình độ và làm trung thực, với khát vọng lớn sản xuất, kinh doanh sản phẩm chủ lực thương hiệu quốc gia, quốc tế. Chuyên gia Nhật, chuyên gia các nước công nghiệp phát triển, chuyên gia các nước XHCN Đông Âu, nhất là chuyên gia Nga đều đã giúp chúng ta về quản trị trong đó có quản trị doanh nghiệp, nhưng kết quả chưa được như mong muốn. Phải chăng, áp dụng quản trị khác với áp dụng kỹ thuật, công nghệ vì còn là văn hóa và đối với Việt Nam còn là thể chế?
Vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia là bước đi quyết liệt, sáng tạo, sẽ giúp Việt Nam thu hút được lõi tri thức về cho Đất nước |
Trong vấn đề này, tác giả cho rằng, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và vận hành Trung tâm đổi mới sáng tạo Quốc gia, với những cơ chế đặc thù được Chính phủ cho phép, là một quyết sách giá trị. Chính những bước đi quyết liệt và sáng tạo này sẽ giúp Việt Nam thu hút được các chuyên gia cấp cao, nhất là người Việt đang làm việc ở các tập đoàn đa quốc gia và tổ chức lớn quốc tế, trở về Việt Nam làm việc thật, chứ không phải chỉ về làm biểu tượng. Họ sẽ đóng góp vào lõi tri thức cho Việt Nam.
Là người từng đưa ra chủ đề “Nghiên cứu phát triển cụm tương hỗ điện tử vùng Hà Nội” trong Chương trình chia sẻ kinh nghiệm với Hàn Quốc (vì tác giả đã nghiên cứu kỹ “Báo cáo phân tích và đề xuất phát triển cụm tương hỗ điện tử ở Việt Nam, 2008” và “Báo cáo năng lực cạnh tranh Việt Nam, 2010” của học giả đoạt giải Nobel kinh tế Michael E. Porter và cộng sự), tác giả nhận ra rằng, chưa có chuyên gia quốc tế nào đưa ra cho Việt Nam tư vấn về tầm nhìn, nội dung và cách làm cụ thể phát triển đất nước có giá trị như Michael E. Porter. Luận giải cho quan điểm này của tác giả là, năm 2008, xuất khẩu điện tử Việt Nam đạt khoảng 3 tỷ USD, đến 2021 đã lên tới 108 tỷ USD (Nguồn: HSBC), chiếm tới 30% tổng giá trị xuất khẩu các sản phẩm quốc gia. Dù có lý luận gì đi nữa thì thực tiễn giá trị xuất khẩu điện tử vẫn là thước đo chân lý về trình độ tư vấn của học giả Michael E. Porter. Kết quả đáng kinh ngạc về giá trị xuất khẩu điện tử cho chúng ta kết luận, cần tập trung vào phát triển thương hiệu điện tử Việt Nam thời kỳ CMCN 4.0 là hợp lý.
Trong một kỷ niệm khác, khi tác giả làm việc cùng Cố vấn Tổng thống Hàn Quốc, TS. Dae Young Joo trong nghiên cứu “Đề xuất chiến lược phát triển công nghiệp điện tử thông qua thiết lập cụm tương hỗ (cluster) điện tử vùng thủ đô Hà Nội”, 2015 - 2016, tác giả nhận được câu hỏi từ người Cố vấn: “Người Việt Nam có khả năng trong lĩnh vực điện tử không?”. Lần thứ 3 trả lời câu hỏi trên, tác giả vẫn đáp lại rằng: “Tôi tin người Việt Nam không thua kém người Trung Quốc trong lĩnh vực này”. Niềm tin ấy cũng đã được tôi thể hiện trong một số bài báo đăng tải trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) và nhiều diễn đàn khác. Câu hỏi ông cố vấn Chính phủ Hàn Quốc đặt ra trong bối cảnh Hàn Quốc đã chuyển sản xuất, thực chất là phần lắp ráp sản phẩm điện tử từ Seoul, sang Thâm Quyến, Trung Quốc và hết ưu đãi, lợi thế lao động giá rẻ, đã chuyển sang Việt Nam tại vùng Hà Nội. Đến nay, thành công của các tập đoàn điện tử Hàn Quốc tại Việt Nam là câu trả lời xác đáng cho trả lời của tác giả.
Dù tin tưởng, nhưng cá nhân tôi và TS. Dae Young Joo cùng chia sẻ lo lắng rằng, một ngày nào đó nếu Việt Nam, nhất là doanh nghiệp điện tử không lớn mạnh, tự thiết kế, sản xuất được linh kiện cốt lõi, liệu các tập đoàn điện tử Hàn Quốc, rồi tập đoàn điện tử Đài Loan, tập đoàn điện tử Mỹ… có chuyển sang nước khác như Ấn Độ (đã rồi), Myanmar, Indonesia...? Nếu điều này xảy ra, Việt Nam sẽ nhận hậu quả về cơ cấu nền kinh tế, tăng trưởng kinh tế vĩ mô, tiến bộ xã hội và các địa phương liên quan sẽ bị khủng hoảng, vì hiện tại giá trị xuất khẩu điện tử lớn, với hàng trăm nghìn lao động đang làm việc trong lĩnh vực này, rồi kết cấu hạ tầng KCN điện tử sẽ bỏ hoang…
Bước đầu, Việt Nam nên chế tạo sản phẩm bằng công nghệ cốt lõi, với quản trị tinh gọn phù hợp quốc gia dựa trên chuẩn mực chung |
Năm 2022 là thời kỳ rất đặc biệt cho việc thực thi những khát vọng phát triển Đất nước. Bằng bài viết này, tác giả chia sẻ suy nghĩ của mình cùng bạn đọc, với hy vọng các ngành sản xuất, nhất là sản xuất và kinh doanh sản phẩm chủ lực xuất khẩu quốc gia trên cơ sở chuỗi giá trị toàn cầu, mạng sản xuất và nâng vòng đời cụm tương hỗ, sẽ góp phần quan trọng đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp mới vào giữa thể kỷ.
Tác giả cũng hy vọng, bài viết góp một tiếng nói trong xác định và phát triển sản phẩm chủ lực xuất khẩu quốc gia, tập trung vào sản phẩm điện tử, rồi sản phẩm nông sản và sản phẩm cơ khí, chế tạo, dệt may, da giầy, túi sách, trên cơ sở cơ cấu kinh tế tiến bộ, đặc biệt là mô hình tăng trưởng đổi mới và nâng cao cạnh tranh quốc gia trong bối cách mới thách thức, cơ hội đan xen hiện nay, tương lai./.
Bình luận