Tổng giá trị thương hiệu của 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu năm nay đạt 3,95 tỉ đô la Mỹ. Trong danh sách, ngành ngân hàng chiếm tỉ trọng lớn nhất với 17 đại diện, kế tiếp là ngành chứng khoán với 5 đại diện và cuối cùng là ngành bảo hiểm với 3 đại diện (xem bảng). Do quy mô và tính chất hoạt động, ngành ngân hàng chiếm 14 vị trí dẫn đầu trong danh sách.

Giá trị các thương hiệu ngành tài chính gia tăng mạnh mẽ

Forbes Việt Nam cho biết, việc định lượng giá trị của một thương hiệu thông qua những số liệu tài chính, dựa trên khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo nguyên tắc chung, lợi nhuận của các doanh nghiệp có phần tạo ra từ tài sản hữu hình và vô hình. Vì vậy, thương hiệu có đóng góp vào lợi nhuận, đó là giá trị thương hiệu.

Forbes định giá thương hiệu ngành tài chính Việt Nam theo cách nào?
Với giá trị 705 triệu đô la Mỹ, giá trị thương hiệu của Vietcombank dẫn đầu danh sách

Để tính toán, Forbes xác định lợi nhuận tạo ra từ tài sản vô hình (loại bỏ lợi nhuận tạo ra từ các tài sản hữu hình). Giá trị thương hiệu được xác định từ lợi nhuận ở trên sau khi phân bổ hệ số đóng góp của thương hiệu trong từng ngành và hệ số P/E trung bình của ngành đó tại thời điểm tính toán. FiinGroup đã hỗ trợ Forbes trong quá trình tính toán giá trị thương hiệu ngành tài chính năm 2021.

Với giá trị 705 triệu đô la Mỹ, giá trị thương hiệu của Vietcombank tăng mạnh so với năm trước đó, dẫn đầu danh sách TOP 25. Hai ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước khác là VietinBank và BIDV có thứ hạng cao. Với bề dày hoạt động, vị thế vững chắc, mạng lưới rộng khắp, VietinBank và BIDV đứng ở vị trí thứ ba và thứ năm, với giá trị thương hiệu lần lượt là 388 triệu và 320 triệu đô la Mỹ.

Trên thị trường chứng khoán Việt Nam những năm gần đây chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ về vị thế, quy mô hoạt động và giá trị thị trường của nhiều công ty tư nhân, nhất là khối ngân hàng. Theo đó, danh sách TOP 25 giá trị thương hiệu ngành tài chính năm nay có sự hiện diện của một số ngân hàng tư nhân hoạt động hiệu quả, thậm chí đạt đến thứ hạng cao. Chẳng hạn Techcombank đứng ở vị trí thứ hai với giá trị thương hiệu 430 triệu đô la Mỹ, VPBank vị trí thứ tư với 356 triệu đô la Mỹ. Các ngân hàng tư nhân có bề dày thương hiệu và đang hoạt động hiệu quả như MB và ACB ở vị trí thứ sáu và thứ bảy, giá trị lần lượt 312 triệu và 257,3 triệu đô la Mỹ.

Sự tính toán chuyên sâu trong lĩnh vực tài chính giúp các ngân hàng tư nhân đang phát triển năng động như HDBank, VIB, TPBank, OCB lần đầu tiên lọt vào danh sách định lượng giá trị thương hiệu của Forbes Việt Nam, chiếm các vị trí thứ 8 - 11. Tiếp theo trong danh sách là các ngân hàng thương hiệu đã quen thuộc với thị trường như Sacombank, SHB, LienVietPostBank, Maritime Bank, SeABank và ABBank khi sản phẩm và thương hiệu hiện diện khắp nơi.

Giá trị các thương hiệu ngành tài chính năm nay có sự gia tăng mạnh mẽ đến từ hai lý do chính. Thứ nhất, ngành tài chính, cụ thể là ngân hàng và chứng khoán đều có sự gia tăng lợi nhuận mạnh mẽ trong niên độ tài chính 2020. Thứ hai, trong bối cảnh lãi suất thấp và dịch bệnh, thị trường chứng khoán Việt Nam thu hút dòng tiền và sự quan tâm của giới đầu tư, đưa hệ số P/E trung bình của thị trường đạt khoảng 18 lần tại thời điểm tính toán. Vào thời điểm tính toán và công bố danh sách những năm trước, mức P/E trung bình của thị trường chứng khoán khoảng 11 - 13 lần.

