Điểm nghẽn chính sách chuyển đổi số quốc gia và giải pháp ứng dụng trí tuệ nhân tạo đồng bộ dữ liệu chính sách
Viện Quản trị Chính sách được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Khoa học và Công nghệ định vị phát triển khoa học chính sách vĩ mô, trong đó các chuyên gia sáng lập Viện đã tham gia xây dựng nội luật của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia, Đề án cơ chế thử nghiệm, Đề án Công nghiệp văn hóa, Đề án Chuyển đổi số Quốc gia, Đề án khuyến nghị Việt Nam tham gia thuế suất tối thiểu toàn cầu và hiện nay là Đề án Chiến lược Dữ liệu Quốc gia. Bài viết có trích dẫn và tham khảo nội dung bối cảnh và giải pháp từ tài liệu Nhà nước đặt hàng Chuyên gia Lê Nguyễn Thiên Nga, nghiên cứu trưởng Vận động chính sách Chiến lược Dữ liệu Quốc gia.
Bối cảnh chung
Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số vàng trên 100 triệu dân (cơ cấu dân số vàng chỉ xuất hiện một lần duy nhất trong lịch sử nhân khẩu học). Nhiều quốc gia đã tận dụng được cơ hội này để bứt phá, phát triển nhanh. Tất cả các nước công nghiệp mới ở châu Á đều cất cánh bay lên nhờ đã tận dụng thành công giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia đã bỏ lỡ, chìm sâu trong bẫy thu nhập trung bình. Hơn bao giờ hết, đây là giai đoạn chúng ta cùng quyết liệt ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy nghiên cứu, truyền thông chính sách quốc gia, tạo động lực đột phá cho đổi mới mô hình tăng trưởng. Tất cả cùng chung tay để tạo nên một Việt Nam hội nhập, như mục tiêu của Chính phủ đặt ra là đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.
Tiếp nối thông điệp của văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, tổng hợp sức mạnh của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, thu hút trọng dụng nhân tài, khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội cho phát triển, đầu tư thúc đẩy nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, phát triển và ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”, trong bài viết gửi toàn dân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945-2/9/2024), với chủ đề “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm truyền đi thông điệp mạnh mẽ và khát vọng lớn lao: “Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới, vừa là thời cơ, đồng thời cũng là thách thức trên con đường phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị, chúng ta nhất định sẽ thực hiện thành công cuộc cách mạng chuyển đổi số, tạo ra bước đột phá trong phát triển lực lượng sản xuất và hoàn thiện quan hệ sản xuất, đưa đất nước ta, dân tộc ta vươn mình vượt bậc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của tiên tiến, văn minh, hiện đại”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Lễ kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam |
Từ lời hiệu triệu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển đồng hành cùng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống phối hợp liên kết các nhân tố dẫn dắt, đi đầu trong huy động nguồn lực xã hội và thu hút hợp tác quốc tế, cùng nỗ lực phát triển hoạt động nghiên cứu Chiến lược Dữ liệu Quốc gia - Chính sách xây dựng Luật Dữ liệu, kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam với định hướng như sau:
Chính sách 1: Xây dựng, phát triển, quản trị, xây dựng kho dữ liệu và xử lý dữ liệu.
Chính sách 2: Ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu.
Chính sách 3: Quản lý nhà nước về dữ liệu, cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia, trung tâm dữ liệu quốc gia và các sản phẩm, dịch vụ liên quan đến dữ liệu và luồng giao dịch dữ liệu.
Chính sách 4: Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Việt Nam đặt mục tiêu phát triển hạ tầng dữ liệu đến năm 2030, tất cả 100% các trung tâm dữ liệu quốc gia; trung tâm dữ liệu vùng, khu vực; trung tâm cấp quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao trên cả nước được bảo đảm kết nối thành công, tạo thành một mạng lưới chia sẻ năng lực tính toán, xử lý dữ liệu lớn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa của đất nước.
Trung tâm Dữ liệu Quốc gia về Dân cư, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an – cung cấp các dịch vụ xác thực điện tử |
Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định, chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm. Các nghị quyết và chỉ thị của Đảng đã nhấn mạnh việc xây dựng hạ tầng dữ liệu quốc gia và các trung tâm dữ liệu để phục vụ quá trình chuyển đổi số quốc gia. Chiến lược Dữ liệu Quốc gia đến năm 2030 cũng khẳng định: Dữ liệu là nguồn tài nguyên mới, là yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia, tạo ra giá trị mới thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phục vụ lợi ích người dân.
