Giới thiệu Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 11 (571
Báo chí nước ta thời gian qua đã có sự phát triển mạnh mẽ trên nhiều mặt, có những đóng góp xứng đáng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày Báo chí cách mạng, Tạp chí số này có bài "Báo chí phải hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới", trong đó đưa ra những vẫn đề cần phải được quan tâm trong bối cảnh hiện nay để phát huy tốt hơn sức mạnh này.
Cũng nhân sự kiện này, Tạp chí Kinh tế và Dự báo có bài phỏng vấn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, trao đổi những vấn đề xoay quanh vai trò của báo chí ngành Kế hoạch và Đầu tư đối với công tác tuyên truyền, định hướng thông tin về hoạt động của Ngành tới bạn đọc, giúp nhân dân nắm bắt, hiểu rõ những chính sách thuộc phạm vi quản lý của Ngành qua bài "Thông tin báo chí của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải nhanh hơn, sâu hơn và hấp dẫn hơn nữa".
Tình trạng các bộ, ngành khăng khăng bảo vệ quyền lợi của mình khi xây dựng luật đã dẫn tới sự “cát cứ nội dung”, gây chồng chéo, làm giảm tính thực thi của văn bản luật. Dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi dường như cũng đang đi vào “vết xe” đó. Qua bài "Luật “chồng” luật: Nhìn từ dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi", tác giả Nguyễn Quốc Bình sẽ cho thấy những vấn đề còn "vướng" trong Dự thảo Luật Xây dựng.
Vai trò quan trọng của đầu tư công ở Việt Nam trong việc phát triển đất nước, nhất là hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kinh tế - xã hội là không thể phủ nhận. Nhưng một thực tế là, đầu tư công cũng còn có những hạn chế, hiệu quả đem lại chưa được như mong muốn. Giải pháp nào để khắc phục tình trạng này sẽ được đề cập trong bài "Đẩy lùi yếu kém trong đầu tư công" của tác giả Nguyễn Hữu Nhường.
Tỷ giá USD/VND năm 2014 sẽ như thế nào? Dựa trên mô hình khủng hoảng tỷ giá thế hệ thứ nhất do Krugman (1979) xây dựng, tác giả Trần Mạnh Tuyến phân tích thực trạng tỷ giá ở Việt Nam giai đoạn 2002-2013, qua đó dự báo những hành động có thể và không thể của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành tỷ giá năm 2014 qua bài "Dự báo tỷ giá USD/VND năm 2014".
Trên thực tế, gánh nặng nợ của doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam luôn được Chính phủ hỗ trợ, ngay cả khi các khoản nợ đó không được Chính phủ bảo lãnh chính thức. Vì vậy, rủi ro của nợ công Việt Nam không nằm ở các con số báo cáo, mà nằm ở chính số nợ của doanh nghiệp nhà nước. Với tiêu đề bài viết "Nợ công Việt Nam: Mối nguy tiềm ẩn từ nợ của DNNN", tác giả Nguyễn Việt Bình và Nguyễn Thị Liên Hương sẽ làm rõ hơn vấn đề này.
Việt Nam khá thành công trong thu hút FDI, nhưng cũng đã xuất hiện xu hướng thu hút bằng mọi giá, bất kể vào đâu, bất chấp tác động. Giờ đây, sau hơn 25 năm nhìn nhận lại, Chính phủ cũng đã khẳng định, sẽ thu hút những dòng FDI “sạch” để phát triển một nền kinh tế “xanh” trong tương lai. Làm thế nào để thực hiện được điều này sẽ được tác giả Đỗ Thị Dinh và Phạm Thị Hương đề cập trong bài "Thu hút FDI “sạch” để phát triển bền vững".
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao khả năng sử dụng vốn có hiệu quả cũng như năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng tính công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp… Tuy nhiên, trong quá trình vận hành đã bộc lộ những khuyết điểm cần được giải quyết. "Nhìn lại hai năm thực hiện tái cấu trúc thị trường chứng khoán", tác giả Nguyễn Thị Phương Nhung sẽ cho bạn đọc thấy được chứng khoán Việt Nam đã đạt được gì và còn khó khăn gì chưa khắc phục được.
Tạp chí Kinh tế và Dự báo số này còn nhiều bài viết hấp dẫn khác, bên cạnh đó là các bài viết phản ánh các mặt kinh tế - xã hội của một số địa phương như: Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Cà Mau… trong chuyên mục "Kinh tế ngành - địa phương". Các bài viết trong mục "Phổ biến kiến thức" và "Nhìn ra thế giới" cũng đem đến cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích khác./.
Bình luận