Giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 đạt 19,8 tỷ USD
Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 9,28 tỷ USD, giảm 9,2%; Giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,3%; Giá trị xuất khẩu chăn nuôi ước đạt 0,32 tỷ USD, tăng 4,6%; Giá trị xuất khẩu các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 5,23 tỷ USD, tăng 20,3%.
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 06/2019 ước đạt 625 nghìn tấn với giá trị đạt 275 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,39 triệu tấn và 1,46 tỷ USD, giảm 2,8% về khối lượng và giảm 19% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Trong các nước nước xuất khẩu, Philippin đứng vị trí thứ nhất trong 5 tháng đầu năm 2019 với 35,7% thị phần, đạt 1,06 triệu tấn và 423,3 triệu USD, gấp gần 4 lần về khối lượng và gấp 3,4 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Năm tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là Angola (gấp 4,3 lần); Hồng Kông (+64,5%); Bờ Biển Ngà (+61,2%), Ả rập xê út (+53,9) và Nga (+40,8%).
Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,2% cùng kỳ năm 2018
Tháng 6/2019, giá trị xuất khẩu rau quả ước đạt 298 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019, với 72,6% thị phần, đạt 1,28 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2018.
Xuất khẩu cà phê tháng 6/2019 ước đạt 165 nghìn tấn với giá trị đạt 274 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu cà phê 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 943 nghìn tấn và 1,6 tỷ USD, giảm 9,2% về khối lượng và giảm 19,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018. Giá cà phê xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2019 đạt 1.710 USD/tấn, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2018. Đức và Hoa Kỳ tiếp tục là hai thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 với thị phần lần lượt là 13,2% và 9,8%.
Ước giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 6 năm 2019 đạt 912 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 4,93 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm 2018. Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc - 4 thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019 - chiếm 79,2% tổng giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ tăng mạnh là Ả Rập xê út (+57,1%), Hoa Kỳ (+35%), Đức (+22,8%), Nhật Bản (+19,5%) và Bỉ (+17,5%).
Giá trị xuất khẩu thủy sản tháng 6/2019 ước đạt 794 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu thủy sản 6 tháng đầu năm 2019 ước đạt gần 4 tỷ USD, tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2018. Nhật Bản, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu của thủy sản Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2019, chiếm 55,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản. Trong 5 tháng đầu năm 2019, các thị trường có giá trị xuất khẩu thủy sản tăng mạnh là Mexico (+24,4%), Malaysia (+18,6), Đài Loan (+18,5%) và Nhật Bản (+11,6%).
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Nông thôn cũng cho thấy, giá trị nhập khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 5/2019 đạt 3,07 tỷ USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 5 tháng đầu năm đạt 12,87 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 10,81 tỷ USD, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm 2018. Ước giá trị nhập khẩu chăn nuôi tháng 5 năm 2019 đạt 346 triệu USD, đưa giá trị nhập khẩu chăn nuôi 5 tháng đầu năm đạt 1,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2018.
Như vậy, 5 tháng đầu năm 2019, cán cân thương mại ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt thặng dư hơn 3,2 tỷ USD, giảm 4,1% so với thặng dư thương mại cùng kỳ năm 2018.
Trong nhóm các sản phẩm có cán cân thương mại ở trạng thái thặng dư, gỗ và sản phẩm gỗ tiếp tục có thặng dư thương mại trong 5 tháng đầu năm 2019 cao nhất, đạt 3 tỷ USD, tăng 19,9% so với thặng dư thương mại 5 tháng đầu năm 2018. Mặt hàng thủy sản tuy có thặng dư thương mại đạt 2,45 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2019, cao thứ hai ngành nông, lâm, thủy sản, nhưng vẫn giảm 2,1% so với thặng dư thương mại cùng kỳ năm 2018.
Tương tự, nhóm hàng rau quả, hạt điều và cao su có giá trị xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2019 vượt giá trị nhập khẩu lần lượt 918,4 triệu USD; 476,9 triệu USD và 205,3 triệu USD nhưng so với cùng kỳ năm 2018, các mức thặng dư thương mại này đã giảm tương ứng 13,3%; 13,5% và 0,6%.
Tính chung, 6 tháng đầu năm, thặng dư thương mại ngành nông, lâm, thủy sản của Việt Nam ước đạt thặng dư hơn 4,2 tỷ USD, tăng 4,6% so với thặng dư thương mại cùng kỳ năm 2018./.
Bình luận