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận tổ quốc Việt Nam dự Lễ kỷ niệm 60 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức (18/5/1963-18/5/2023) và 40 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (26/3/1983-26/3/2023) |
Trên cơ sở kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực, tạo ra các mô hình kinh doanh mới. Trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IOT), dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang dần trở thành những công cụ sản xuất quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực.
Kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng số, đang được đầu tư phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới viễn thông và internet băng thông rộng phủ sóng rộng khắp cả nước, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ông Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an phát biểu chỉ đạo tại Chương trình triển khai cung cấp dịch vụ xác thực điện tử của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR- C06, Bộ Công an) |
AI là động lực thúc đẩy đáng kể trong sự phát triển xã hội và nền kinh tế. Theo nghiên cứu của Accenture, AI có khả năng thúc đẩy gấp đôi tốc độ phát triển kinh tế và tăng 40% năng suất lao động tại các nước phát triển cho đến năm 2035.
Đặc điểm của hệ thống AI là dữ liệu càng nhiều, liên tục, thông tin càng chính xác, thì các dự đoán, hỗ trợ từ AI càng có tính chính xác cao, đưa ra các phương án tối ưu để người dùng lựa chọn. Dữ liệu là khởi nguồn của tất cả mọi chiến lược chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, thiết lập xã hội số. Dữ liệu là nền tảng tạo nên giá trị của các công nghệ mới như AI. Dữ liệu đóng vai trò quan trọng trong mọi chiến lược chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, phát triển kinh tế số, thiết lập xã hội số. Quản lý dữ liệu lớn trở thành thách thức, từ bảo mật, đến chia sẻ và phân quyền…
Song song với xây dựng dữ liệu, Việt Nam phải có những hành động mạnh mẽ về khung chính sách, khung pháp lý để bắt kịp xu hướng AI toàn cầu.
Mô hình đồng bộ chính sách trên cơ sở chuyển đổi số quốc gia của Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống |
I. Việt Nam tạo đột phá chính sách từ trí tuệ nhân tạo, thể hiện tầm nhìn Quốc gia, hành động địa phương, xu hướng toàn cầu
- Nâng cao hình ảnh năng lực cạnh tranh của Chiến lược Dữ liệu trong tổng thể chiến lược phát triển Quốc gia, tăng cường ứng dụng AI và liên kết cơ sở dữ liệu để thu hút nguồn lực, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm công khai, minh bạch các hoạt động, tạo thuận lợi tối đa để thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước.
- Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh; nắm tình hình, diễn biến thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa.
- Phát triển liên kết dữ liệu cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hệ sinh thái chuyên gia - doanh nhân - truyền thông thế giới, để cùng chia sẻ thông tin, tăng cường góp ý chính sách, đồng hành liên kết cơ sở dữ liệu để tạo môi trường thuận lợi nhất cho Việt Nam trên trường Quốc tế
- Kết nối doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam với đối tác tiềm năng là các tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp/doanh nhân, chính quyền, tổ chức chính trị, xã hội – nghề nghiệp quốc tế qua một đầu mối dữ liệu duy nhất đồng bộ và tập trung.
- Thống nhất mô hình dữ liệu liên bộ, phát triển chuỗi liên kết giữa trường đại học – doanh nghiệp đổi mới sáng tạo – tập đoàn, hiệp hội doanh nghiệp/doanh nhân – quỹ.
- Quảng bá về hoạt động và kết quả của các chính sách thúc đẩy AI, đồng thời các thử nghiệm AI thúc đẩy quá trình xây dựng và điều hành chính sách. Thường xuyên có những báo cáo tổng kết bước tiến AI của Việt Nam tới cộng đồng trong nước và quốc tế.
- Tăng cường liên kết dữ liệu hệ sinh thái đổi mới sáng tạo địa phương và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, kết nối với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc tế giúp cho doanh nghiệp bán được sản phẩm, dịch vụ.
