Nguồn vốn ODA như những “viên gạch” đầu tiên giúp Việt Nam xây dựng nền tảng để thu hút các nguồn lực khác trong thời kỳ đầu của sự nghiệp Đổi mới và phát triển đất nước. Trong 20 năm qua, các nhà tài trợ đã cung cấp cho Việt Nam một nguồn tài chính đáng kể, góp phần thực hiện cải cách kinh tế và hội nhập quốc tế. Cùng nhìn lại chặng đường này, tác giả Cao Mạnh Cường có bài “Vai trò của ODA đối với phát triển Việt Nam: 20 năm nhìn lại” sẽ cho chúng ta hiểu thêm về những đóng góp của ODA với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Cùng với đó, chúng ta cũng sẽ xem sự đánh giá của lãnh đạo Việt Nam với nguồn vốn ODA qua bài “Việt Nam đánh giá cao sự ủng hộ của các nhà tài trợ” và những ghi nhận, cam kết của các nhà tài trợ đối với Việt Nam trong thời gian tới qua bài “Các nhà tài trợ cam kết tiếp tục đồng hành với Việt Nam trên đường phát triển”.

Trong những năm gần đây, thị trường tiền tệ đã hoạt động khá ổn định. Đó là nhờ việc điều hành chính sách tiền tệ khá hiệu quả của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, để hướng tới an toàn và hiệu quả tín dụng cho nền kinh tế, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Bài viết “Điều hành chính sách tiền tệ hướng tới an toàn tín dụng” của tác giả Nguyễn Đắc Hưng và Nguyễn Văn Tuấn sẽ gợi mở một số việc cần làm thời gian tới.

Hành trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã qua một quãng đường hơn 2 năm, nhưng vấn đề sở hữu chéo vẫn là một thách thức lớn, vì đây là tác nhân mấu chốt làm chậm quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Vậy, ảnh hưởng đến đâu và cần phải có giải pháp gì? Tác giả Phạm Trọng Đức sẽ cho chúng ta biết qua bài “Giải quyết vấn đề sở hữu chéo trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng”.

Là một nước nông nghiệp, xuất khẩu nông sản của Việt Nam được coi là một ngành kinh tế đầy tiềm năng. Tuy nhiên, hiện nay, do chủ yếu là xuất khẩu thô, nên giá trị xuất khẩu của mặt hàng này còn rất hạn chế. Phải làm gì để khắc phục, giúp cho sản phẩm nông nghiệp của chúng ta có giá trị cao hơn? Tác giả Nguyễn Quốc Trí sẽ đi sâu phân tích vấn đề này qua bài “Để xuất khẩu nông sản chuyển từ “thô” sang “tinh””.

Tạp chí Kinh tế và Dự báo số này còn có các bài viết phân tích về tình hình thu hút FDI, những ảnh hưởng cũng như giải pháp thu hút nguồn vốn này của Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ. Cùng với đó là một số bài viết phân tích vấn đề kinh tế- xã hội của TP Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, thị xã Cửa Lò. Bên cạnh đó, số này còn có có các bài viết về kinh nghiệm quốc tế trong xây dựng nông thôn mới, phát triển thị trường bảo hiểm phi nhân thọ…