Giá USD giảm nhẹ sau khi Ngân hàng Nhà nước “trấn an” tỷ giá
Đó là khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng mới phát biểu trước báo giới. Ngay sau tuyên bố của Ngân hàng Nhà nước sẽ sử dụng mọi biện pháp để can thiệp thị trường, đã khiến giá USD giảm nhẹ trong khoảng 5 – 84 đồng/USD.
Giá USD đã giảm nhẹ sau khi Ngân hàng Nhà nước đưa ra tuyên bố để “trấn an” tỷ giá
Cụ thể, tại thời điểm sáng 25/11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 22.137 đồng/USD, tăng 6 đồng so với ngày hôm trước. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần đang là 22.801 đồng; tỷ giá sàn đang là 21.473 đồng/USD. Có thể thấy, tỷ giá có phần “giảm giá” sau tuyên bố “trấn an” tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng lại điều chỉnh giảm giá mua – bán USD. Mức giảm phổ biến được áp dụng từ 5-84 đồng.
Cụ thể, tại ngân hàng Vietinbank điều chỉnh giảm 10 đồng xuống mức mua – bán 22.680-22.780 đồng/USD. Vietcombank giảm 84 đồng giá mua vào và 24 đồng ở giá bán ra, tương ứng mức giá 22.670 - 22.770 đồng/USD.
Tương tự, ngân hàng Agribank sáng nay cũng điều chỉnh giảm 10 đồng mỗi chiều mua vào – bán ra xuống 22.670 - 22.780 đồng/USD. Ngân hàng Eximbank thực hiện giảm 30 đồng ở chiều mua và 5 đồng ở chiều bán so phiên trước, tỷ giá giao dịch USD đang ở mức 22.680 - 22.790 đồng/USD.
Ngân hàng Sacombank giảm 50 đồng ở giá mua và 40 đồng ở giá bán xuống 22.630 mức 22.750 đồng/USD. Cùng với đó, ngân hàng ACB giảm 10 đồng ở giá mua và 5 đồng ở giá bán so với phiên trước đó, mức niêm yết tỷ giá sáng nay ở mức 22.700 - 22.790 đồng/USD.
Còn tại ngân hàng BIDV giảm 50 đồng ở chiều mua vào xuống mức 22.680 đồng/USD và giảm 14 đồng ở giá bán ra xuống mức 22.780 đồng/USD. Ngân hàng Techcombank giữ nguyên giá mua – bán USD khi niêm yết tỷ giá ở mức 22.650 - 22.795 đồng/USD.
Thực tế, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, diễn biến về tỷ giá ngoại tệ trong những ngày qua phù hợp với những diễn biến trên thị trường trong nước và quốc tế, khi đồng USD cũng như các đồng tiền khác biến động khá lớn. Tuy nhiên, về cơ bản, cung cầu ngoại tệ không có yếu tố đột biến, thanh khoản tốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của tổ chức, cá nhân được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời và đầy đủ.
Vì vậy, tỷ giá tăng nhanh chủ yếu là do yếu tố tâm lý và có thể có diễn biến đảo chiều trong thời gian tới. Từ nay đến cuối năm, cung ngoại tệ tiếp tục được hỗ trợ bởi nguồn thu từ xuất khẩu, kiều hối chuyển vào dịp cuối năm, giải ngân dòng vốn đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp... Trong khi đó, cầu ngoại tệ không có áp lực lớn, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ mua trước hạn thường xảy ra khi biến động tăng về tỷ giá không cao.
Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay ngoại tệ theo Thông tư 24 đến hết năm 2017, góp phần giảm cầu mua ngoại tệ để thanh toán ra nước ngoài, tiếp tục hỗ trợ cho thị trường.
Hiện, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi rất sát diễn biến của kinh tế vĩ mô, tiền tệ trong nước và quốc tế để chủ động thực hiện các biện pháp và công cụ điều hành phù hợp để ổn định thị trường, kể cả việc Ngân hàng Nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, Phó Thống đốc cho biết./.
Bình luận