II. Ứng dụng AI trong nghiên cứu và góp ý xây dựng chính sách để thông điệp của Chính phủ có thể truyền đến địa phương và ngược lại địa phương có thể quảng bá được các chiến lược phát triển địa phương đến lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với Chính phủ và Quốc hội, các tỉnh thành địa phương khác, cũng như đến được các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
1. AI đã và đang được sử dụng rất nhiều trong hoạt động báo chí, từ việc phát hiện tin, lấy ý kiến người dân, thẩm định thông tin, tương tác với độc giả, kiểm duyệt bình luận, phân tích tổng hợp dữ liệu khảo sát, sản xuất video, cho đến viết tin bài tự động, MC ảo, trường quay ảo…
AI có thể mang lại rất nhiều lợi ích để nâng cao chất lượng xây dựng và góp ý chính sách thông qua công nghệ phát triển thiết bị thông minh bằng điều khiển giọng nói. Cần tăng cường sản xuất viral video, sản phẩm phát thanh audio podcast, các công nghệ sử dụng AI để làm bản tin tự động, chuyển đổi giọng nói thành văn bản… Phát triển kế hoạch truyền thông chính sách trên các sản phẩm thông minh như: loa, thiết bị đeo trên người, thiết bị IOT (kết nối vạn vật), hoặc các công nghệ có tiềm năng trong tương lai như: thực tế ảo (VR), thực tế tăng cường (AR), mixed reality…
2. Trực tiếp thu thập dữ liệu người dân, doanh nghiệp thông qua các khảo sát, nghiên cứu
Dữ liệu trực tiếp là nguồn nội dung quan trọng để phát triển truyền thông chính sách. Chiến lược thu thập dữ liệu sẽ giúp các cơ quan truyền thông chính sách xác định rõ đối tượng khảo sát, từ đó mở ra các cơ hội để cải thiện chất lượng truyền thông, trải nghiệm người dân, doanh nghiệp, đồng thời tạo ra những phân khúc hấp dẫn các cơ quan mua dữ liệu và các tài nguyên số, đầu tư vào các hệ thống công nghệ để thu thập và phân loại dữ liệu từ khảo sát, nghiên cứu.
Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn lấy người dân làm trung tâm của mọi chính sách và hành động |
3. Phát triển năng lực xây dựng chính sách địa phương trên các mạng xã hội và cá nhân hóa các thông tin theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.
Quy trình sản xuất thông tin xây dựng góp ý chính sách theo phương thức tích hợp, tổ chức nội dung thống nhất (bao gồm cả định hướng về mặt chính trị), cách thức thể hiện linh hoạt và phù hợp với từng nền tảng, từng nhóm đối tượng. Một số cơ quan báo chí lớn trên thế giới còn có hình thức cung cấp thông tin lên bảng điện tử công cộng, cung cấp thông tin tới các đối tượng hoạt động trong môi trường đặc biệt (ngư dân ngoài khơi, công nhân ở vùng sâu vùng xa, hàng không…).
Hội nghị Chiến lược Kinh tế tư nhân 2024, do Viện Quản trị Chính sách chủ trì diễn ra vào tháng 4/2024 |
Các tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn làm việc với Thủ tướng Chính phủ tháng 9/2024 |
4. Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển hợp tác với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội đang nghiên cứu thiết kết mô hình chính sách tập trung để phát triển chính sách và nâng cao tính liên kết của nhân dân trong tham gia thiết kế chính sách. Viện Quản trị chính sách phối hợp cùng Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống tham gia vào quá trình thúc đẩy khoa học chính sách trong phát triển nội luật truyền thông chính sách, mà Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan chủ trì xây dựng, trên cơ sở dữ liệu liên thông.
Giải pháp: Xây dựng địa chỉ hệ thống dữ liệu tập trung dự thảo chính sách và các nghiên cứu, các dự thảo chính sách liên quan theo chủ đề, thời gian ban hành cần đội ngũ khoa học và doanh nhân tham gia góp ý, phản biện.
Mục tiêu: Nâng cao nhận thức, kiến thức về hệ thống chính sách và quy trình hoạch định chính sách, từ đó đẩy mạnh nhận biết chính sách. Doanh nghiệp và cộng đồng được quan sát công tác thực thi chính sách, tăng cường ứng dụng công nghệ trong tổng hợp góp ý, khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ quá trình dự thảo chính sách để thông tin công khai, minh bạch trong quan hệ với đối tác, nhất là với các đối tác lớn. Các chính sách xây dựng trên cơ sở một bản kiến trúc tổng thể, hạn chế lãng phí nguồn lực, phát huy trí tuệ tập thể, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Nội dung triển khai: Hệ thống chính sách được tổng hợp liên bộ, liên ngành, từ trung ương đến địa phương, từ hệ thống điều hành đến các đơn vị thực thi.