5 công ty chứng khoán có tên trong TOP 25

Forbes định giá thương hiệu ngành tài chính Việt Nam theo cách nào?
SSI nhiều năm liền có mặt trong danh sách thương hiệu dẫn đầu của Forbes Việt Nam, năm nay giá trị thương hiệu tăng mạnh lên 42,3 triệu đô la Mỹ

Trong ngành chứng khoán, lĩnh vực đang phát triển nóng, danh sách có 5 đại diện. Đây là các công ty chứng khoán hoạt động ổn định và hiệu quả vượt trội so với phần còn lại của ngành. Dẫn đầu nhóm chứng khoán là Techcom Securities với giá trị thương hiệu đạt 59,6 triệu đô la Mỹ. SSI, công ty chứng khoán nhiều năm liền có mặt trong danh sách thương hiệu dẫn đầu của Forbes Việt Nam, năm nay giá trị thương hiệu tăng mạnh lên 42,3 triệu đô la Mỹ. Ba thương hiệu tiếp theo thuộc về Bản Việt (27,9 triệu đô la Mỹ), CTCK TP. HCM (20 triệu) và VNDirect (17,5 triệu).

Lĩnh vực bảo hiểm có ba cái tên gồm Tập đoàn Bảo Việt (72 triệu đô la Mỹ), CTCP PVI (28 triệu) và tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIC (10 triệu). Trái với diễn biến tích cực của nhóm ngân hàng và chứng khoán, giá trị các thương hiệu ngành bảo hiểm giảm sút so với danh sách năm trước đến từ hai lý do chính. Thứ nhất do sự suy giảm lợi nhuận của một số công ty đầu ngành. Thứ hai, nhóm cổ phiếu ngành bảo hiểm lặng sóng, nằm ngoài sự quan tâm của thị trường khiến hệ số P/E của ngành giảm mạnh, kéo theo giá trị thương hiệu giảm.

Forbes Việt Nam thực hiện danh sách này khi làn sóng COVID-19 bùng phát lần thứ tư gây tác động tiêu cực nghiêm trọng đến kinh tế và xã hội. Trong bối cảnh khó khăn chung, điều đáng mừng là giá trị một số ngân hàng Việt Nam đã vượt hoặc tiệm cận các đối thủ mạnh trong khu vực. Chẳng hạn vào trung tuần tháng 7/2021, vốn hóa của Vietcombank đã vượt Commercial Siam Bank (SCB) - Ngân hàng lớn nhất Thái Lan và trên đường tiệm cận với định chế tài chính lớn nhất Malaysia là Malayan Banking Berhad (Maybank). So sánh với hai đối thủ, quy mô tổng tài sản Vietcombank vẫn còn khoảng cách nhưng được thị trường, trong đó có định chế tài chính nước ngoài định giá cao dựa trên dư địa tăng trưởng của thị trường tài chính, sức mạnh nội tại và tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

Forbes Việt Nam tính toán và công bố danh sách các thương hiệu giá trị nhất Việt Nam lần đầu tiên năm 2016. Trong lần thứ sáu thực hiện danh sách, Forbes Việt Nam có một điều chỉnh quan trọng. Theo đó, thay vì thực hiện danh sách tổng hợp như năm lần trước đây, kể từ năm 2021, Forbes Việt Nam tập trung tính toán giá trị thương hiệu của các công ty trong một lĩnh vực cụ thể. Sự điều chỉnh này nhằm mở rộng đối tượng tính toán và tập trung chuyên sâu trong từng lĩnh vực. Mặt khác, với thời gian đủ dài nhìn vào danh sách có thể thấy sự thay đổi, phát triển của doanh nghiệp. Năm 2021 là năm đầu tiên Forbes Việt Nam tính toán chi tiết danh sách các thương hiệu giá trị nhất trong ngành tài chính bao gồm ngân hàng, chứng khoán và bảo hiểm của Việt Nam.

Forbes Việt Nam tin tưởng, nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua giai đoạn rất khó khăn hiện nay. Cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại xuất phát từ nguyên nhân y tế nên khi quy mô tiêm chủng đủ lớn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sức bật nhờ thị trường tiêu dùng nội địa rộng lớn, nhờ lực lượng lao động trẻ dồi dào và dư địa tăng trưởng của cả nền kinh tế cũng như khả năng thích ứng, xoay xở của các doanh nghiệp.

Danh sách 25 thương hiệu tài chính dẫn đầu

Lĩnh vực

Tên

Giá trị

(triệu đô la Mỹ)

Vị trí

Ngân hàng

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank)

705

1

Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank)

430

2

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank)

388

3

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)

356

4

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

320

5

Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB)

312

6

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB)

257,3

7

Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank)

162

8

Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)

138

9

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank)

115

10

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB)

107,8

11

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank)

96,3

12

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB)

91,8

13

Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)

62

15

Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank)

53,2

17

Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank)

40,9

19

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank)

39,4

20

Chứng khoán

CTCP Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities)

59,6

16

CTCP Chứng khoán SSI (SSI)

42,3

18

CTCP Chứng khoán Bản Việt (VietCapital Securities)

27,9

22

CTCP Chứng khoán TP.HCM

20

23

CTCP Chứng khoán VNDirect

17,5

24

Bảo hiểm

Tập đoàn Bảo Việt

72

14

CTCP PVI

28,5

21

Tổng CTCP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC)

10

25