Giải ngân vốn FDI cao kỷ lục
Theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố, trong tháng 11, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài khá lớn so với các tháng trong năm với gần 4,12 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.
Tính đến 30/11, các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023 |
Đến 30/11, các dự án FDI ước tính đã giải ngân được khoảng 21,68 tỷ USD
Như vậy, lũy kế 11 tháng, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, có 3.035 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 1,6% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký đạt gần 17,39 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ.
Có 1.350 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, tăng 12,9% so với cùng kỳ với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 9,93 tỷ USD, tăng 40,7% so với cùng kỳ.
Có 3.029 giao dịch góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, giảm 7% so với cùng kỳ với tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,06 tỷ USD, giảm 39,7% so với cùng kỳ.
Điều đáng mừng là tính đến 30/11, các dự án đầu tư nước ngoài ước tính đã giải ngân được khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Hình: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 11 tháng các năm 2020-2024 (Tỷ USD)
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài |
Lý giải nguyên nhân thúc giải ngân FDI cao kỷ lục
Tình trạng này được lý giải là do nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và mở rộng vốn trong 11 tháng.
Đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ.
Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,37 tỷ USD và hơn 1,12 tỷ USD.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, điều này phản ánh các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện đúng cam kết tại thị trường Việt Nam, đồng thời phản ánh năng lực hấp thu và giải ngân vốn đầu tư của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Thời gian qua, Chính phủ đã tập trung thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế, dỡ bỏ các rào cản trong kinh doanh và đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là cởi mở và thân thiện.
Đặc biệt, Chính phủ đã nới lỏng quy định và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại các công ty niêm yết, giảm bớt gánh nặng cho nhà đầu tư, cho phép nhà đầu tư nước ngoài đầu tư không giới hạn vào trái phiếu Chính phủ.
|
Sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu, đặc biệt trong các ngành công nghệ lõi, công nghệ chip, công nghệ của tương lai năng lượng tái tạo, chất bán dẫn nổi lên như một xu hướng toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những điểm đến phù hợp nhờ việc tham gia 16 hiệp định FTA, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Nhật, Úc, Hàn, Nga; các chính sách cam kết đầu NetZero; cơ chế chính sách thu hút vốn vào lĩnh vực mới), cùng tiềm năng dân số hơn 100 triệu người với tỷ lệ trong độ tuổi lao động gần 70%.
Ngoài ra, các địa phương trong cả nước đã đồng loạt đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ (hỗ trợ, tạo điều kiện cho các DN FDI hiện hữu như cải cách thủ tục hành chính); đồng thời tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước theo đúng xu hướng đầu tư mới trên thế giới hướng vào đầu tư xanh, công nghệ cao… phù hợp với định hướng hợp tác đầu tư nước ngoài trong giai đoạn hiện nay và các năm tới của Việt Nam.
Trước đó, tại họp báo thường kỳ tháng 6/2024, ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, lạc quan về thu hút FDI của Việt Nam nhờ vào 3 yếu tố.
Thứ nhất, chiến lược đa dạng hoá cung ứng đầu tư.
Thứ hai là tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng, tác động tích cực đến chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư.
Thứ ba là yếu tố nền tảng. Mặc dù gặp rất nhiều biến động từ các yếu tố bên ngoài, chỉ số CPI của Việt Nam vẫn duy trì dưới mức 4% - đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Thứ trưởng Phương cũng thông tin rằng, qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào nước ta. "Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39-40 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023"./.
Bình luận