Kế hoạch hoạt động | Sản phẩm/Mô tả |
Hoạt động 1: Hệ thống thông tin độc lập về cơ sở dữ liệu chính sách địa phương và Chiến lược quốc gia tổng hợp theo hệ thống chủ đề, thời gian ban hành. Cổng thông tin đăng tải, lưu trữ theo hệ thống về các chiến lược chính sách từ Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, địa phương. Kết nối tự động đầu mối thông tin các đơn vị ban hành chính sách và đơn vị thực thi chính sách, để hỗ trợ giải đáp thắc mắc trong quá trình triển khai, hợp tác với các đơn vị tư vấn và tổ chức trung gian để tăng cường các công tác dự báo chính sách, đánh giá chính sách, giám sát chính sách, phản biện chính sách và xử lý khủng hoảng chính sách (nếu có). | Cổng thông tin tổng hợp dữ liệu chính sách . Đăng tải hệ thống nghiên cứu, báo cáo tổng hợp, góp ý kiến nghị chính sách. Cổng thông tin có ứng dụng công nghệ chuyển đổi số để trả lời tự động và tổng hợp góp ý, phản hồi.
|
Hoạt động 2: Thúc đẩy các chương trình đối thoại song phương đa phương có kết cấu tổ chức chính sách, có lộ trình tổ chức và liên kết tổ chức theo chủ trương tăng cường lấy ý kiến cho dự thảo chính sách pháp luật của Chính phủ và Quốc hội đối với các thành phần liên quan để chính sách xây dựng trên cơ sở dữ liệu đầy đủ và tốt nhất. | Các hội thảo, diễn đàn đối thoại. Các ấn phẩm, khảo sát, báo cáo nghiên cứu. Truyền thông chính sách thông tin về các giải pháp hỗ trợ ứng dụng AI nói riêng, chuyển đổi số nói chung. |
Hoạt động 3: Cổng thông tin thu nhận và chia sẻ dữ liệu dùng chung: phục vụ cho các quá trình tổng kết, nghiên cứu đánh giá tác động chính sách, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển các chiến dịch truyền thông dân vận về hiệu quả chính sách, hỗ trợ quá trình tìm kiếm thông tin thực thi chính sách. Hệ thống hóa các cơ sở dữ liệu nghiên cứu, phối hợp với các cơ quan liên quan trong quá trình ban hành dự thảo văn bản quy phạm pháp luật một cách xuyên suốt, đồng bộ. | Ứng dụng AI, chatbox trong quản trị và vận hành góp ý lấy ý kiến. Có các giải pháp mới trong truyền thông dự thảo chính sách. |
III. Vòng tròn chính sách huy động nhân dân đồng hành phát triển công nghệ AI trên cơ sở dữ liệu của vòng đời con người hoặc vòng đời doanh nghiệp, đảm bảo yếu tố người dân, doanh nghiệp thực sự là trung tâm
Cần huy động nhân dân đồng hành phối hợp và thu hút các đơn vị có năng lực đồng bộ các giải pháp ứng dụng AI, trong đó có các chính sách đặc thù thúc đẩy doanh nghiệp phát triển công nghệ AI trong dịch vụ công.
Chính phủ các nước đã xây dựng Cổng Dịch vụ công tập trung để tổ chức, cá nhân có thể truy cập, thực hiện. Cổng Dịch vụ công được phát triển theo sự kiện đời sống để đáp ứng, tạo thuận lợi cho người dùng vì thực tế cho thấy, phần lớn người dùng không biết hoặc không có thông tin về các dịch vụ phải thực hiện khi gặp một sự kiện trong cuộc đời của mình.
Ví dụ, người dùng muốn biết phải thực hiện những dịch vụ công nào khi thành lập doanh nghiệp, mở chi nhánh... Khi đó, Cổng Dịch vụ công phải được thiết kế, tổ chức lại trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá các thủ tục hành chính, dịch vụ công trên cơ sở thực hiện kết nối, chia sẻ các thông tin, dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương khi doanh nghiệp, công dân đối diện với các sự kiện trong vòng đời một con người hoặc một doanh nghiệp. Các giải pháp ứng dụng công nghệ AI giải quyết được các vấn đề của đời sống và liên kết với các sự kiện trong vòng đời một con người hay một doanh nghiệp, thì mới có thể phát triển được trong thế giới nhiều biến động như hiện nay.
IV. Kết luận
Tại Chương trình Chiến lược phát triển Việt Nam do Viện Quản trị Chính sách chủ trì gần đây, ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh, thế giới đang bước vào giai đoạn mới trên nền tảng khoa học công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nên các doanh nghiệp, doanh nhân phải có chiến lược phát triển mới, cần tăng cường đối thoại và cần thiết khép kín Vòng tròn Chính sách.
