Giải pháp nào khắc phục tình trạng "được mùa mất giá"?
Trả lời đại biểu Quốc hội về giải pháp gì về phục hồi hay chuyển đổi cây trồng, vật nuôi "được mùa thì mất giá được giá thì mất mùa", như hiện nay cây tiêu ở Tây Nguyên mất cả mùa, mất cả giá và cây cà phê thì mất giá kéo dài, hiện tại còn có 40.000 đồng. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần làm sao tổ chức sản xuất chuỗi liên kết để giảm dần hiện tượng được mùa mất giá.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời đại biểu các vấn đề về sản xuất nông sản
“Những năm gần đây, chúng ta đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp của chúng ta, về tổng thể phải khẳng định chúng ta đang đi theo chiều hướng tích cực. Vì sao? Vì tổng diện tích đất canh tác Việt Nam chúng ta chỉ có 10 triệu hecta, trừ 14 triệu hecta rừng thì chúng ta đã tạo ra một sức sản xuất đến mức độ lương thực 45 triệu tấn, thịt 5,5 triệu tấn, cá là 8 triệu tấn, cây công nghiệp mấy thứ đều nhất thế giới về sản lượng. Do đó, về tổng quan, sức sản xuất rất lớn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận, bất cập nhất hiện nay của Việt Nam là khâu chế biến và tổ chức thương mại. Tới đây, nếu không có chế biến, thì không thể nào dập được chuyện hôm nay được ngày mai lại mất.
“Nền kinh tế thị trường thì phải tuân thủ theo thị trường cũng rất khó, không ai dự báo được mai, ngày kia nó là cái gì, giá như thế nào. Bởi vì, vàng, giá cũng biến động; dầu hỏa, giá cũng biến động. Chúng ta phải trên một cục diện chung để định hướng. Ví dụ, lúa gạo, nay mai thế giới tranh nhau có 36 triệu tấn gạo thì chủ trương chúng ta sẽ rút 500.000 tấn, hoặc ở Tây Nguyên 5 triệu hecta rất tốt, 5 cây chủ lực, cây công nghiệp nhưng những giai đoạn trước kia phát triển quá nóng”, Bộ trưởng lý giải.
Về ý kiến về việc hàng năm phải tổ chức giải cứu các mặt hàng nông sản, Bộ trưởng có nghĩ là có trách nhiệm của mình? Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, năm nay là năm khó khăn nhất, nhưng phải nói trên các trục sản phẩm lớn của chúng ta.
“Đến giờ phút này, nhìn chung mà nói, thì chúng ta đều tổ chức liên kết về cơ bản là đáp ứng được giữa sản phẩm cho đến khâu chế biến cơ bản và một phần chúng ta tổ chức được thị trường”, Bộ trưởng Cường cho biết.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Cường khẳng định, một trong những chỉ tiêu khó khăn nhất của năm nay đó cạnh tranh thương mại quyết liệt về nông sản, nhưng đã được hoàn thành ở mức độ cao nhất từ trước đến nay.
“Còn 2 tháng nữa, chúng tôi chưa báo cáo số liệu tuyệt đối, nhưng tin tưởng năm nay sẽ hoàn thành, cán đích cao nhất từ trước đến nay. Điều này cho thấy tất cả những trục sản phẩm của chúng ta, nhất là 10 sản phẩm trụ cột mà xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên đều cơ bản đáp ứng được yêu cầu”, Bộ trưởng nói
Còn những trục sản phẩm nhỏ, quy mô hàng hóa ở cấp độ tỉnh, rơi rớt từng thời điểm... Nhưng về tổng thể, chúng ta làm được, nhưng còn về những điểm nhỏ, thì chúng ta phải tiếp tục và hơn ai hết là tại cơ sở.
“Vừa rồi, Bắc Giang làm rất tốt, tại lễ hội gà đã tiêu thụ 15 triệu con gà, gà mái cũng tiêu thụ tốt. Sơn La làm quả xoài đi bán quốc tế cũng tốt, tất cả cùng đồng hành, tôi tin tưởng không chỉ sản phẩm quốc gia mà sản phẩm của các tỉnh chúng ta bán cũng tốt, cũng hết”, Bộ trưởng đưa dẫn chứng./.
Bình luận