Giá lương thực, thực phẩm tăng “đẩy” CPI tháng 8 tăng
So với tháng trước, CPI tháng 8/2021 tăng 0,25%, trong đó khu vực thành thị tăng 0,34%, cao hơn mức tăng 0,14% của khu vực nông thôn, nguyên nhân chủ yếu do chỉ số giá nhóm lương thực, thực phẩm của khu vực thành thị có mức tăng cao. Trong khi đó, CPI tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.
chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2021 tăng 0,25% so với tháng trước |
Nguyên nhân chính làm tăng chỉ số CPI tháng 8/2021, theo Tổng cục Thống kê, là do, giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm phòng chống dịch Covid-19.
Tháng 8, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 4 nhóm (nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nhóm đồ uống và thuốc lá; nhóm giáo dục; nhóm thuốc và dịch vụ y tế) tăng giá so với tháng trước, 4 nhóm (nhóm giao thông; nhóm bưu chính, viễn thông; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép) giảm giá, 3 nhóm giữ giá ổn định (nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; hàng hóa và dịch vụ khác).
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 8 tháng năm 2021 tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất kể từ năm 2016.
Lạm phát cơ bản tháng 8/2021 giảm 0,02% so với tháng trước, tăng 0,98% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 8 tháng năm 2021, lạm phát cơ bản tăng 0,9% so với cùng kỳ năm 2020, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,79%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, giá xăng, dầu, điện và giá gas tăng. Mức lạm phát cơ bản tháng 8 và 8 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm trước đều là mức thấp nhất kể từ năm 2011.
Như vậy, với diễn biến trên, dư địa để Việt Nam kiểm soát lạm phát còn nhiều và việc kiểm soát lạm phát cả năm 2021 như mục tiêu đề ra dưới 4% là hoàn toàn khả thi./.
Bình luận