“Chúng tôi đề nghị các diễn giả là doanh nhân, nhà khoa học, nhà quản lý đi sâu vào phân tích vị trí, vai trò, giải pháp, tầm nhìn chiến lược, những thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ. Đồng thời, đề xuất những bài học kinh nghiệm trong nước, quốc tế, mô hình phát triển và kiến nghị áp dụng triển khai tại Việt Nam, những kiến nghị với Trung ương về giải pháp cụ thể sửa đổi hệ thống pháp luật vì chủ trương lớn của Đảng.”
Ông Phan Xuân Dũng - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu |
Chiến lược Dữ liệu Quốc gia là chiến lược lõi cơ bản và quyết định để thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia. Chiến lược Dữ liệu Quốc gia phải giải quyết được sự thống nhất, trong đó có:
- Vấn đề lý luận chung và kinh nghiệm quốc tế về nguồn lực và động lực phát triển Chiến lược Dữ liệu Quốc gia trong bối cảnh chuyển đổi số và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
- Giải pháp thống nhất và đồng bộ trong việc sử dụng dữ liệu, để phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội.
- Giải pháp đồng bộ Dữ liệu phục vụ phát triển Chính phủ số, cải cách thủ tục hành chính và thúc đẩy hình thành thị trường dữ liệu, hỗ trợ phát triển các sản phẩm và dịch vụ dựa trên dữ liệu.
- Kinh nghiệm thực tiễn trong khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực dữ liệu cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh chuyển đổi số quốc gia trên các ngành, lĩnh vực, địa phương tiêu biểu.
- Đề xuất một số giải pháp khơi thông, huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực dữ liệu, các kinh nghiệm khai thác thị trường dữ liệu tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
- Triển khai hiệu quả Kế hoạch tổng kết thực tiễn, lý luận mô hình đổi mới sáng tạo và phương thức phát triển của Chiến lược Dữ liệu Quốc gia.
- Liên kết dữ liệu để người dân, doanh nghiệp là trung tâm phát triển, thụ hưởng thành quả bao trùm, không ai bị bỏ lại phía sau.
Điều quan trọng để thực hiện xuyên suốt chuyển đổi số, là đồng bộ cơ sở dữ liệu toàn dân, giải quyết các vấn đề chung của Quốc gia thông qua tổ chức chính sách liền mạch, hệ thống dữ liệu, nội dung tổng quát, chuyên sâu, bao trùm từ phát hiện vấn đề chính sách, đến đánh giá tác động, đồng thời dự báo được các phản ứng chính sách, lấy ý kiến tạo sự đồng thuận xã hội trong suốt quá trình dự thảo và thực thi chính sách, để đạt được các mục tiêu mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đến năm 2030, Việt Nam sẽ đứng trong nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới và xếp thứ 3 trong ASEAN về chính phủ điện tử, kinh tế số.”
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã viết lời hiệu triệu, mong toàn Đảng, toàn dân cùng hưởng ứng, đồng hành phát triển và xây dựng đất nước, vì một Việt Nam hùng cường, phồn vinh, thịnh vượng.
Chuyên gia Lê Nguyễn Thiên Nga, nghiên cứu trưởng Chuyên ngành Vận động chính sách Chiến lược dữ liệu quốc gia chụp hình lưu niệm cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Hội nghị Kinh tế Hợp tác xã. Chuyên gia Lê Nguyễn Thiên Nga là chuyên gia cấp cao về lĩnh vực 4.0 của Văn phòng Chính phủ, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tư pháp. Từ 2018, bà được mời làm thiết kế trưởng và huy động nguồn lực tiền đề cho chương trình Techfest Việt Nam, Trưởng làng 4.0 đầu tiên và duy nhất Đề án hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ươm tạo và chọn lựa doanh nghiệp vô địch Startup World. Bà sáng lập và điều hành mạng lưới chuyên gia và cố vấn toàn cầu Vietnam Startup Ecosystem, Chủ nhiệm nhiệm vụ truyền thông cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, Chủ nhiệm nhiệm vụ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ, là cố vấn phát triển thị trường cho doanh nghiệp theo đặt hàng của TP. Hà Nội và các tỉnh như: Bình Dương, Quảng Ninh… |
Nguyễn Tất Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Viện Quản trị Chính sách và nhóm chuyên gia Đề án Từ Chính sách ra Cuộc sống
Bình luận